Người xưa có câu "Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3", đi 2 ngày này thì sao?

( PHUNUTODAY ) - “Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3” là câu mà người xưa dùng để nhắc nhở nhau về chuyện xuất hành để gặp lành, tránh dữ.

Vì sao "Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3"?

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, trong phép xem ngày giờ tốt phổ biến hiện nay, người ta thường kiêng kỵ ngày Tam nương. Vào những ngày này, nhiều người kiêng làm những việc lớn như động thổ xây nhà, cưới hỏi, khai trương, xuất hành… Một tháng có 6 ngày Tam nương tính theo Âm lịch là ngày mùng 3, 7, 13, 18, 23, 27.

Quan niệm về ngày Tam nương xuất phát từ tín ngưỡng dân gian Trung Quốc. Cụm từ "tam nương" liên quan đến ba người đàn bà nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thời Hạ, Thương, Tây Chu là Muội Hỷ, Bát Kỷ và Bao Tự. Sắc đẹp của họ đã làm u mê các ông vua háo sắc, dẫn đến sự sụp đổ của ba vương triều này.

Về nguồn gốc của ngày Tam nương, có nhiều cách lý giải khác nhau. Có ý kiến cho rằng, 6 ngày Tam nương chính là ngày sinh và ngày mất của ba người phụ nữ "hồng nhan họa thủy" nói trên. Có ý kiến nói rằng đó là ngày 3 mỹ nhân này nhập cung và ngày họ qua đời.

Dân gian Việt Nam cũng có cách lý giải rằng ngày Tam nương chính là ngày Ngọc hoàng sai 3 cô gái xinh đẹp xuống trần gian để làm mê hoặc lòng người nhằm thử thách họ. Những người không thể tự chủ, khắc chế bản thân sẽ dễ sa ngã vào cờ bạc, rượu chè và những điều xấu, dẫn đến thất bại trong cuộc sống.

Đó cũng là một lời truyền dạy thâm thúy dành cho con cháu, phàm là việc gì cũng nên cẩn thận, siêng năng và kiên nhẫn nếu như bỏ bê sẽ thất bại.

TS Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp KHCN Tin học ứng dụng, cho biết, ngày Tam nương được các dân tộc Á Đông tính theo Âm lịch, các nước phương Tây tính theo dương lịch và gọi là ngày Nguyệt kỵ. Ở phương Tây, người ta thống kê có nhiều tai nạn nguy hiểm xảy ra vào ngày Nguyệt kỵ và ở phương Đông cũng tương tự, do đó sinh ra sự kiêng kỵ nhiều thứ trong ngày Tam nương.

Theo TS Khanh, ở góc độ khoa học, sự trùng lặp xảy ra nhiều tai nạn vào các ngày Tam nương là do bản chất ngày âm lịch liên quan đến chu kỳ Mặt trăng quay quanh Mặt trời, tạo ra ảnh hưởng tâm đến sinh lý của con người.

"Bản chất ngày Âm lịch là liên quan đến Mặt trăng. Thủy triều hình thành là do sức hút giữa Mặt trăng và Trái đất. Con người cũng giống một hành tinh nhỏ, 70% cơ thể chúng ta là nước, bởi vậy chu kỳ quay của Mặt trăng cũng ảnh hưởng tâm sinh lý của chúng ta, gây ra những phản ứng khác thường của cơ thể, cách xử trí của chúng ta trước các sự cố cũng bị ảnh hưởng", TS. Khanh lý giải.

Để tránh lo lắng trong ngày Tam nương, TS Vũ Thế Khanh cho rằng nếu vẫn cần tiến hành các việc lớn vào những ngày này, sự bình tĩnh xử lý sẽ giúp mọi người bình an.

Còn theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), quan niệm kiêng kị "chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3" tùy địa phương mà kiêng kị. Ví như có những ngày tối kị về hôn nhân ở vùng này, nhưng tới vùng khác ngày đó lại có nhiều đám cưới.

Việc kiêng kị các ngày tam nương thực tế chưa có ai kiểm chứng đó là những ngày xui xẻo, mà chỉ đơn thuần xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, đúng hay không còn trừu tượng, nên có tin hay không tùy người.

Đạo Phật không kiêng kị những ngày này, cũng không có ngày xấu tốt, mà chỉ dạy dân ở hiền gặp lành, gieo nhân nào gặt quả nấy. Những người làm thầy thường xem theo sách lịch (như lịch trạch cát, can chi có lưu truyền việc kiêng kị ngày tam nương) và dân thì theo trào lưu xã hội mà theo. Những phong tục truyền miệng thường không có nghiên cứu nào cho ra đáp số cả, cũng chưa có ai theo dõi, chiêm nghiệm để xem có kết quả đúng hay sai.

Ngày nay việc kiêng kị "chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3" không còn nhiều người kiêng kị nữa, vì đã có rất nhiều người chọn làm việc, khởi sự, xuất hành… vào ngày 3, ngày 7 và các ngày tam nương khác mà không sao cả, còn cho rằng mọi người kiêng thì mình đi cho vắng vẻ, thoải mái.

Tác giả: Vũ Ngọc