NSƯT Trần Hạnh
Trần Hạnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Mồ côi cha từ năm 8 tuổi, ông đã phải sống tự lập rất sớm. Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Vừa đóng giày, Trần Hạnh vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội).
Ông lập gia đình khi 23 tuổi. Ông đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội và phim truyền hình với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1982-1984.
Ông về hưu rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989. Tháng 5 năm 2018, ông được đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Ông Trần Hạnh tâm sự, cuộc đời thực của ông có khi còn buồn và khổ hơn phim. Gần chục năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não.
Mới đây trong một cuộc phỏng vấn NSƯT đã có những chia sẻ rất nhiều về chuyện đời chuyện nghề của mình. Nhớ về những ngày đầu khi bước chân vào nghề diễn, mắt ông sáng rực. Trần Hạnh kể: "16 tuổi tôi đã đi khâu giầy thuê. Ban ngày làm giầy, tối lại đến Nhà văn hóa Thanh Niên ở hồ Thiền Quang tập kịch cùng mọi người nhưng không có lương. Tối nào cũng đi tập nên ban ngày oải người mệt có khi không làm nổi việc. Lúc đó tình cờ một người bạn của tôi rủ về đoàn kịch Hà Nội với mức lương 40%. Lúc này tôi mới có 27 tuổi nhưng đã có 1 vợ, 2 con, dù mức lương có ít nhưng vẫn đồng ý về. Nghề diễn bắt đầu với tôi từ đó".
Đi đóng phim khổ và khó khăn nhưng ông vẫn theo đuổi vì chót đam mê. "Tôi nhớ hồi quay phim "Mường Lát" ở Hòa Bình, hơn 40 tập mà lại quay vào mùa đông trời gió rét. Có phân đoạn tôi phải cởi áo, chỉ được mặc một chiếc áo mỏng lại phải chịu lạnh nước phun từ trên xuống tạo làm mưa giả. Các đạo diễn cũng phải 2,3 cái áo rét trong khi tôi chỉ được mặc có như vậy để diễn. Bất kể nắng hay mưa tôi đều phải nhập vai cho kịp tiến độ của đoàn phim. Nhiều hôm quay ở đồng ruộng, trời nắng chói chang mà không được đội nón. Những ngày cực khổ đáng nhớ mà diễn viên chúng tôi vẫn hay đùa nhau rằng: Đóng phim khổ hơn cả làm ruộng!''. Lăn xả với các vai diễn là thế nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh cùng nhiều đồng nghiệp thế hệ cùng thời với ông vẫn đều sống đạm bạc, khó khăn.
Từ 2016, nghệ sĩ Trần Hạnh gần như không có lời mời đóng phim. Niềm vui tuổi già của ông là hàng ngày ngồi bán hàng phụ con dâu bán giày dép, mũ bảo hiểm... Ông bảo một ngày bây giờ diễn ra vô cùng bình thường. Sáng ra ngồi trông hàng cho con dâu từ 8h đến 9,10h về nhà nghỉ ngơi, chiều lại ra tiếp từ 6h đến 8,9h thì về. Ông nói: "Ra trông cửa hàng cho các con, các cháu cho khuây khỏa, chứ lủi thủi ở nhà một mình cũng buồn lắm! Ngày trước tôi còn tự đi xe máy ra cửa hàng nhưng bây giờ chịu rồi. Cái xe máy tôi vẫn giữ trong nhà làm kỷ niệm, giờ mắt mờ quá nên không tự lái xe đi được đâu cả".
Sức khỏe yếu dần đã có lúc nghệ sĩ Trần Hạnh tưởng mình khó qua khỏi vì bệnh tật ập đến. Với nghệ sĩ Trần Hạnh, cuộc sống hiện tại đã quá yên bình dù không cần nhà cao, cửa rộng. Ông nói: "Cuộc sống của tôi lúc này rất yên ổn và cũng chẳng cần đòi hỏi gì hơn. Được sống khỏe mạnh, hạnh phúc là hài lòng lắm, tôi chẳng còn gì phải phàn nàn, thắc mắc".
Khi hỏi bây giờ nếu được mời đi đóng phim ông có đi không? Ánh mắt buồn của người nghệ sĩ già như bừng sáng: "Đi chứ! Dù là vai nhỏ, được nói vài câu, tôi cũng sẵn sàng! Tôi vẫn nhớ vai diễn mới nhất là trong bộ phim “Đại gia chân đất'” quay năm 2016 do diễn viên Trung Hiếu mời. Dù đó chỉ là một vai nhỏ thôi nhưng tôi vẫn thấy vui.
Tôi yêu nghề diễn viên vô cùng và chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc. Nếu có kiếp sau, dù có nghèo khổ nhưng tôi vẫn chọn cái nghề này. Tôi yêu quý nó vì mình được sống, được hóa thân vào cuộc đời nhiều nhân vật, lúc thế này, lúc thế kia. Cái nghề này thích lắm!"...
Hơn 40 năm công hiến cho nghệ thuật khi nhìn lại NSƯT Trần Hạnh vẫn giữ quan điểm đơn giản trong cuộc sống. Với ông, danh hiệu có cũng được không có cũng được chẳng sao hết. "Cả một đời theo nghệ thuật tôi thấy điều quan trọng là ở mỗi vai diễn mình làm tốt hay không, được khán giả nhớ đến và yêu quý mới là vấn đề, chứ bằng cấp, danh hiệu với tôi thật sự không cần thiết" - nghệ sĩ Trần Hạnh.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hải