Cà phê là thức uống yêu thích của nhiều người. Một ly cà phê bắt đầu ngày mới giúp chúng ta tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, uống quá nhiều cà phê và uống sai cách có thể dẫn tới những nguy cơ cho sức khỏe.
Uống nhiều cà phê có thể gây nghiện, gây lo lắng, khó chịu cho cơ thể. Nghiêm trọng hơn nó còn làm ảnh hưởng tới tuyến thượng thận, gây hại cho dạ dày.
Để tránh những tác hại xấu của cà phê này, bạn cần phải lưu ý một số điều sau:
1. Uống cà phê khi đói
Nếu bạn không ăn bất cứ thứ gì, cà phê có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày của bạn và gây ra các triệu chứng như ợ nóng và khó tiêu. Nó cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống thần kinh của bạn bằng cách tăng cường các triệu chứng lo lắng. Trước khi uống cà phê vào buổi sáng, bạn nên ăn nhẹ một thứ gì đó trước khi uống.
2. Pha cà phê quá đặc
Cà phê chứa caffeine - một chất kích thích làm hưng phấn hệ thần kinh mạnh hơn trà, vì vậy, uống cà phê được cho là một cách vực lại tinh thần làm việc và chống chọi với cơn buồn ngủ hiệu quả.
Cà phê có tác dụng trong việc làm giãn nở và thu nhỏ các nhánh phế quản, tác động đến hệ tim mạch, làm tăng khả năng cung cấp máu của tim, làm tăng nhịp đập của tim. Vì vậy, nếu uống những ly cà phê đậm đặc sẽ khiến tim đập nhanh, huyết áp cũng tăng và xuất hiện những hiện tượng khác thường như: nôn nóng, sốt ruột, bất an, ù tai và chân tay run. Với những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành còn có thể dẫn tới những cơn đau thắt tim.
3. Uống quá nhiều cà phê trong ngày
Cà phê có thể gây nghiện. Có những người phải uống đến 4-5 ly cà phê/ngày. Tuy nhiên, làm như vậy rất có hại cho sức khỏe. Sử dụng quá nhiều caffeine có thể gây lo âu và kích thích. Về lâu dài, bạn có thể bị phụ thuộc vào caffeine để duy trì sự tỉnh táo.
Hãy giữ lượng caffein tổng cộng trong ngày không vượt quá 400mg (ở một người nặng 65kg). Phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ quá 200mg/ngày (ở một người nặng 65kg). Trẻ em không nên uống quá 2,5mg/ngày.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh uống cà phê vào một số khung giờ vì nó có thể làm ảnh hưởng chu kỳ giấc ngủ của bạn Bạn có thể uống 2-3 tách cà phê vào buổi sáng, nhưng tránh uống cà phê sau 2-3 giờ chiều. Nếu uống cà phê vào buổi chiều, nó sẽ làm bạn cảm thấy khó ngủ hơn vào buổi tối. Hãy thử chuyển sang uống một tách trà vào buổi chiều để bạn có một giấc ngủ ngon.
4. Cho nhiều đường vào cà phê
Uống cà phê không thêm đường hoặc chất làm ngọt mới thật sự là tốt nhất nhưng nó không phù hợp với sở thích của nhiều người. Đường là một trong những thành phần có hại nhất trong chế độ ăn uống hiện đại, vì vậy bạn nên điều chỉnh lượng đường khi ăn hay uống. Hãy thử thêm một cái gì đó tự nhiên hơn như vani hoặc stevia vào tách cà phê của bạn. Nếu bạn vẫn thèm đường, hãy cố gắng chỉ cho 1/2 số đường thông thường vẫn dùng.
Bên cạnh đó, nếu bạn là người uống cà phê thường xuyên và có xu hướng uống nhiều hơn 1 hoặc 2 cốc mỗi ngày, tốt nhất bạn nên hạn chế lượng sữa bạn dùng. Quá nhiều sữa có thể gây ra các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa và khiến bạn tăng cân. Bạn có thể thử một lựa chọn lành mạnh hơn không có sữa như sữa hạnh nhân.
5. Thêm quế hoặc ca cao
Thêm ca cao vào cà phê của bạn không chỉ là bổ sung thêm chất tăng cường chống oxy hóa mà còn giúp giảm lượng đường bạn đã thêm vào cốc cà phê. Mocha, một loại cà phê có hương vị sô cô la, là một lựa chọn phổ biến trong các nhà hàng trên khắp thế giới.
Điều tương tự cũng xảy ra với quế, một loại siêu thực phẩm chống oxy hóa mạnh mẽ không chỉ có lợi cho sức khỏe của bạn mà còn thêm hương vị cay nồng cho cà phê. Lưu ý chỉ cho một chút vì nếu quá nhiều có thể gây ra các triệu chứng khó chịu.
Tác giả: