Phi tần Việt thời xưa dưỡng nhan bằng cách nào khi không có mỹ phẩm?

( PHUNUTODAY ) - Phụ nữ thời nào cũng vậy, luôn hiểu rõ thế mạnh khi có một nhan sắc đẹp. Phi tần mỹ nữ thời xưa càng hiểu rõ hơn ai hết vì vậy họ luôn chăm chút dưỡng nhan.

Chắc hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc khi quy trình sản xuất mỹ phẩm chưa tiên tiến, rộng khắp thì mỹ nhân dưỡng nhan bằng cách nào. Nhiều người sẽ bất ngờ bởi mỹ nhân xưa đã biết dùng đến sản phẩm thiên nhiên để làm đẹp.

Dưỡng da từ cao lanh, tinh nghệ

Một số tư liệu đã mô tả rằng, bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) đến năm ngoài 60 tuổi da dẻ vẫn căng mịn, hồng hào, không hề có vết chân chim hay đốm đồi mồi nào. Thông qua cuộc phỏng vấn cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, bà Lê Thị Dinh, người ta đã biết bí quyết dưỡng nhan của phi tần, đặc biệt trong số ấy được ưa chuộng hơn cả là phấn nụ được làm từ cao lanh (đất sét trắng).

Không chỉ dùng để trang điểm, phấn nụ còn là chất dưỡng da tinh chế từ tự nhiên. Các cung nữ tự chế phấn nụ từ bột cao lanh của những tiệm uy tín. Chúng được nướng lên bằng than đến khi chín với màu trắng tuyết rồi đem nghiền mịn và hòa với nước. Sau đó gạn đi gạn lại nhiều lần để loại bỏ tạp chất rồi đổ thành những nụ hoa, đem phơi khô cẩn thận và đem ướp với thảo dược và hương hoa.

Phấn nụ thường được dùng để trang điểm mặt và dưỡng da toàn thân. Vào mùa đông, nó có tác dụng dưỡng ẩm cực tốt, chống nứt nẻ da cho phi tần. Vì vậy mà trong cung từ phi lớn đến nhỏ, thậm chí các cung nữ đều có riêng cho mình 1 nụ phấn để dưỡng nhan.

Ngoài ra, các cung nữ xưa còn biết cách trị thâm, trị mụn cho phi tần bằng việc bào chế dung dịch dưỡng da trị mụn từ nghệ. Củ nghệ được lựa chọn kỹ càng, sao tẩm cùng một số vị thuốc bắc như hồng hoa, đương quy, cúc hoa,… rồi đem hạ thổ trong thời gian nhất định tạo thành một chất tổng hợp sử dụng điều trị cho các vùng da mụn, thâm giúp da đẹp và sáng hơn.

Tinh chế dầu thơm từ hoa trái

Nhiều người nghĩ rằng nước hoa du nhập vào Việt Nam từ phương Tây. Tuy nhiên, người Việt xưa cũng đã biết cách chiết xuất mùi hương từ cây trái quanh mình.

Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn (1726-1784) có nhắc đến một loại nước hoa như sau: “Sách Quế Hải ngu hành chí” nói: “Bào hoa, người Nam gọi là Du hoa (hoa bưởi); hoa nở về cuối mùa xuân, nhị tròn, trắng như hạt châu lớn đã chiết thì giống hoa trà, hương thơm nhẹ.

Người Phiên [người bản thổ] hái hoa để nấu nước thơm, phong vị rất thú. Nay, tục nước nhà, người ta hái hoa bưởi, theo cách cất rượu mà cất nước hoa. Lấy mấy giọt nước hoa ấy, bôi vào đầu thì thấy thơm mát. Những nhà quý phái thường dùng để tặng nhau".

Như vậy, từ xa xưa người nước Nam ta đã biết dùng hoa bưởi để tạo mùi hương quyến rũ cho bản thân.

Son môi từ đất sét đỏ

Trong các bộ phim cổ trang chúng ta vẫn thấy phụ nữ xưa hay tô điểm môi bằng cách ngậm nhẹ một miếng giấy đỏ. Đây là mảnh giấy thấm hợp chất màu đỏ được chiết xuất từ bọ cánh cứng, hoa trái có màu đỏ,… Khi ngậm vào, sắc đỏ từ miếng giấy sẽ lan sang môi, làm đôi môi ửng hồng. Bên cạnh đó, người xưa cũng biết dùng sáp ong trộn với ít hương liệu để làm sáp dưỡng môi chống nứt nẻ mỗi khi đông về.

Sau này, khi chế tạo son, một chút đất sét đỏ, khoáng và mỡ động vật được trộn vào để tạo ra một dung dịch đặc sệt màu đỏ. Loại son này được tạo ra vào thời Đường – thời hưng thịnh của phong kiến Trung Quốc với sự phát triển rực rỡ của kinh tế, văn hóa, nghệ thuật…và ngành mỹ phẩm sơ khai của Việt Nam cũng ảnh hưởng ít nhiều bởi cách chế tạo son này.

Một số sách dư địa chí cho biết về những nơi có đất sét đỏ để làm mỹ phẩm như ở Sơn Tây, Vĩnh Yên; trong sách Hải Dương phong vật chí chép rằng ở huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng có loại đất màu đỏ như son.

Đặc biệt là ở khu vực núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh thuộc phủ Nam Sách (nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương) "dưới núi có giếng, đáy giếng có thứ sơn tốt mềm nhuyễn như bùn, đem phơi khô thành sơn".

Tác giả: Trần Thu Thủy