Khi gặp thiệt thòi, hãy bình thản mà mỉm cười.
Trong cuộc sống, hầu như ít khi mọi thứ diễn ra theo ý muốn của chúng ta. Chuyện cơm áo gạo tiền, mâu thuẫn trong công việc, hay những bất hòa với bạn bè đôi khi khiến cuộc sống trở nên căng thẳng.
Khi gặp những điều này, khó tránh khỏi việc đôi lúc bản thân sẽ phải chịu thiệt thòi. Nhiều người vì thế mà trở nên tính toán, so đo từng chút, rồi dần trở nên u uất, tinh thần sa sút, thậm chí mất ngủ vì lo lắng.
Nhà văn Dương Giáng từng nói: “Nhân tình thế thái, có thể coi như sách mà đọc, như kịch mà xem.” Cuộc sống vốn không hoàn hảo, đôi khi chịu chút thiệt thòi lại là điều tốt. Nếu cứ mãi bận lòng vì được mất, đến cuối cùng bạn sẽ chẳng nhận lại được gì.
Có một câu chuyện kể về việc "Sở Vương mất cung" trong thời Xuân Thu. Khi vua Sở đi săn, ông làm rơi mất cây cung quý. Các quan vội vã đi tìm nhưng không thấy. Trước sự lo lắng của đội trưởng đội thị vệ, Sở Vương chỉ cười và nói: "Sở Vương mất cung, người nước Sở nhặt được, không có gì là mất cả, không cần tìm nữa." Khổng Tử khi nghe chuyện, đã thở dài và nói rằng tấm lòng của Sở Vương vẫn chưa đủ rộng: "Kẻ mất, người được, cần gì phân biệt rạch ròi như vậy?"
Từ câu chuyện này, ta nhận ra rằng người biết mỉm cười khi chịu thiệt thòi mới là người có lòng khoan dung, độ lượng. Họ hiểu rằng “chịu thiệt thòi cũng là một phúc lành.” Khi bạn có thể tự mình thắp lên niềm hy vọng, chẳng có gì phải lo lắng về việc người khác không mang đến điều tốt đẹp cho bạn. Một nụ cười nhẹ, một tâm thế vui vẻ đón nhận mọi thứ chính là điều tốt nhất.
Chỉ khi có lòng độ lượng, ta mới có thể bao dung mọi chuyện. Chỉ khi giữ được sự lạc quan, ta mới giảm bớt được phiền muộn. Sống trên đời, chỉ khi học cách tích cực, lạc quan và rộng lượng với mọi người, ta mới có thể đạt được sự bình yên và hạnh phúc thực sự.
Khi bị hiểu lầm, hãy mỉm cười
Cuộc đời tựa như một dòng sông dài, mỗi người đều phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách mới có thể đến được bến bờ. Trong hành trình đó, dù có giông tố hay trở ngại, ta đều có thể kiên trì vượt qua. Nhưng khi bị người khác hiểu nhầm, cảm giác tủi thân, oan ức sẽ dễ dàng xâm chiếm tâm hồn.
Công sức bỏ ra không được công nhận, những nỗ lực không ai thấy, sự chân thành không ai đón nhận, và những hy sinh thầm lặng không mang lại kết quả gì – tất cả đều khiến ta cảm thấy uất ức.
Nhưng như Kinh Phật dạy: "Vật tùy tâm chuyển, cảnh do tâm tạo, phiền não cũng từ tâm mà ra." Khi ta không coi trọng những hiểu lầm đó, chúng sẽ không còn làm ta đau khổ. Một nụ cười nhẹ nhàng có thể biến chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không đáng kể.
Xưa kia, có một vị thiền sư đã tu luyện mười năm trên núi. Khi ông trở về chùa, mỗi đêm đều đến điện thờ ngồi thiền và niệm kinh. Rồi một ngày, tiền công đức trong hòm trước tượng Phật biến mất, và vị thiền sư bị nghi ngờ vì chỉ có ông thường xuyên ở đó. Tin đồn "thiền sư trộm tiền" lan truyền khắp chùa.
Trước sự bàn tán của mọi người, vị thiền sư chỉ cười thản nhiên, không kêu oan hay bực bội. Ông vẫn giữ thái độ bình thản, sinh hoạt như bình thường, đúng giờ ăn cơm và ngồi thiền. Sau bảy ngày, trụ trì tiết lộ rằng không hề có vụ trộm nào cả, mà chỉ là một thử thách dành cho thiền sư để kiểm tra xem sau mười năm tu luyện, ông đã đạt được cảnh giới nào.
Sống trên đời, đôi khi bị hiểu lầm hay chịu oan ức là điều khó tránh. Nhưng như câu đối trên cột chùa đã viết: "Đại độ năng dung, dung thiên hạ nan dung chi sự. Khai khẩu tiện tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhân." (Tấm lòng khoan dung có thể chứa đựng cả những việc mà người đời không thể dung nạp. Nở nụ cười, vui vẻ với mọi điều trên đời.)
Gặp chuyện không thuận lợi, hãy bình thản mà mỉm cười
Trong cuộc sống, không ai có thể mãi gặp may mắn, thuận buồm xuôi gió. Khi đối mặt với khó khăn, người không hoảng sợ, không than phiền mới là người chiến thắng thật sự. Họ giữ được bình tĩnh, kiên cường, và đối diện với mọi việc một cách thong dong.
Ông Đồng Hòa, một đại thần thời cuối nhà Thanh, từng nói: "Phàm là các bậc thánh hiền, khi gặp phải chuyện nguy nan, càng lớn lao thì càng bình thản như mặt nước, có biến không hoảng." Đây là phong thái của bậc hiền nhân, cũng là bài học về rèn luyện bản thân.
Năm 2018, tại một ngôi làng nghèo ở Hà Bắc, có cô học trò nhỏ tên Vương Tâm Nghi, gia cảnh khó khăn từ nhỏ. Trong một bài văn với chủ đề "Cảm nhận về sự nghèo khó", thay vì phàn nàn, em cảm ơn những khó khăn đã giúp mình trở nên kiên cường và trưởng thành hơn. Kết quả, cô bé ấy đã đỗ vào Đại học Bắc Kinh với số điểm 707, tự tay thay đổi cuộc sống của mình.
Người xưa có câu: "Lộ man man kỳ tu viễn hề, ngô tương thượng hạ nhi cầu sách." (Quản bao nước thẳm non xa, để ta tìm kiếm cho ra bạn lòng – Trích Ly tao của Khuất Nguyên).
Cuộc đời có bao chông gai, nhưng nếu tin rằng tất cả rồi sẽ qua, đối mặt với sự lạc quan và nụ cười, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn. Thế nên, mỗi người nên học cách nhìn rộng hơn, bởi đời người ngắn ngủi, vui vẻ mới là điều quan trọng nhất.
Đừng để cuộc sống trở nên nặng nề chỉ vì những trở ngại. Hãy mang theo tinh thần lạc quan, tâm trạng tích cực, mỉm cười trước những khó khăn, rồi bạn sẽ thấy cuộc đời trôi chảy, thuận lợi hơn nhiều so với việc chìm đắm trong u sầu, đánh mất niềm tin vào chính mình.
Khi bị hiểu nhầm, hãy mỉm cười. Đó không chỉ là một thái độ sống, mà còn là cách tu dưỡng tinh thần hiệu quả. Bằng cách cười trước những oan ức, ta trở nên vững vàng, kiên cường, và những phiền muộn sẽ chẳng còn sức quấy rầy tâm trí ta.
Tác giả: Quỳnh Trang
-
3 đặc điểm của người thành công muộn: Họ rất đáng để kết giao
-
Lời khuyên của Tổ Tiên chẳng thể nào sai: "Có tiền đừng đi 2 nơi, không tiền đừng hỏi 2 người"
-
3 điềm báo trước gia đình trên đà thịnh vượng: Điều thứ 2 chính xác nhất
-
5 chỗ đàn ông càng to lại càng giàu, phụ nữ may mắn mới lấy được làm chồng
-
Vì sao người ta rời bỏ bạn? Nhất định phải biết điều này để thoát khỏi khổ đau