Những việc nên làm và không nên làm trong ngày mùng 1 Tết
Vậy là Tết Đinh Dậu đã sắp đến, theo phong tục dân gian, ngày mùng 1 Tết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và sẽ ảnh hưởng đến cả năm sắp tới. Dưới đây là những “Điều nên” và “Điều kỵ” trong ngày đầu năm theo quan niệm của người xưa để giúp bạn có một năm 2017 may mắn, thành công và thịnh vượng.
Điều nên làm trong ngày mùng 1 Tết
Mua muối
Dân gian vẫn có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” như là để nhắc nhở nhau về những việc nên làm vào dịp đầu năm và cuối năm. Mua muối là một tập tục xa xưa của người Việt vào ngày đầu năm.
Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà, trong tình cảm gia đình.
Mặc đồ mới
Ngoài mục đích để cho thật đẹp, thật bảnh để đón tiếp khách khứa thì việc mặc đồ mới trong ngày đầu năm còn thể hiện ước muốn rằng nhiều bước phát triển mới sẽ đến với bạn trong năm mới. Vì quần áo mới tượng trưng cho những điều mới mẻ, tươi vui.
Bạn nên mặc những loại áo quần có màu sắc nổi bật, tươi vui như màu đỏ, màu vàng tránh các tông màu buồn như màu đen, màu xám.
Hái lộc
Người Việt có tục hái lộc từ ngàn xưa. Vào thời điểm sau khi giao thừa, người ta thường đi chùa hái một cành lộc nhỏ với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà. Trong xã hội ngày càng phát triển, hái lộc xuân vẫn còn nguyên nét giá trị tinh thần dù đã có ít nhiều thay đổi trong quan niệm cũng như cách làm của mỗi người.
Những việc không nên làm trong ngày mùng 1 Tết
Quét nhà, hót rác là việc "đại kỵ" trong ngày Tết
Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân, gia đình sẽ bị xui xẻo.
Tục này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc ghi trong "Sưu thần ký".
Đó là câu chuyện về người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu.
Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà.
Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi.
Người ta bảo Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ. (Có lẽ vì vậy mà bàn thờ thần tài thường để ở góc nhà). Từ đó có tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm do người ta sợ hót mất thần tài ẩn trong đó đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt.
Kiêng cho lửa
Ngày mùng 1 tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình. Vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn.
Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng 1 tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may mắn như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió.
Người có tang không nên xông nhà
Xuất phát từ phong tục xông nhà, xông đất đầu năm, người đầu tiên bước vào nhà ai trong ngày mùng 1 tết chính là người quyết định đem lại sự may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm.
Vì vậy, những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.
Kiêng làm vỡ bát, đĩa
Ông bà ta quan niệm, từ vỡ, bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình. Vì thế, trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.
Kỵ vay mượn, trả nợ ngày đầu năm
Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác.
Vì thế, trong gia đình, ông bà, cha mẹ thường răn dạy con cháu trong dịp tết không nên vay tiền hay mượn đồ đạc của người khác, để tránh cho cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần, không may mắn trong công việc, làm ăn.
Tuy nhiên, những điều kiêng kỵ trên còn tùy thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng riêng của từng người, từng gia đình.
Song, khi hiểu về các tập tục ngày Tết sẽ giúp mỗi người biết cách cư xử sao cho tế nhị, tránh gây hiểu lầm, khó xử trong các mối quan hệ.
Không mặc quần áo màu đen- trắng
Với người Việt Nam, màu đen- trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo nhiều màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.
Kiêng ăn món xui
Ngày đầu năm, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó vì theo quan niệm đó là những món ăn không tốt cho năm mới. Ngoài ra, một số vùng không ăn tôm vì sợ... đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.
Kiêng nói những điều xui
Những phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo như "Chết mất" hay " Tiêu rồi","Hỏng rồi". Đó là những từ không may mắn, thay vào đó bạn nên nói chuyện với mọi người bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ, và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.
Tác giả: Phạm Đông
-
20 kiêng kỵ ngày TẾT không thể không biết để tránh xui xẻo cả năm
-
10 điều tuyệt đối kiêng kỵ ngày Tết để cả năm lộc lá, tài vận hanh thông
-
Clip: 7 điều kiêng kỵ trong ngày Tết bạn cần biết để cả năm may mắn
-
11 món "đại kỵ" cấm ăn trong ngày Tết tránh xui xẻo cả năm
-
Những điều tuyệt đối kiêng kỵ ngày tết để cả năm may mắn