Nhà Phật giảng về duyên phận, trong đó có nhắc đến thiện duyên và ác duyên. Hiểu nôm na thì ác duyên là những mối quan hệ theo kiểu “oan gia”, oan oan tương báo, cản trở, gây khó dễ cho nhau. Còn thiện duyên thì chính là mang đến cho người ta sự tốt lành, thuần thiện.
Nếu đã là vậy, làm thế nào để kết nhiều thiện duyên đây?
Chuyện cổ Phật gia có nhắc đến một chuyện như sau:
Xưa có một tiểu hòa thượng chăm chỉ, tinh tấn, ngày ngày đi hóa duyên, chẳng quản đường xa khó nhọc, mưa gió bụi lầm. Một hôm, chú dừng chân lại một trang viên giàu có, xin cơm ăn và muốn ở nhờ một đêm. Thế nhưng chủ nhà lại không đồng ý cho chú ở lại. Ngoài trời mưa gió, chú bèn nép mình co ro dưới mái hiên, vừa đói vừa rét suốt cả một đêm.
Sáng sớm hôm sau, người nhà ra mở cửa thì thấy tiểu hòa thượng mình ướt như chuột lột, đói lạnh run người, vẫn ngồi co ro bên cánh cửa lớn. Thấy người đến, chú vội vã đứng dậy cúi chào và hỏi tên họ của gia chủ, sau đó mới rời đi.
Nhiều năm sau đó, tiểu hòa thượng kia đã trở thành trụ trì của ngôi chùa lớn nhất vùng. Một hôm, người vợ của gia chủ nọ sắm sửa lễ lạt, lên chùa cúng tiến. Mới bước vào gian điện lớn, bà giật mình khi nhìn thấy tên chồng được ghi trên một chiếc bảng treo trên cột nhà. Lấy làm hiếu kỳ, bà mới tìm gặp một hòa thượng thỉnh hỏi.
Hòa thượng nói: “Sư phụ của chúng tôi ghi tên chồng nữ thí chủ lại vì trước đây ông ấy không chịu bố thí tăng nhân”. Người vợ chưa nghe hết câu đã phẫn nộ mắng mỏ: “Trụ trì của các vị tại sao lại nhỏ mọn làm vậy, để bụng một chuyện nhỏ đã mấy chục năm như thế!”.
Vị hòa thượng chắp tay hợp thập trước ngực nói với người phụ nữ rằng: “Thí chủ xin đừng nói vậy! Sư phụ chúng tôi sở dĩ làm vậy là bởi ngài cho rằng chồng của thí chủ không bố thí đồ ăn cho tăng nhân ắt là có ác duyên đời trước chưa dứt được. Sư phụ ghi lại tên của ông để ngày đêm niệm Phật tụng kinh, những mong hóa giải ác duyên đó để gia đình thí chủ bình an cát tường vậy!”.
Người vợ nghe xong thì cảm động khôn nguôi, nước mắt chực rơi, gấp rút về nhà báo lại cho chồng. Người chồng nghe xong cũng vô cùng hối hận, tự trách mình mấy chục năm trước đã hành xử quá ư hẹp hòi, nhỏ mọn. Ông tự thân đến chùa cầu khấn dâng hương, đáp tạ trụ trì. Ông cũng cắt một phần sản nghiệp của mình để lo liệu hương hỏa cho chùa cũng như đồ ăn thức uống cho chúng tăng.
Lại có một câu chuyện cổ kể về Đức Phật một hôm dẫn các đồ đệ đi truyền pháp và hóa duyên thì đi tới một bờ sông. Đức Phật hỏi các đồ đệ rằng: “Vì sao khối đá tảng rộng ba thước vuông, đặt trên nước mà không bị chìm, không bị ướt mà lại còn có thể đi qua sông?”.
Các đệ tử trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu nhưng không ai nói ra được nguyên nhân vì sao cả. Cuối cùng, Đức Phật bèn cất giọng ôn tồn giảng: “Chuyện này xem ra rất đơn giản. Tảng đá ấy có thiện duyên nên mới qua được sông mà không chìm. Thiện duyên của nó là gì? Chính là con đò ngang. Đá đặt trên đò, qua sông nhẹ như bay, không bị chìm, cũng chẳng bị ướt”.
Hóa ra là vậy, thiện duyên có thể khiến những điều tưởng chừng không bao giờ xảy ra trở thành sự thật.
Giữa thế nhân hỗn độn vàng thau, lòng người quả là khó đoán. Con người vẫn đang sống trong một cuộc sống đầy bất an. Vì sao người ta càng ngày càng có nhiều nỗi sợ hãi đến vậy? Chẳng phải vì qua hết kiếp này, kiếp khác, người ta ngày càng kết thêm nhiều “ác duyên”, đánh mất đi hầu hết “thiện duyên” của mình đó sao?
Thiện duyên của một người không phải truy cầu rồi mà có, hoặc ngồi im đợi là đến. Nó là một mối quan hệ qua lại. Bạn cho đi tấm lòng thiện lương thì sẽ kết được những mối thiện duyên không ngờ nhất.
Dân gian vẫn thường ví von: “Nặng như đá tảng”, ấy vậy mà đá tảng qua sông lại chẳng chìm, cũng không mảy may dính nước, là vì nó đã kết được thiện duyên với con thuyền. Phải chăng đá kia chính là nhờ đã từng gieo nhân thiện mà gặp được quả lành!
Người ta lại nói: “Trơ như đá tảng”, ấy thế mà cái vật vô tri vô giác kia cũng còn biết đến đạo lý “kết thiện duyên” để đến lúc qua sông còn gặp được thuyền! Vậy lẽ nào những sinh mệnh đắc được thân người – vốn được coi là may mắn hơn đá tảng nọ gấp bội phần lại không minh tỏ cái lý gieo nhân nào gặp quả đó: “Thiện hữu thiện báo; ác giả ác báo” sao?
Người ta sống nơi trần thế mà gặp được chính Pháp là rất khó; ngộ được chính Pháp lại càng khó hơn; hành được theo chính Pháp lại càng khó hơn nữa. Nói là khó nhưng không có nghĩa là không thể, chỉ cần xuất tâm cầu Đạo đắc Pháp là cũng coi như kết được thiện duyên rồi, cũng chính là biết cách tìm được “thuyền Pháp” để vượt qua bể khổ vô biên mà phiêu phiêu đến bến bờ viên mãn ngập tràn hạnh phúc vậy.
Kìa, đá tảng kia cũng đã phiêu phiêu nổi trên sóng nước mà cập bến sông rồi!
Tác giả: Minh Ngọc
-
7 điều quyết định vận mệnh sang hèn của đời người, điều thứ 2 đa số về già mới thấm
-
7 sai lầm đáng trách nhất làm tiêu tán thiện nghiệp, gieo mầm ác báo
-
Đọc xong bài viết này, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ than khổ nữa
-
7 nguyên lý cần noi theo để cuộc đời hạnh phúc, an nhiên
-
Nhớ kĩ: 4 thứ trên đời tuyệt đối không nên nợ dù là người thân nhất!