Dưới đây là những nguyên nhân hàng đầu khiến mẹ bầu tử vong khi sinh, các mẹ hãy lưu ý nhé:
Băng huyết
Băng huyết là nguyên nhân phổ biến nhất trong các ca tử vong sau sinh được ghi nhận. Đây là hiện tượng xuất huyết không ngừng sau khi sinh dẫn đến mất máu trầm trọng (từ 500ml trở lên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh) và tử vong là điều khó tránh khỏi. Nếu băng huyết xảy ra trong quá trình chuyển dạ còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng băng huyết tức thời là do tử cung giảm độ đàn hồi (tử cung bị đờ) hoặc do âm đạo, cổ tử cung bị rách trong quá trình sinh nở. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ băng huyết bao gồm: con lớn, đa sản, có can thiệp giục sinh...
Sản giật, tiền sản giật
Ngay khi còn trong thai kỳ, sản giật đã là mối đe dọa đến tính mạng của mẹ và thai nhi với các dấu hiệu tăng huyết áp, tăng protein trong nước tiểu dẫn đến co giật hoặc hôn mê. Kèm theo đó là các cơn đau đầu dữ dội, giảm hoặc loạn thị lực. Người mang thai lần đầu, song thai, thai phụ trên 35 tuổi, thai phụ tăng huyết áp trong thai kỳ, có đái tháo đường và mắc các bệnh lý về thận... là những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiền sản giật trong thai kỳ.
Sốt sau sinh
Để quá trình sinh diễn ra nhanh hơn, các bác sĩ sản khoa có thể cho mẹ sử dụng dụng cụ hỗ trợ. Những dụng cụ này nếu không được sát trùng kỹ lưỡng có thể mang theo các cầu khuẩn gây viêm nhiễm hậu sản và sốt là một trong những triệu chứng của tình trạng này.
Sốt cao có thể dẫn đến co giật, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn. Do đó, khả năng gây tử vong là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài nguyên nhân kể trên, các yếu tố như thời tiết, gió, sinh khó…cũng có thể dẫn đến những cơn sốt hậu sản.
Cách chăm sóc sản phụ sau sinh
Sau sinh sản phụ thường bị mất máu nhiều nên cần được bồi dưỡng, ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá độ, ăn những thức ăn dễ tiêu, tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa.
Đối với vú, sau khi sinh từ 2-3 ngày, sữa bắt đầu tiết ra, nên cho bé bú ngay sữa non, bú nhiều lần trong ngày để kích thích tiết sữa. Nếu việc tiết sữa bị tắc nên tích cực cho bé bú, triệu chứng đó sẽ dần dần mất đi.
Tránh vắt, bóp sai cách gây vỡ tuyến, tia sữa. Cho trẻ bú mẹ sẽ giúp tử cung người mẹ co bóp tốt, sớm trở lại kích thước bình thường và tạo trạng thái tinh thần phấn chấn, gắn bó với con nơi người mẹ.
Đối với vệ sinh thân thể, cần vệ sinh vùng âm hộ ít nhất là 3 lần/ngày vào sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ. Nếu sản dịch ra nhiều, sản phụ nên vệ sinh nhiều lần hơn. Cần thay băng, giấy vệ sinh, khăn, nước rửa cũng phải sạch sẽ, tốt nhất nên dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm.
Tác giả: