Hàng ngày chúng ta đều thấy rất nhiều thông tin người bị nhiễm kí sinh trùng. Những con kí sinh trùng này khi vào cơ thể ta chúng không chết mà vẫn tiếp tục kí sinh, sinh sôi nảy nở trong cơ thể của ta gây ra một số bệnh nghiêm trọng. Để phòng tránh chúng thì ta nên hạn chế ăn những thực phẩm sau.
Ốc
Ốc đồng chứa rất nhiều ký sinh trùng như giun, sán, đặc biệt là ốc được bắt ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm thì nguy cơ nhiễm ký sinh trùng càng cao. Vì vậy, nếu bạn chế biến ốc không kĩ thì nguy cơ nhiễm giun sán là rất cao.
Khi vào cơ thể, chúng có thể kí sinh tại rất nhiều bộ phận nội tạng, gây ra những biểu hiện bên ngoài như phù chân, tay, nôn mửa, đau bụng, sốt, tiêu chảy… Ngoài ra một số loại giun sán kí sinh lâu trong cơ thể còn có thể gây bệnh ung thư.
Tôm hùm
Những loại thủy sản như tôm hùm cũng là “nhà” của vô số các loại giun sán ký sinh. Điển hình nhất là loại giun Paragonimus westermani. Cua, tôm, tôm hùm là vật chủ trung gian cho loại ký sinh này. Nếu ăn sống những loại thực phẩm này hoặc ăn khi chế biến chưa chín kỹ sẽ rất mắc phải chứng bệnh Paragonimiasis.
Đây là dạng bệnh nhiệt đới do nhiễm sán Paragonimus trong phổi. Triệu chứng giống như viêm phế quản, khó thở, ho ra máu. Hiện có hơn 22 triệu người trên thế giới bị nhiễm ký sinh trùng này. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng “tạm trú” ở tá tràng, rồi đi qua thành ruột vào khoang bụng. Sau đó sẽ vượt qua thành bụng và cơ hoành để đi vào phổi. Chúng cũng có thể “chuyển địa bàn” đến não và các cơ sợi và có thể “định cư” tại đây trên 20 năm.
Trên đường xâm nhập cơ thể, chúng luôn để lại “hành tung” như gây tổn thương phổi, viêm ruột... Những dấu hiệu cấp thời cần lưu ý là đau bụng, ho, sốt, nổi mề đay, tăng bạch cầu eosinophilics, tiêu chảy, rối loạn hô hấp, phì đại gan, lách... Bệnh nhân có thể có những biểu hiện như ho, đau ngực, ho ra máu, nghiêm trọng hơn có thể gây chảy máu vùng phổi. Vì thế khi ăn bạn phải chế biến tôm hùm thật chín kỹ, không ăn vùng vỏ ngoài.
Lươn
Lươn cũng được xem là loài có tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng cao, đặc biệt là ấu trùng giun tròn. Khi vào thời điểm mùa sinh của ký sinh trùng, tỉ lệ nhiễm trùng của lươn có thể lên tới hơn 50%. Khi ấu trùng này xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ nhanh chóng tấn công lên vùng mắt, gây ra mù lòa. Lưu ý khi chế biến lươn phải chín thật kỹ, nhiệt độ đủ làm cho nước nóng sôi và tối thiểu phải đun sôi từ 4 - 5 phút mới có thể an toàn để ăn.
Theo một nghiên cứu của GS Trần Vinh Hiển, cố vấn khoa học BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ở cả lươn nuôi và lươn hoang dã thì tỉ lệ nhiễm ấu trùng Gnathostoma spinigerum là từ 0,8-29,6%, mùa khô tỉ lệ thấp và tăng dần trong mùa mưa. GS Trần Thị Kim Dung (bộ môn ký sinh trùng ĐH Y dược TP.HCM) cũng cảnh báo tình trạng nhiễm ấu trùng Gnathostoma spinigerum khá cao ở người có thói quen ăn thức ăn chưa nấu chín kỹ như lươn xào tái, gỏi lươn...
Gỏi cá sống
Các món thủy hải sản tươi sống như cá ngừ, cá hồi, cá diêu hồng… rất được nhiều "dân nhậu" ưa chuộng vì quan niệm bổ dưỡng và mát. Tuy nhiên, ít người biết rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong các món ăn sống này.
Khi ăn các thực phẩm tươi sống như cá hồi, cá ngừ... thì các chất dinh dưỡng và khoáng chất sẽ hấp thu được hầu hết nhưng lại rất dễ bị nhiễm các bệnh như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan... Xét nghiệm cá khi đã chế biến làm gỏi các nhà nghiên cứu thấy 95% ấu trùng vẫn còn sống. 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ.
Mầm bệnh thường ở trong cơ của cá dưới dạng kén, bên trong chứa ấu trùng của các loại giun sán, kích thước kén rất nhỏ nên rất khó phát hiện bằng mắt thường. Khi ăn thịt cá chứa mầm bệnh thì các ấu trùng sẽ phát triển và sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người.
Ở nước ta đã phát hiện ít nhất 10 loài giun sán có thể truyền từ cá sống sang người. Trong đó có hai loại bệnh xuất hiện nhiều nhất là sán lá gan và giun xoắn. Ngoài ra, các nhuyễn thể và cá, tôm cũng thường có các loại vi khuẩn như trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ, xoắn khuẩn, trực khuẩn E.Coli, khuẩn tả...
Thịt bò tái, bít tết
Thịt bò là món ăn bổ dưỡng và chúng ta thường ăn hàng ngày, nhưng cách mà chúng ta đang ăn món bò tái, bít tết cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ai cũng biết rằng, nếu thịt bò nấu chín sẽ dễ bị dai và mất đi hương vị thơm ngọt. Vì thế đa phần sẽ chọn cách chế biến thịt bò tái. Nhưng theo các chuyên gia sức khỏe, ăn bò tái là cách rất dễ đưa ký sinh trùng vào cơ thể.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề - Nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội, thói quen ăn phở tái, thịt bò, thịt trâu tái chính là nguyên nhân gây ra bệnh sán dải bò. Một miếng bò bít tết chín tái nhìn rất hấp dẫn nhưng có thể chứa nang sán dải bò rất nguy hiểm.
Thịt bò sống có thể chứa ký sinh trùng sán dây, màu trắng đục, thân dẹt phẳng, có nhiều đốt, có chiều dài từ 4 - 8 mét. Loại ký sinh trùng này có thể gây ra những nguy hại khôn lường cho sức khỏe. Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyên bạn nên nấu chín thịt bò trước khi ăn.
Hàu
Thịt hàu ngon và ngọt, rất giàu chất dinh dưỡng, đàn ông ai cũng thích vì vừa khoái khẩu vừa giúp tăng "bản lĩnh phái mạnh". Thịt hàu cũng chứa nhiều khoáng tố, các vitamin và hợp chất hữu cơ như: kẽm, protein, sắt, đồng, selenium, vitamin D, vitamin B1, B2, B3, B12, vitamin C, phốt pho, kali, các axít béo omega-3, các chất kháng ôxy hóa, cholesterol tốt, nước…
Mặc dù thịt hàu mang lại rất nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng ăn hàu không đúng cách, đặc biệt là ăn hàu sống nhiễm khuẩn sẽ khiến bạn rước bệnh vào người. Do hàu sống ở bờ biển, ở các ghềnh đá ven bờ biển hay các cửa sông, sống bám vào một giá thể như bám vào đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu, ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển... nên khó tránh khỏi tình trạng bị ô nhiễm.
Trong hàu còn chứa rất nhiều mầm bệnh như vi khuẩn Norovirus có thể gây ra viêm ruột, viêm dạ dày và Vibrio - một loại vi khuẩn gây ra bệnh tả với những triệu chứng như sốt cao, sốc nhiễm trùng, phồng rộp da, thậm chí tử vong do nhiễm trùng máu.
Đây đều là những thực phẩm rất bổ dưỡng nhưng bên cạnh ó nó cũng ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm mà nếu không chú ý chúng ta rất có thể bị nhiễm vào cơ thể gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Tác giả: