“Lạ lùng đến mức kỳ cục” là điều mà nhiều người sau khi theo dõi phiên tòa xét xử vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây họa quả nghiêm trọng” tại BVĐK tỉnh Hòa Bình có bị cáo là bác sĩ Hoàng Công Lương. Nhân chứng vắng mặt, luật sư không thể hỏi, những mâu thuẫn trong lời khai và từng diễn biến khiến nhiều người thắc mắc, phiên tòa này cuối cùng rồi sẽ đi về đâu?
Một trong những người quan trọng được triệu tập tới tòa là ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đã bị Viện KSND TP.Hòa Bình lại vắng mặt với lý do đã xuất cảnh sang Mỹ.
Ông Dương đã ủy quyền cho ông Đỗ Quốc Quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa kể từ khi ký giấy ủy quyền ngày 9.5.2018 (được Đại sứ quán Việt Nam tại Ốt-ta-oa, Canada chứng thực) đến khi kết thúc vụ việc. Phạm vi ủy quyền được nêu rõ: Người ủy quyền (ông Dương) chịu trách nhiệm trước pháp luật về công việc do người ủy quyền (ông Quyền) thực hiện.
Nhưng sau một ngày có mặt tại phiên tòa, ông Quyền đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa với lý do bất cẩn bị ngộ độc thức ăn gây bất tiện trong sinh hoạt cá nhân, không thể đến phiên tòa ngày 17.5. Bản thân ông Quyền đã cố gắng điều trị nhưng sức khỏe không đảm bảo để làm việc, “xin phép vắng mặt, không đại diện cho ông Trương Quý Dương tại phiên tòa được...”!
Một nhân chứng nữa rất quan trọng trong vụ án là ông Trần Văn Thắng (cán bộ Phòng vật tư BVĐK tỉnh Hòa Bình). Ông này vắng mặt với lý do sức khỏe không đảm bảo để dự tòa, nên xin vắng mặt, giữ nguyên sự việc như đã trình bày.
Ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng phải ra tòa, nhưng ông cũng thoái thác với lý do: “Nay tôi bị ốm, sức khỏe không được tốt, nên tôi không thể tiếp tục tham gia phiên tòa được”. Ông đề nghị được vắng mặt tại các buổi xét xử từ ngày 17.5.
Ngày 18.5, Tòa án có Giấy triệu tập ông Khiếu đến phiên tòa nhưng được vợ ký nhận thay, bên cạnh có xác nhận của hàng xóm: “Chứng kiến sự việc ông Khiếu ốm đang truyền dịch”.
Một nhân chứng nữa rất quan trọng khác cũng lấy lỹ do không đến tòa để đối chất với luật sư, đó là ông Ông Đinh Tiến Công (Điều đưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐK tỉnh Hòa Bình). Ông Công vắng mặt với lý do: “Trong quá trình Tòa án giải quyết, tôi đã trả lời nội dung liên quan về thủ tục hành chính của khoa có liên quan đến vụ án. Hiện nay do sức khỏe, tinh thần không tốt nên tôi không thể tiếp tục tham gia vụ án được”. Ông lại tiếp tục đề nghị vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc của Tòa án.
Vậy là những người được coi là đồng nghiệp của bác sĩ Hoàng Công Lương ngay cả việc có mặt ở tòa để làm chứng và bênh vực cho bác sĩ Lương họ cũng thoái thác. Hầu hết các nhân chứng này đều có lời khai trước cơ quan điều tra liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, họ đã đồng loạt xin phép vắng mặt tại tòa với những lý do hết sức vô lý. Nhân chứng vắng mặt, luật sư không thể đối chất. Điều này sẽ gây bất lợi cho các bị cáo, đặc biệt là với bác sĩ Hoàng Công Lương. Bác sĩ Lương đã bị khởi tố và đưa ra xét xử, anh đứng ở tòa án một mình, không một ai bênh vực ngoài luật sư và dư luận xã hội!
Bên cạnh đó, vụ án liên quan đến chuyên môn về lọc thận, trang thiết bị, hệ thống lọc nước RO dùng trong lọc thận nhân tạo nhưng các chuyên gia không được mời đến phiên tòa để làm rõ vấn đề liên quan.
Chiều 16/5 luật sư đề đạt chuyên gia về chạy thận là bác sỹ Bùi Nghĩa Thịnh, đến từ bệnh viện Thủ Đức (TP HCM) tham dự phiên tòa để tham vấn ý kiến và được đồng ý. Tuy nhiên, sáng 17/5, sau khi xem xét, Tòa bất ngờ không chấp nhận nữa.
Đặc biệt, trong phiên tòa chiều 16/5, người dân trong hội trường đồng loạt vỗ tay khi bác sỹ Lương xin giữ quyền im lặng.
Bác sỹ Hoàng Công Lương cho rằng, “thông qua báo chí, bị cáo đã nhận được thông tin người đứng đầu Viện kiểm sát quy kết tội cho bị cáo với lý do không ký thì không chết người. Khi Viện kiểm sát hỏi 2 bị cáo còn lại sáng nay cũng có hướng quy kết tội cho bị cáo, nên bị cáo không tin tưởng Viện kiểm sát. Bị cáo xin giữ im lặng, bị cáo nhường quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội".
Liên quan đến thiết bị y tế ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cũng trong phiên tòa sáng 18/5, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) công bố tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện tỷ lệ ăn chia giữa Bệnh viện Hòa Bình và công ty Thiên Sơn. Theo đó, công ty Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu hàng tháng. Bệnh viện Hòa Bình nhận 10% để chi trả khoản phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật.
Sau đó, ông Đỗ Đình Vận (phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) khẳng định lại rằng bản thân chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa, tỷ lệ phần trăm ăn chia ông không biết.
Khi ông Vận vừa dứt lời, luật sư tiếp tục công bố về số tiền Công ty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD/1 ca chạy thận nhưng ông Vận khẳng định rằng chưa được nghe phổ biến về việc này bao giờ.
Cũng trong phiên tòa sáng 18/5, luật sư Nguyễn Hoàng Trung (bảo vệ quyền lợi các nạn nhân tử vong) xin đính chính lại, đồng thời công bố ca tử vong thứ 9 trong vụ chạy thận ở Hòa Bình và được HĐXX chấp nhận.
Một vụ án nghiêm trọng, con mắt dư luận cả nước đang dõi về nhưng phiên tòa vẫn cứ tiếp tục với sự vắng mặt đến “hài hước” của những người chủ chốt, nhân chứng có thể làm rõ vụ việc. Hoàng Công Lương vẫn đến phiên tòa và mang theo suy nghĩ, công lý luôn đúng. Nhưng công lý có đúng như anh tin tưởng và dư luận bảo vệ anh thời gian vừa qua đã nghĩ hay không, đó lại là một câu chuyện khác!
Tác giả: