Người sinh vào 3 năm này phải đổi CCCD gắn chip ngay trong năm 2023

( PHUNUTODAY ) - Chứng minh nhân dân được cấp trước năm bao nhiêu thì buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chíp trong năm 2023?

Căn cứ vào Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định như sau:

Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Theo đó, khi công dân được đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi thì phải đổi thẻ căn cước công dân. Mà hiện nay, nước ta đang triển khai kế hoạch đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước công dân gắn chíp. Do đó, những công dân đủ tuổi 25, đủ tuối 40 và đủ tuổi 60 trong năm 2023 sẽ phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chíp.

Như vậy, những công dân sinh vào năm 1998, năm 1983 và năm 1963 sẽ phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chíp trong năm 2023.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 lại có quy định:

2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Theo như quy định trên thì những công dân được cấp thẻ căn cước công dân từ năm 2021 thì sẽ được sử dụng thẻ căn cước công dân đó cho đến độ tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Như vậy, trường hợp những công dân sinh năm 1998, năm 1983 và năm 1963 đã được cấp thẻ căn cước công dân từ năm 2021 thì vẫn sẽ có giá trị sử dụng và không bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chíp.

Trường hợp, những công dân sinh năm 1998, năm 1983 và năm 1963 được cấp thẻ căn cước công dân trước năm 2021 thì bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chíp trong năm 2023.

Những người sinh vào năm nào thì bắt buộc đối thẻ căn cước công dân gắn chíp trong năm 2023?(Hình từ Internet)

Chứng minh nhân dân được cấp trước năm bao nhiêu thì buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chíp trong năm 2023?

Căn cứ vào Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 170/2007/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 2 Chứng minh nhân dân hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt Chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

Mặt trước: Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm). Bên phải, từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chữ “Chứng minh nhân dân” (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.

Mặt sau: Trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng; họ và tên cha; họ và tên mẹ; ngày, tháng, năm cấp Chứng minh nhân dân; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.

Theo như quy định trên thì chứng minh nhân dân sẽ có thời hạn sử dụng trong vòng 15 năm kể từ ngày cấp. Do đó, những công dân được cấp chứng minh nhân trước năm 2009 thì bắt buộc phải đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân gắn chíp trong năm 2023.

Thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng như thế nào?

Tại Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân như sau:

- Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

- Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

- Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Không đổi thẻ căn cước công dân bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;

c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo như quy định trên thì nếu công dân thuộc một trong những trường hợp phải đổi thẻ căn cước công dân theo quy định của pháp luật mà không thực hiện việc đổi thẻ căn cước công dân sẽ bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Tác giả: Mộc