Trong truyền thuyết dân gian, ông Ba Bị được khắc họa là người đàn ông to lớn, đen đúa, gương mặt dữ tợn, chuyên đi bắt những đứa trẻ nghịch ngợm, nhốt vào chiếc bị và mang đi xa khỏi bố mẹ.
Một số dị bản kể rằng, thời mất mùa, có những băng nhóm sáu người chuyên bắt cóc trẻ em để bán, mỗi hai người khiêng một chiếc bị có ba quai, nên gọi là "Ba Bị". Cả nhóm được dân gian đặt biệt danh là "9 quai, 12 con mắt", thường lảng vảng ở các làng ven biển, chờ cơ hội bắt trẻ em rồi trốn bằng thuyền.
Ít ai ngờ rằng, hình tượng "ông Ba Bị" lại liên quan đến một nhân vật có thật trong lịch sử: ông Phạm Đăng Hưng – vị quan thanh liêm từng giữ chức Lễ Bộ Thượng Thư thời vua Gia Long.
Ông chính là thân phụ của bà Từ Dũ – vợ vua Thiệu Trị, và là ông ngoại của vua Tự Đức. Bà Từ Dũ sau này trở thành hoàng thái hậu đức độ, được nhân dân yêu kính, là người phụ nữ quyền lực bậc nhất triều Nguyễn, sống qua 10 đời vua.
Theo tài liệu trong cuốn Hương Giang cố sự của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông Phạm Đăng Hưng – người gốc Gò Công (Nam Bộ) – nổi bật với vóc dáng cao lớn, râu rậm và cứng, được ví như râu Trương Phi. Trong suốt thời gian giữ chức dưới triều Gia Long và Minh Mạng, ông nổi danh là vị quan liêm chính, công minh, luôn đặt quyền lợi của dân lên hàng đầu.
Khi còn là Điền Tuần Quan dưới thời vua Gia Long, giữa lúc hạn hán và thiên tai liên tiếp xảy ra, ông thường mang theo ba bị ngũ cốc để phát cho dân nghèo, đồng thời hướng dẫn họ trồng trọt để cải thiện sinh kế. Với những gia đình quá khó khăn, ông sẵn sàng mang gạo đến tận nơi hỗ trợ. Ông cũng không khoan nhượng với quan lại tham nhũng hay kẻ gian thương, luôn ra tay trừng trị nghiêm khắc.
Vì lẽ đó, dân chúng lương thiện hết mực kính trọng ông, còn những kẻ xấu thì luôn khiếp sợ. Có lẽ từ hình ảnh “ba bị gạo cứu dân” này mà dân gian dần gắn cho ông biệt danh “ông Ba Bị”, như một biểu tượng của công lý và sự nghiêm khắc.
Vậy điều gì đã khiến hình ảnh một vị quan mẫu mực trở thành nỗi ám ảnh của trẻ thơ? Theo thời gian, ý nghĩa ban đầu của cái tên “ông Ba Bị” bị phai nhạt. Nhiều người không hiểu rõ nguồn gốc, lại dựa vào chữ “bị” – theo nghĩa là túi vải – nên lầm tưởng ông là người ăn mày. Học giả An Chi cho rằng, trong quan niệm dân gian, hình ảnh ăn xin thường bị gán với tính tiêu cực, không có giá trị xã hội, ngoại trừ việc… dọa trẻ con. Từ đó, ông Ba Bị dần biến thành một “ông kẹ” đáng sợ, chỉ tồn tại trong lời hù dọa.
Hình dáng kỳ quái mà dân gian gán cho ông có thể bắt nguồn từ câu đồng dao: “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt”. Vốn dĩ đây là câu dùng để đếm số vật dụng đan lát, trong đó “quai” là quai của bị, “mắt” là những lỗ thông khí. Mỗi bị có ba quai, bốn mắt – ba bị sẽ thành “chín quai, mười hai mắt”. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều người hiểu sai thành “quai” là quai hàm, “mắt” là mắt người, từ đó tưởng tượng ra một quái vật kỳ dị với hình thù gớm ghiếc.
Tóm lại, qua quá trình truyền miệng và sai lệch thông tin, hình tượng ông Phạm Đăng Hưng – vị quan liêm chính, thương dân – đã bị biến đổi hoàn toàn, trở thành ông Ba Bị chuyên bắt trẻ con, một nhân vật tưởng tượng không còn mang ý nghĩa gốc ban đầu.
Tác giả: Bảo Ninh
-
3 con giáp nữ mang mệnh Phượng Hoàng, ai lấy được hưởng thêm Lộc thêm Tài
-
Cuối tuần (12-13/4): 2 con giáp làm ăn ‘trúng mánh’, 2 con giáp được Tổ độ dễ có hỷ sự
-
Đêm mai tới Rằm tháng 8: 3 tuổi Nổ Lộc Lớn, Đắc Lộc Đắc Tài, người số 2 giàu đặc biệt
-
Tiết lộ bất ngờ: Vì sao tiếp viên hàng không không bao giờ quên mang theo chuối?
-
Tài lộc 2025: 4 con giáp nắm bắt cơ hội, kinh doanh thuận lợi, tiền bạc dồi dào