Người ta vẫn thường bảo: "Phụ nữ sinh ra đã khổ, chọn nhầm người đàn ông của cuộc đời mình còn khổ hơn". Hôn nhân vốn là cuộc sống của tình yêu thương, trách nhiệm, hy vọng và sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau. Nhưng khi người ta chẳng thể vì nhau mà cố gắng, không còn muốn cùng chung đường thì đành chọn buông tay để giải thoát cho nhau. Có nhiều người chia tay trong êm đẹp, để lại ấn tượng tốt trong nhau và cùng nhau chăm sóc con cái nhưng cũng có nhiều trường hợp sau khi tan vỡ thì cái còn lại trong họ lại là sự oán hận và một nỗi buồn vô hạn.
Phân chia tài sản sau ly hôn là việc làm phù hợp với pháp luật, những người trong cuộc được quyền đòi hỏi nếu họ thấy chưa xứng đáng với mình. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: Người đàn ông có nên chi ly, đòi chia tất cả thứ có trong căn nhà hay không?
Câu chuyện “bi đát” xảy đến với người vợ tên là Q.H.V. Sau khi chính thức ký vào tờ đơn ly hôn với người chồng cũ, chị và chồng đã phân chia mỗi người nuôi một đứa con và tài sản thì chia ra. Điều đặc biệt là anh chồng chính là người tự tay kê khai những gì mình mang đi, những gì để lại cho vợ. Và sau khi chị H.V đăng tải mảnh giấy ghi những gì còn lại của mình thì cư dân mạng đã không thể không bức xúc vì cái sự chi li tính toán thái quá của anh chồng.
"Con trai yêu quý, đây là tài sản bố đi lấy vợ để lại cho con (bên phải). Con hãy ghi nhớ ơn bố con nhé.
Đồ cổ, đồ hỏng bố để lại, đồ điện tử hiện đại hại điện lắm, bố mang đi cho con đỡ tốn tiền điện mà phù hợp phong cách sống tối giản của Nhật Bản nhé.
Bố tắm sông cũng lớn nên tháo bình nóng lạnh mang đi cho con tắm nước lạnh rèn luyện sức khỏe.
Máy tính không mở được, để con ngắm mỗi khi nhớ về bố con nhé. Cái quạt êm ái bố mang đi, con dùng cái quạt kêu như công nông để không bị ngủ quên đỡ tè dầm con nhé. Bố luôn lo lắng nghĩ cho con mọi thứ, cứ yên tâm tận hưởng tình yêu bố dành cho con!"
Theo những gì được thấy trong mảnh giấy thì anh chồng này phân chia cũng khá "đồng đều" khi mỗi bên đều có đủ 13 mục và còn những thứ nhỏ nhặt khác thì chia đôi có viết ở bên dưới. Tuy nhiên, điều khiến người ta không khỏi nực cười là người phụ nữ trong nhà thường sẽ biết cái gì tốt, cái gì còn dùng được và cái gì đã sắp hết niên hạn sử dụng. Và như lời chị H.V thì những thứ hiện đại anh ấy đều giành để mang đi rồi, còn để lại cho mẹ con chị là những thứ cũ kĩ, thậm chí đến cả cái bình nóng lạnh anh chồng cũng không tha mà phải mang đi cho kì được.
Chưa dừng lại ở đó, người đàn ông của gia đình còn yêu cầu chia đôi cả bát đũa, dao, thớt, rổ, các giá treo bếp, nhà vệ sinh cùng nhiều thứ nhỏ nhặt khác. Duy chỉ có bộ bàn ghế sofa là anh chịu để lại vì lý do sau này nếu có về thăm con thì còn có chỗ mà ngồi, còn lại nếu sau này mà chị H.V có ý định bán nhà thì thôi cho người mua cũng chẳng tiếc gì.
Là một người từng đổ vỡ trong hôn nhân, chị T.Vân (30 tuổi, Hà Nội) cảm thấy thoải mái vì không gặp phải rắc rồi về vấn đề phân chia tài sản sau ly hôn.
Chị Vân tâm sự: "Chúng tôi cảm thấy không còn tình cảm với nhau và quyết định chia tay trong hòa bình. Con bé ở với tôi. Ngày ra tòa, chồng tôi cũng ý định để lại toàn bộ tài sản để tôi dễ dàng trong việc nuôi bé Bống, nhưng tôi không đồng ý. Bởi tất cả đều là cả hai cùng chung sức xây dựng, anh cũng cần tiếp tục cuộc sống của anh, thế nên cuối cùng chia đôi những tài sản có giá trị lớn. Làm như vậy, tôi sẽ thấy thoải mái hơn".
Bạn T.Tuấn (27 tuổi, TP.HCM) cho hay: "Đàn ông không nên đồng ý nhận mọi thứ khi chia tài sản sau ly hôn. Ngược lại, với bản lĩnh và cái tôi của người đàn ông, anh ta có thể để lại toàn bộ cho vợ. Trong vấn đề này, tôi nghĩ phái mạnh đừng nên đòi hỏi sự công bằng, vì vốn dĩ ngay từ khi bắt đầu, vợ đã phải chịu thiệt thòi rồi".
Còn bạn K.Oanh thì cho ý kiến: "Thứ nào ông ấy để lại chị cứ đập nát trước mặt ông ấy đi chị vì đằng nào cũng chẳng dùng được. Vứt bỏ đi coi như là vứt bỏ một quá khứ không vui chút nào".
"Chị đừng bao giờ hối hận vì đã ly hôn với lão chồng này, hãy ngẩng cao đầu mà sống tiếp để các con không bị buồn chị ạ. Vết thương nào rồi cũng lành thôi, huống chi kẻ làm mình đau khổ thì chị cứ coi như cái ung nhọt, nhổ bỏ được thì mình sống sẽ khỏe mạnh và minh mẫn hơn. Cố gắng lên chị nhé, các con chị cần chị vào lúc này", bạn N.An bình luận.
Có nhiều ý kiến cho rằng, có người sau khi ly hôn, chấp nhận ra đi hai bàn tay trắng để giữ lại những gì tốt đẹp nhất cho con. Còn trường hợp này của chị Q.H.V lại rơi vào trường hợp chia tất cả những tài sản có trong nhà, ngay những cái nhỏ nhất, chi li nhất. Vậy thì người đàn ông này, có điều gì phải tiếc nuối?
Tác giả: