Giờ đây tính mạng chị H. đang rất nguy kịch, khi căn bệnh tiểu đường nặng làm da trên cơ thể chị bị hoại tử, biến chứng mờ mắt trái, thị lực chỉ còn 2/10.
Ra máu âm đạo nhưng không đi khám, phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn 3
Trong khi đó, căn bệnh ung thư buồng trứng của chị đã ở vào giai đoạn 3. Nữ bệnh nhân vừa phải trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ khối u và tiến hành vào hóa chất tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.
Khai thác bệnh sử, chị H. cho biết mình phát hiện bị tiểu đường hơn 3 năm nay. Tuy nhiên vì phải một mình nuôi hai con nên nữ bệnh nhân không điều trị tận gốc cũng như tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
Hậu quả là bệnh ngày một nặng hơn, chị bị biến chứng lên mắt, hoại tử chân nặng.
Khoảng nửa năm trước khi đang điều trị tiểu đường, chị H. bị ra huyết âm đạo đột ngột. Chủ quan đó lại là hậu quả do điều trị tiểu đường, người phụ nữ không khám ngay.
Đến khi cảm thấy đau quặn bụng và quá mệt mỏi, chị mới đến viện kiểm tra. Ngay khi phát hiện người phụ nữ bị ung thư, các bác sĩ đã làm giấy chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Kết quả các xét nghiệm, cận lâm sàng cho thấy chị H. bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3, phải phẫu thuật gấp.
Sau ca phẫu thuật chị tiếp tục điều trị bằng hóa chất. Hiện tình trạng ung thư đã được tạm khống chế, nhưng đổi lại là bệnh tiểu đường trầm trọng hơn do không được khống chế trong khoảng thời gian đối phó với khối bướu buồng trứng hiểm ác.
"Bây giờ không đêm nào tôi ngủ được, cứ đau nhức suốt. Mắt tôi cũng không thấy rõ còn chân cũng bị lở loét nhiều lắm" - chị H. nói và chỉ vào những vết sẹo chi chít ở vùng đùi lan xuống bàn chân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang, người đang điều trị tiểu đường cho bệnh nhân chia sẻ, hiện đường huyết bệnh nhân kiểm soát khá kém, dịch rỉ ra nhiều. Bệnh nhân còn nôn ói và mệt nhiều, thời gian điều trị dự kiến kéo dài chưa biết khi nào xuất viện.
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng là gì?
Các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư buồng trứng thường không rõ ràng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Nhiều bệnh nhân và kể cả bác sĩ cũng có thể nhầm những triệu chứng của ung thư buồng trứng với những bệnh lý khác. Nhìn chung, các triệu chứng và dấu hiệu thường gặp bao gồm:
Sưng và căng bụng;
Cảm thấy mau no khi ăn;
Sụt cân;
Khó chịu vùng chậu;
Xuất hiện tình trạng bất thường khi đi đại tiện, ví dụ táo bón;
Đi tiểu thường xuyên.
Một số triệu chứng khác có thể bao gồm:
Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt;
Buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, chán ăn, đầy hơi;
Đau lưng không rõ nguyên nhân;
Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt;
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư buồng trứng?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình bằng cách duy trì những thói quen sinh hoạt sau:
Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa;
Báo cho bác sĩ biết về các tác dụng phụ của thuốc;
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau quả trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống;
Duy trì cân nặng thích hợp, tập thể dục thể thao.
Tác giả: