Ở Hà Nội, phố và đường khác nhau như thế nào? Khi nào gọi là phố, khi nào gọi là đường?

( PHUNUTODAY ) - Việc khi nào gọi là phố, khi nào gọi là đường được UBND TP Hà Nội quy định trong một bản quy ước về việc đặt tên đường, phố, ngõ của thành phố.

Ở Hà Nội, có những nơi được gọi là "đường" nhưng cũng có những nơi được gọi là "phố". Phố và đường là tên gọi chỉ đơn vị hành chính, được phân chia theo các tuyến phố, đã quy hoạch và đủ tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng đô thị. Phố và đường nằm xen kẽ với nhau trong các khu vực chứ không hoàn toàn tách biệt.

Liên quan đến việc đặt tên đường, tên phố, Hà Nội đã có sự thống nhất quan niệm dựa trên sự phối hợp của các cơ quan hữu trách như Sở Văn hoá - Thông tin, Sở Giao thông Công chính, Sở Địa chính... UBND TP. Hà Nội đã có Bản quy ước về việc đặt tên đường, phố, ngõ của TP Hà Nội từ ngày 26/8/1998. Theo đó, quy mô, vị trí, tính chất là cơ sở để phân biệt đường và phố.

Đường có quy mô lớn về cả độ dài lẫn chiều rộng, nằm trên các tuyến vành đai, đường liên tỉnh, đường trục chính trên địa bàn thành phố.

Phố dùng để gọi các con đường có quy mô nhỏ, hai bên có những công trình kiến trúc liên tiếp như nhà ở, trụ sở cơ quan, cửa hàng, cửa hiệu...

Cách đặt tên đường và phố ở Hà Nội có một số quy định cụ thể.

Ngày nay, nhiều tuyến đường trải qua thời gian đã có sự "phố hóa" như đường Láng, đường Trường Chinh, đường Cầu Giấy... nhưng cách gọi "đường" vẫn được giữ nguyên chứ không đổi thành "phố". Nhiều con đường khi mới được đặt tên thì ít các công trình kiến trúc nhưng sau một thời gian ngắn nhà cửa, các công trình kiến trúc mọc lên san sát. Tuy nhiên, cách gọi là đường cũng không thay đổi.

Cách gọi là "phố" thường phổ biến ở khu phố cổ, phố cũ, các điểm buôn bán sầm uất. Điều này phản ánh lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Đây cũng là nét đặc sắc của vùng đất thủ đô.

Nguyên tắc đặt tên đường, tên phố tại TP. Hà Nội ban hành tại Quy chế kèm Quyết định 207/2006/QĐ-UBND được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 10/2015/QĐ-UBND. Theo đó, tên đường, tên phố được đặt tùy vào vị trí, cấp độ, quy mô, đặc điểm cụ thể. Theo đó:

- Tên địa danh phải là địa danh nổi tiếng có ý nghĩa, giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa của đất nước/của Hà Nội, đã quen thuộc từ xa xưa, ăn sâu vào tiền thức của nhân dân, tên địa phương kết nghĩa/có mối quan hệ đặc biệt.

Với tuyến đường, phố ở nội bộ khu đô thị, làng, xã cũ đã chuyển thành phường thì tên sẽ gồm hai bộ phận:

+ Địa danh của khu vực đó và số thứ tự theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Bắc, từ Đông Nam sang Tây Bắc. Số lẻ tính từ đầu tuyến bên trái; số chẵn từ bên phải.

+ Tên danh nhân (cả danh nhân trong nước và danh nhân nước ngoài): Phải là người tiêu biểu trong những người nổi tiếng, có đức, có tài, có nhiều thành tựu, đóng góp lớn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, thành phố được suy tôn và thừa nhận. Đồng thời, tên danh nhân được chọn để đặt tên đường, tên phố còn phải đáp ứng các yêu cầu: Người đã mất ít nhất 10 năm trước khi xét đặt tên đường, phố (trừ trường hợp đặc biệt); chưa xem xét đặt tên với những danh nhân có ý kiến đánh giá khác nhau/chưa rõ ràng về mặt lịch sử; Không đặt tên đường, phố bằng tên gọi khác nhau của 01 danh nhân trên cùng một địa bàn thành phố.

Lưu ý, các quận, huyện… trên thị xã có tên trùng nhau do lịch sử để lại thì giữ nguyên tên đó và viết kèm thêm quận, huyện, thị xã.

- Tên di tích, danh lam thắng cảnh: Phải có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, quen thuộc và đã được xếp hạng.

Tác giả: Thanh Huyền