Theo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, đến nay có 1.269 người diện thu hút và 433 học viên tham gia Đề án 922 tốt nghiệp, được bố trí công việc. Phần lớn nhân tài tiếp cận, thích nghi nhanh và làm việc hiệu quả, trong đó hơn 200 người được bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bên cạnh mặt tích cực, việc thu hút và đào tạo nhân tài ở Đà Nẵng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là sự chồng chéo giữa một số ngành nghề đang đưa học viên đi đào tạo và người thuộc diện thu hút, dẫn đến khó khăn khi bố trí công việc. Một số nhân tài thiếu động lực và ý chí làm việc, chưa khiêm tốn...
Công việc bố trí cho nguồn nhân lực chất lượng cao chưa hợp lý, khiến nhiều người chưa sử dụng hết năng lực gây lãng phí chất xám. Nhiều nhân tài vẫn chưa được vào biên chế. Môi trường làm việc không được như kỳ vọng.
Trong 561 lượt khảo sát nhân tài diện thu hút, có 19,8% cho rằng vị trí công việc chưa phù hợp với chuyên môn. 64,6% học viên của Đề án 922 cho biết công việc được bố trí không phù hợp với chuyên ngành, sở trường. Nhiều người không thích nghi được môi trường làm việc hành chính và cho rằng lãnh đạo thiếu quan tâm, chưa cởi mở, chưa lắng nghe tiếp thu ý kiến từ cấp dưới.
Qua khảo sát, 12,5% học viên Đề án 922 đang đi làm cho biết sẽ không tiếp tục làm việc, với các nguyên nhân môi trường chưa tốt, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống, không có cơ hội thăng tiến. Có học viên tham gia đề án chờ đến hết hợp đồng với thành phố để "nhảy việc" với mức lương cao hơn.
Đến tháng 5, 93 người đã rút khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922). Trong đó dù được bố trí việc làm, 40 người đã xin thôi việc với các lý do đoàn tụ gia đình, sức khỏe không tốt, hoặc muốn tìm công việc khác. 47 học viên vi phạm hợp đồng (chủ yếu không đạt kết quả theo yêu cầu của đề án).
Bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trực thuộc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng), cho biết nhân tài xin thôi việc phần lớn ở các sở, ngành. Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, 4 trong tổng số 14 học viên Đề án 922 xin nghỉ. Trong đó, 3 học viên phải bồi hoàn kinh phí đào tạo do chưa đủ thời gian 7 năm như cam kết.
Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho biết, khi học viên có nguyện vọng xin ra khỏi Đề án, cơ quan quản lý đều mời học viên và phụ huynh đến làm việc để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, tìm cách giải quyết các vướng mắc cũng như động viên công chức tiếp tục công tác. Trung tâm cũng đồng thời thông báo cụ thể đến học viên và phụ huynh tất cả thủ tục, quy định liên quan việc bồi hoàn kinh phí trong trường hợp xin ra khỏi đề án...
Đến nay, Trung tâm đã nộp đơn khởi kiện ra tòa 32 học viên (8 đang trong quá trình xét xử tại TAND các cấp; 10 đã chuyển sang giai đoạn thi hành án; 3 đã bồi hoàn xong sau phiên xét xử sơ thẩm; 11 rút đơn khởi kiện do học viên hoàn thành việc bồi hoàn trước khi vụ án đưa ra xét xử).
Từ năm 1998, Đà Nẵng tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng chính sách đãi ngộ ban đầu với người tự nguyện đến làm việc lâu dài cho thành phố. Năm 2004, thành phố bắt đầu cấp học bổng ngay từ bậc đại học. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được đầu tư để tìm kiếm học sinh xuất sắc. Mỗi học viên được đầu tư hàng tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thương, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho biết việc thu hút nhân tài để đáp ứng nhu cầu trước mắt, còn Đề án 922 là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài cho thành phố. Ví nhân tài như hạt giống, ông Thương cho rằng khi gặp đất tốt thì phát triển, đất khô cằn thì chết và có cả những "hạt giống lép".
"Cái được lớn nhất của Đà Nẵng khi thu hút và đào tạo nhân tài là về lâu dài, khi hòa nhập với nước ngoài, đội ngũ lao động này sẽ đáp ứng được yêu cầu", ông Thương nói.
Giải đáp câu chuyện nhiều nhân tài chưa được vào biên chế, ông Thương cho biết Bộ Nội vụ đang cấm Đà Nẵng sử dụng lao động hợp đồng vào lĩnh vực hành chính. Thành phố lại hiện có 600 công chức dạng hợp đồng nên câu chuyện vào biên chế rất khó giải quyết.
Tác giả: