Thương hàn là một hội chứng gồm các biểu hiện đường tiêu hóa và toàn thân, do Trực khuẩn Salmonella typhi, Salmonella paratyphi A và Salmonella paratyphi B, thuộc họ Enterobacteriae gây nên. Người bị bệnh do ăn uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.
Hằng năm, trên thế giới có khoảng 16-33 triệu người mắc bệnh thương hàn, trong đó 5.000-6.000 người tử vong. Bệnh lây lan nhiều nhất ở độ tuổi từ 5-19 tuổi. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp thương hàn vào loại bệnh truyền nhiễm quan trọng.
Triệu chứng, biểu hiện của bệnh thương hàn
Triệu chứng chính của thương hàn là tiêu chảy. Triệu chứng có thể nhẹ, đi tiêu có thể có phân lỏng từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Triệu chứng này cũng có thể nặng kèm theo tiêu chảy nước sau mỗi 10 hoặc 15 phút. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như máu trong phân, co thắt dạ dày, nôn mửa, sốt và nhức đầu.
Bệnh thương hàn có đặc trưng là sốt liên tục, sốt cao lên đến 40 độ C, vã nhiều mồ hôi, viêm dạ dày ruột và tiêu chảy. Hiếm gặp hơn là xuất hiện ban dát sần, chấm màu đỏ hoặc hồng. Trường hợp điển hình, diễn tiến của bệnh thương hàn không được điều trị được chia làm 4 giai đoạn riêng rẽ, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 1 tuần:
Tuần đầu tiên: có sự gia tăng nhiệt độ từ từ tương ứng với chậm nhịp tim, khó chịu, nhức đầu và ho. Chảy máu mũi (chảy máu cam) ở 25% các trường hợp và có thể có đau bụng. Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu ưa axit tương quan với tăng bạch cầu lympho, nuôi cấy máu tìm thấy Salmonella typhi hay paratyphi.
Sang tuần thứ 2: Bệnh nhân nằm liệt giường với sốt cao dạng cao nguyên quanh mức 40 độ C và nhịp tim chậm (tình trạng mạch nhiệt phân ly). Bệnh nhân luôn có mê sảng, li bì nhưng thỉnh thoảng bị kích thích. Do mê sảng làm cho bệnh thương hàn có biệt danh là 'sốt thần kinh'. Chấm ban hồng xuất hiện ở phần thấp của ngực và bụng ở khoảng 1/3 bệnh nhân.
Khám thực thể: Bụng trướng căng và đau ở 1/4 dưới phải, có thể nghe được tiếng sôi bụng. Tiêu chảy có thể xảy ra trong giai đoạn này, đi tiêu 6-8 lần/ngày, phân màu xanh lục, mùi đặc trưng, nhiều trường hợp lại gặp táo bón. Gan và lách to, mềm và xét nghiệm thấy men transaminase tăng. Phản ứng Widal dương tính rõ với kháng thể kháng O và kháng H. Nuôi cấy máu thỉnh thoảng vẫn dương tính trong giai đoạn này.
Tuần thứ 3: Một số biến chứng có thể xảy ra như xuất huyết tiêu hóa do chảy máu từ mảng Peyer, có thể rất trầm trọng nhưng thường không gây tử vong; thủng ruột non ở đoạn xa hồi tràng, đây là biến chứng rất nặng và thường gây tử vong, nó có thể xảy ra mà không có triệu chứng cảnh báo cho đến khi nhiễm khuẩn huyết và viêm phúc mạc lan tỏa; viêm não; gây mủ ở cơ quan khác, viêm túi mật, viêm nội tâm mạc, viêm xương. Trong giai đoạn này, nhiệt độ tiếp tục tăng và rất ít dao động suốt hơn 24 giờ. Mất nước xảy ra sau đó và bệnh nhân mê sảng.
Cuối tuần thứ 3: Sốt bắt đầu giảm, tiếp tục đến tuần thứ 4 và tuần cuối cùng. Nếu không bị biến chứng, bệnh nhân sẽ khá dần lên sau một giai đoạn từ 7-10 ngày, nhưng bệnh có thể tái phát 2 tuần sau khi đã lui bệnh.
Cần phân biệt thương hàn với các bệnh dạ dày ruột và các bệnh nhiễm khuẩn khác như: lao, viêm nội tâm mạc, bệnh do Brucella, u lympho, sốt Q, đôi khi phải chẩn đoán phân biệt với cả viêm gan vi rút, sốt rét hay bệnh lỵ amip.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Tác giả: