Nghén là triệu chứng hầu hết chị em gặp phải khi mang thai. 70% phụ nữ bị buồn nôn vào những ngày đầu thai kỳ và khoảng 50% nôn mửa.
Ốm nghén có thể đơn giản là cảm thấy hơi khó chịu ở bụng, hoặc đầy hơi nhiều lần trong một ngày. Trong trường hợp này, bạn cần nghỉ ngơi.
Hầu hết ốm nghén sẽ diễn ra trong 6 tuần đầu, đôi khi kéo dài hơn hoặc chấm dứt rồi trở lại sau đó. Sau ba tháng đầu, khoảng 50% bà bầu bị ốm nghén sẽ cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên, nhiều người sẽ tiếp tục tình trạng tồi tệ trong toàn bộ thai kỳ.
Nguyên nhân gây ra ốm nghén có thể là do hormone từ nhau thai tiết ra khiến nội tiết của mẹ thay đổi. Hormone HCG (human chorionic gonadotropin) là nguyên nhân chính gây ra chứng ốm nghén ở bà bầu. Khi mang thai, mức độ hCG trong cơ thể phụ nữ sẽ tăng lên gấp đôi và điều này dẫn đến chứng buồn nôn, nôn ói trầm trọng.
Bên cạnh đó, trong thời gian đầu mang thai, mức độ progesterone tăng lên đáng kể trong tử cung để hỗ trợ phôi thai phát triển. Mức progesterone trong dạ dày, ruột và thực quản cũng tăng lên gây ra chứng chậm tiêu hóa và làm tích tụ thức ăn trong dạ dày dẫn đến khó chịu, buồn nôn, nôn ói.
Chị em có thể hạn chế chứng nôn ói, buồn nôn, ốm nghén bằng cách sử dụng những loại thực phẩm sau:
Gừng
Không chỉ được các chị em truyền tai nhau, gừng còn được khoa học thực tế chứng minh là có thể làm giảm các cảm giác buồn nôn nói chung cũng như nôn nghén nói riêng ở phụ nữ mang thai. Mẹ bầu có thể nhâm nhi một tách trà gừng ấm, bánh quy tẩm gừng hay thậm chí kẹo gừng đều vô cùng hiệu quả.
Táo
Một lượng chất xơ vừa phải từ quả táo tươi đi qua thực quản xuống dạ dày có thể giúp chặn lại cảm giác buồn nôn khó chịu cho mẹ bầu. Bên cạnh táo ngọt, mẹ cũng có thể thử một vài miếng táo chua để thấy hiệu quả nhanh hơn.
Các loại hạt vỏ cứng
Thiếu protein tạm thời có thể khiến cho cảm giác buồn nôn trở nên tồi tệ hơn, vì vậy mẹ nên "trữ sẵn" một số loại hạt ăn liền giàu protein và dễ tiêu hóa như hạt dẻ, lạc, hạnh nhân, hay thậm chí bơ đậu phộng để ăn khi cần thiết.
Khoai tây nướng
Một củ khoai tây nhỏ nướng vừa chín tới cũng có thể giải quyết sự khó chịu trong dạ dày cho mẹ bầu. Tinh bột có trong khoai tây nhanh chóng bổ sung chất bột cho cơ thể đồng thời làm giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày. Mẹ cũng hoàn toàn có thể nướng khoai đơn giản bằng lò vi sóng hay lò nướng đối lưu, chú ý nên đặt một bát nước phía dưới để tránh khoai bị quá khô.
Cam, quýt, bưởi
Cam, quýt, bưởi không chỉ giàu chất dinh dưỡng, mà ngay cả vỏ cam, quýt, bưởi cũng có tác dụng chống nôn khá tốt. Nếu không, bà bầu có thể ngửi mùi từ vỏ cam cũng có thể khiến các mẹ bầu không còn cảm giác bị ốm nghén trong những ngày đầu mang thai này nữa.
Bánh mì, bánh quy
Các món bánh giàu tinh bột như bánh quy, bánh mì hay bánh mì nướng có khả năng hấp thụ lượng axit dư thừa trong dạ dày, do đó có thể giảm các triệu chứng buồn nôn. Mẹ bầu có thể chuẩn bị sẵn bánh mì, bánh quy trong nhà để có thể ăn luôn vào buổi sáng – thời điểm cơ thể thường nghén nặng nhất.
Tác giả: