Mỗi một đất nước, thậm chí mỗi vùng đều có những phong tục riêng. Khi nhìn vào một số phong tục của những nước khác, chúng ta – những người nước ngoài đến từ các quốc gia khác có thể thấy thật kỳ lạ. Nhưng đó lại là truyền thống lâu đời và đáng được tôn vinh với người dân bản địa. Hãy cùng tìm hiểu một số truyền thống được coi là kỳ lạ nhất trên khắp châu Âu nhé:
Lễ hội cà chua Tomatina ở Tây Ban Nha
Nếu bạn là người thích hội hè vui vẻ và không ngại bị ném bẩn vào người thì bạn nên đến Buñol, Tây Ban Nha và tận hưởng cuộc chiến cà chua lớn nhất thế giới ở đây. Sự kiện này được tổ chức vào thứ Tư cuối cùng của tháng 8, hàng ngàn người đổ ra đường và háo hức ném cà chua vào nhau. Cho đến tận bây giờ, không ai có thể hoàn toàn chắc chắn truyền thống này bắt đầu như thế nào, nhưng có thể chắc chắn những người tham gia làm điều đó chỉ vì mục đích giải trí thuần túy.
Bơi lội vào mùa đông ở Romania
Có một sự kiện đặc biệt trong mùa đông ở Romania, người dân Romania bơi lội để kỷ niệm cho sự kiện “Cuộc đua Danube cho Thánh giá”. Sự kiện này được hỗ trợ bởi Giáo hội Chính thống. Khi một linh mục ném cây thánh giá xuống sông, hàng nghìn người đàn ông phải bơi để tìm cây thánh giá trong làn nước đóng băng. Mục đích của cuộc đua là để kỷ niệm cho lễ rửa tội của Chúa Giêsu ở sông Jordan. Một lượng vodka lớn đã được sử dụng cho sự kiện này, vì phải nhờ sức nóng của rượu mạnh mới khiến mọi người có thể chịu được nước đóng băng của sông Danube. Người tìm thấy cây thánh giá đầu tiên được cho là có cuộc sống đầy may mắn trong cả năm sắp tới.
Trận đòn vào ngày Thứ Hai ở Cộng hòa Séc
Nghe có vẻ kỳ lạ và tàn nhẫn, đó là phong tục được tổ chức trong lễ Phục sinh với những người phụ nữ ở Cộng hòa Séc. Đó là việc những người phụ nữ nơi này phải chịu đánh bằng cành liễu vào ngày Thứ Hai trong lễ Phục Sinh. Sau “trận đánh” đó, người phụ nữ phải thưởng cho những người đàn ông đánh họ: với các chàng trai là những quả trứng có màu và một ly rượu truyền thống với những người đàn ông lớn tuổi hơn. Truyền thống này vẫn tiếp diễn đến ngày nay do người ta quan niệm rằng, việc đánh đòn sẽ đảm bảo cho khả năng sinh sản và sức sống của người phụ nữ.
Giải vô địch cõng vợ ở Phần Lan
Nếu bạn đã chán việc chạy một mình thì bạn có thể thử một trong những môn thể thao được yêu thích ở Phần Lan: “cõng vợ”. Cuộc thi cõng vợ tức là người đàn ông mang theo vợ hoặc bạn gái của mình và chạy đua. Tuy nhiên không phải thích cõng như nào cũng được, có những quy tắc nghiêm ngặt và những cách khác nhau để một người đàn ông có thể mang theo bạn đồng hành của mình. Ví dụ: kiểu khiêng của lính cứu hỏa hoặc phong cách Estonia: đây là khi người phụ nữ giữ eo người đàn ông trong khi cô ấy lộn ngược và quấn hai chân quanh vai anh ta. Người chiến thắng là người đầu tiên hoàn thành cuộc đua qua đường đua có nhiều chướng ngại vật. Nếu đủ giỏi, bạn thậm chí có thể tham gia Giải vô địch thế giới cõng vợ được tổ chức hàng năm tại Sonkajärvi, Phần Lan.
Bôi đen cô dâu ở Scotland
Mọi cô gái đều mơ về một trong những ngày quan trọng nhất trong cuộc đời mình - ngày cưới. Ngày đó sẽ phải thật đẹp và lung linh với váy cưới yêu kiều, địa điểm cưới được trang trí rực rỡ với hoa tươi và bánh ngọt… Tuy nhiên, điều này được nhìn nhận rất khác ở Scotland. Ở đây có một tục lệ gọi là bôi đen cô dâu. Bạn bè và gia đình tụ tập và phủ lên cô dâu những thứ như sữa hư, bùn, nước sốt và những thứ chất bẩn khác. Người Scotland quan niệm, nếu cô dâu và chú rể có thể chịu đựng được sự sỉ nhục này, họ sẽ vượt qua mọi trở ngại trong cuộc hôn nhân của mình, và nó sẽ chỉ dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc lâu dài của cặp vợ chồng đó.
Tác giả: Thảo Linh
-
Món ngon đặc sản nổi tiếng An Giang khiến thực khách ‘níu lưỡi’ vì tên gọi
-
Số phận bi thảm của Hoàng hậu 10 tuổi lấy cậu ruột: Cả đời cô độc trong cung cấm
-
Tỉnh nào ở Việt Nam không có biển, không có rừng cũng không có núi? Giáp ngay Hà Nội nhiều người không biết
-
Quả xưa rụng đầy không ai thèm, nay thành đặc sản ‘sốt xình xịch’, giá 300.000 đồng/kg
-
Vì sao người thường chỉ có thể sống được 80 năm, rùa có thể sống được 200 năm?