Một đời đóng phim, Trần Hạnh đóng khung với tuýp nhân vật khốn khổ, bất hạnh, hiền lành, chân chất. Không biết có phải vì thế mà cái khổ đã vận vào đời của lão hay không. Khi nhắc đến lão, người ta vẫn tếu táo rằng: “Đáng lẽ tên Trần Ngọc Hạnh là Bất Hạnh thì đúng hơn, vì đời lão khổ quá”. Cái khổ của Trần Hạnh thì nhiều người rõ nhưng không phải ai cũng biết rằng: đằng sau những khổ ải đời người ấy còn có một trái tim lạc quan, chấp nhận để bước tiếp trên mọi nỗi đau.
[links()]
“Lão nông…phố cổ”
Cuộc đời đúng là không ai biết trước được chữ ngờ; Trần Hạnh cũng vậy. Là con trai Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hai anh em ở phố cổ (ngõ Phát Lộc, Hàng Bạc) nhưng chàng thanh niên Trần Hạnh lại mang trong mình khát khao về một cuộc sống êm đềm, giản dị.
Năm 1954 theo tiếng gọi của tổ quốc, Trần Hạnh trở thành công nhân cầu đường xung phong lên công trường xây dựng Hà Nội - Lào Cai. Sau một năm, ông trở về Hà Nội với công việc làm giày, sống cuộc sống đạm bạc của một anh thợ nghèo.
Vì có tý máu văn nghệ nên dù ban ngày đi làm vất vả là vậy nhưng ban đêm ông vẫn tham gia đều đặn lớp tập kịch của câu lạc bộ Thanh niên của Thành đoàn Hà Nội. Trần Hạnh tâm sự rằng ông đến với kịch dường như để tạm gác sang một bên cuộc sống xô bồ; để bỏ quên những vất vả mưu sinh đè nặng lên đôi vai gầy của người trụ cột gia đình.
Với năng khiếu điện ảnh bẩm sinh, Trần Hạnh được mời tham gia vào đoàn kịch Hà Nội, rồi thi đỗ vào khóa Diễn viên đầu tiên của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh với số phụ cấp 18 đồng một tháng.
Một đời đóng phim, Trần Hạnh đóng khung với tuýp nhân vật khốn khổ, bất hạnh, hiền lành, chân chất. Không biết có phải vì thế mà cái khổ đã vận vào đời của ông hay không. |
Số tiền ít ỏi ấy làm sao nuôi sống cả gia đình mấy miệng ăn đây? Đó là câu hỏi dày vò Trần Hạnh mỗi ngày. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của bạn, nghệ sỹ Đình Quang đã xin cho Trần Hạnh về Đoàn kịch nói Hà Nội.
Ở đây số trợ cấp mỗi tháng ông nhận được cũng ngót nghét tạ gạo thời bấy giờ. Có thể nói NSƯT Trần Hạnh cũng gặt hái được khá nhiều thành công. Một số vai diễn gây được tiếng vang như Nguyễn Trãi trong vở "Lam sơn tụ nghĩa (1962)", Vũ Khiêm trong "Tiền tuyến gọi" đã mang về cho diễn viên “tay ngang” Trần Hạnh giải vàng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Năm 1989, ông nhận quyết định về hưu nhưng xem ra nghiệp diễn vẫn còn dính chặt với người diễn viên hiền hậu, khuôn mặt đầy khắc khổ này. Cơ duyên đến với nghệ thuật thứ bảy khi Trần Hạnh được đạo diễn Tất Bình mời tham gia thử vai cho bộ phim "Cuốn sổ ghi đời".
Trong phim, NSƯT Trần Hạnh đảm nhận vai diễn ông bố trong một gia đình đông con vì không có đất nên các con không ai dám lấy vợ.
Hình ảnh một người bố khắc khổ hàng ngày đi nhặt vỏ lon bia, vỏ bao thuốc lá bán lấy tiền với hy vọng mua được một mảnh đất cho các con đã thực sự gây được ấn tượng mạnh trong lòng khan giả. Vậy mà đến cuối đời ông bố khốn khổ ấy vẫn không thể thực hiện được ước nguyện của mình.
Sau bộ phim này Trần Hạnh được khán giả cũng như nhiều đạo diễn biết đến, mỗi lần có vai diễn thích hợp kiểu: bố già nhà quê, lão nông dân khốn khổ, cán bộ hưu trí hiền lành…là người ta “đóng khung” cho ông.
Cho đến nay ông không thể nhớ nổi mình đã đóng được bao nhiêu phim, gắn bó với bao nhiêu vai diễn, cả phim truyền hình và phim truyện nhựa. Một số vai diễn do NSƯT Trần Hạnh thủ vai đã ăn sâu vào tâm trí khán giả nhiều thế hệ như: vai Bí thứ đảng ủy trong phim "Làng Nổi", ông Cần trong "Cuốn sổ ghi đời", ông Khiển trong phim "Người cầu may", cụ đồ trong phim "Thời xa vắng", ông già bơm xe đạp đường phố trong "Thần làng xổ số",..
Xem phim có ông tham gia nhiều người nghĩ chắc hẳn ông là lão nông chính hiệu chứ ai nghĩ ông là người Hà Nội gốc. Những vai diễn của ông thường buồn khổ và bất hạnh hay một lão nông cầm cuốc cầm cày chứ chẳng có vai nào ăn sung mặc sướng.
Có một lần ông được đóng vai "sướng hơn" được ở nhà cao cửa rộng trong phim "Vệt nắng cuối trời", một ông già được con cháu đón ra phố ở tiếng là hưởng phúc nhưng thực ra chúng tranh nhau miếng đất hương hỏa của tổ tiên ở quê đang được giá.
Ông tâm sự: “Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Không thể thay đổi thì đừng than vãn, hãy học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau”. |
Nghệ sĩ Trần Hạnh tâm sự với chúng tôi rằng, từ khi bước chân vào làng điện ảnh đến nay ông chưa hài lòng hay ưng ý một vai diễn nào. "Từ trước đến nay các đạo diễn chỉ giao cho tôi những vai diễn khổ, nông dân, trung thực, người cán bộ về hưu...
Tất cả những vai khổ đau, buồn và bất hạnh đều nghĩ đến Trần Hạnh. Bây giờ tôi chỉ có ước vọng đóng một vai khác hoàn toàn trước kia, nhân vật phản diện, độc ác hoặc là một đại gia chẳng hạn, chứ không phải cứ có ông Trần Hạnh là người ta lại bảo, đấy ông này chuyên đóng vai khổ ơi là khổ, sầu não", ông cười bảo.
Dù đã ở cái tuổi 84 "xưa nay hiếm" nhưng NSƯT Trần Hạnh vẫn minh mẫn và miệt mài học thuộc kịch bản mỗi khi nhận vai diễn mới. Trong cuộc sống ông thừa nhận mình có phần đơn giản, dễ dãi, nhưng trong nghệ thuật lại rất khắt khe.
Ngoài những lúc trông hàng quán cho cô con dâu, nếu không có vai diễn mới ông thường xem lại những kịch bản cũ mình đóng xem có chỗ nào diễn chưa đến, chưa hay để hoàn thiện hơn cho những vai diễn lần sau.
Theo ông thì độ tuổi 40-50 sẽ có nhiều vai đóng hơn, còn tuổi ông cơ hội thử vai càng ít đi, trong khi đó nhân vật ấy phải phù hợp với diễn xuất của mình người ta mới mời.
"Có tháng thì 2-3 chỗ gọi, nhưng cũng có lúc cả mấy tháng trời không có ai gọi. Bất cứ lúc nào đạo diễn cần tôi đi lúc đó. Vừa rồi tôi mới đi quay bộ phim Ma Làng 2 nhưng hiện bộ phim vẫn còn dở dang chưa quay xong".
Cõ lẽ đức tính hiền hậu, sự chịu đựng cộng với khuôn mặt khắc khổ của ông đã làm lên một Trần Hạnh của sự bình dị, chân chất có sức sống không chỉ trên sân khấu, trên màn ảnh nhỏ mà cả trong cuộc sống đời thường. Một người nghệ sĩ tưởng chừng chỉ "khổ trên phim", nhưng ai ngờ cuộc sống ngoài đời của ông còn "khổ hơn phim".
Bán kỷ vật ngày cưới để tậu nhà
Trong làn khói thuốc mơ hồ, Trần Hạnh trầm ngâm kể lại: “Chắc chữ khổ đã vận vào cả đời tôi rồi”. Có lẽ vì vậy mà những vai diễn khắc khổ, bất hạnh trên màn ảnh đã nhập vào đời Trần Hạnh thật.
Lấy vợ, cô gái lớn lên cùng ngõ, là bạn “thanh mai trúc mã” từ thuở ấu thơ. Bà đan len, ông đóng giày, sau ông chuyển sang sân khấu thì vợ cũng may mắn xin được vào ngành phục vụ ăn uống Hà Nội.
“Chúng tôi tuy gần nhà nhưng chẳng biết nhiều về nhau. Thời tôi, không mấy ai tự do tìm hiểu mà đều do hai gia đình sắp đặt. Thế nhưng tôi ưng ý. Đến tận bây giờ vẫn rất hài lòng về mối lương duyên này.
Tôi vẫn yêu bà ấy cho đến những ngày cuối đời. Thời mới lấy nhau, vợ chồng tôi nay đây mai đó để mong tìm được chỗ yên ổn cho cả gia đình; ban đầu là ở Hàng Tre, rồi lại chuyển về Nguyễn Hữu Huân, sau một thời gian cả nhà lại rục rịch kéo nhau lên Hàng Bồ, ở tạm trong căn buồng chật hẹp của khu tập thể mà cơ quan cho mượn.
“Ăn nhờ, ở đậu mãi cũng không ổn nên hai vợ chồng quyết định bán một chiếc dây chuyền cùng một cái nhẫn cưới của vợ để mua mảnh đất ở phố Văn Chương hiện nay” - Trần Hạnh chia sẻ.
Sống với nhau mấy chục năm trời, chung nhau 7 mặt con (hai trai, năm gái) nhưng chưa bao giờ làng trên, xóm dưới thấy ông to tiếng với vợ bởi bản tính ông vốn là người hiền lành, chân chất.
Dù người ta có làm gì có lỗi với ông, có đối xử tệ bạc với ông thì ông cũng chỉ cười xòa cho qua chuyện. Ông bảo rằng: “Sống quan trọng nhất là tình người, nếu không có tình người thì người ta sẽ không còn gì cả”. Chính vì vậy, đời có bạc với ông bao nhiêu thì ông vẫn cố gắng mỉm cười mà chấp nhận, không ca thán hay lấy đó làm oán hận.
Sống trên mọi nỗi đau
Ông bà sinh được tất thảy 7 người con nhưng ông trời đã vô tình cướp đi của họ một người con gái. Đôi mắt ông đỏ hoe khi kể lại cuộc hành trình vượt nửa vòng trái đất để tìm con gái, đưa con về với tổ tiên. Cái chết bất ngờ của cô con gái xa xứ khiến lòng ông vỡ nát.
Rồi tai họa lại ấp đến như một cơn lũ dữ khiến gia đình ông không kịp chống đỡ, người con trai út của ông đang khỏe mạnh bất ngờ bị tai nạn, nằm liệt giường mấy năm, tỉnh dậy cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ, lầm lì, ai hỏi cũng không nói.
Lúc vợ ông còn sống, sức khỏe yếu chỉ ăn nằm một chỗ nên tất cả một tay ông chăm sóc. Ông tỉ mỉ đến mức, yêu vợ đến mức không bao giờ để bà phiền lòng. Hiểu vợ ốm đau nên sinh ra cáu gắt, có lúc to tiếng với chồng nhưng Trần Hạnh vẫn nín nhịn, mực thước.
Ông cất công đi mua cho bằng được phở ở quán hàng mà bà thích ăn, chăm chút cho bà từ miếng ăn, giấc ngủ, rồi lại bận rộn đi đóng phim tối mịt mới về. Giờ bà đã không còn bên ông nữa, để lại cho ông người con trai bệnh tật với những tất tả lo toan bề bộn.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” mà “lão nông” Trần Hạnh chỉ đau đáu một điều: một mai khi mình đi rồi, ai sẽ là người chăm sóc cho cậu con trai tội nghiệp, đáng thương?! Bây giờ mỗi ngày của ông trôi qua, bình lặng và nhịp nhàng như bản tính con người ông vậy.
Sáng ra trông cửa hàng giúp con dâu, trưa về ngồi quán trà đá quen thuộc gần nhà làm chai bia và mấy điếu thuốc Thăng Long - ông đùa bảo rằng giờ nó là niềm vui mỗi ngày của ông. Phì phèo xong điếu thuốc, tán ngẫu với mấy ông bạn già, nhìn lên đồng hồ sực nhớ đã đến giờ về nấu cơm cho thằng con trai, ông lại đứng dậy chào mọi người ra về.
84 tuổi, đáng lẽ cái tuổi được nghỉ ngơi thì Trần Hạnh lại phải “cưu mang” một người con tật nguyền. Nấu ăn, đi chợ, giặt giũ…tất cả đều một tay ông lo liệu. Tôi đùa, bảo sao ông không giặt bằng máy cho đỡ mệt, ông cười hóm hỉnh: “Đứa con gái lớn mua cho bố cái máy giặt nhưng nhà chật quá, lại…tốn điện nên bố không dùng nữa”.
Những người hàng xóm, bạn bè khi nói về ông, giọng ai cũng rưng rưng chực khóc. Bình thường mọi người vẫn hay xưng hô với Trần Hạnh là bố - con, lối xưng hô mới nghe qua cũng đã thấy ấm áp tình người.
Tất cả đã quá quen thuộc với hình ảnh lão nông dáng vẻ hanh hao, khuôn mặt già nua khắc khổ nhưng lúc nào cũng nở trên môi một nụ cười đôn hậu, hiền lành. Dù người thân quen hay xa lạ, chỉ cần đến chơi với ông thì ông đều xem như bằng hữu, có thể dốc bầu tâm sự một cách thoải mái, không dò xét ý tứ.
Người đời vẫn hình dung, làm nghệ sỹ thì đồng hành với sự giàu có, sung túc, có nhà cao cửa rộng… Tuy nhiên, Trần Hạnh là một trường hợp cá biệt. Ông đến với nghề diễn, đứng trên sân khấu kịch gần 50 năm, hơn 20 năm “bén rễ” điện ảnh, ông được “chỉ mặt đặt tên” trong những vai diễn: nông dân, cán bộ về hưu, người cha đau khổ…
Người ta mặc định rằng: đã đóng nông dân hay vai nào khổ khổ thì chỉ có Trần Hạnh là đạt chuẩn. Cái vẻ ngoài hiền lành, khắc khổ của “lão nông” Trần Hạnh cũng đã khiến khán giả “thấm” về nhân vật, về một hình tượng nhân vật chính diện hiền lành, tội nghiệp và đáng thương.
Có những thước phim, những số phận, mảnh đời trong phim khiến ông phải khóc. Trần Hạnh khóc vì thấy bóng dáng mình trong đó, sao mà đúng với hoàn cảnh, tâm tư của mình đến thế.
Nhiều khi, số phận khốn cùng khổ của nhân vật đó cũng chưa chắc có thể nhận hết được tất cả bất hạnh trong ông. Số phận đã chọn ông để vào vai những ông già nhà quê với gương mặt đầy nếp nhăn tuổi tác, sống như thể để nhận hết những khốn khổ của cuộc đời.
Nếu nói cuộc đời NSƯT Trần Hạnh là một cuốn sách, thì tất cả trang sách đã qua là những điều ông muốn tự tay mình khép lại, không muốn lật giở một lần nữa. Còn cái gì thuộc về ngày mai, ông vẫn mặc nhiên đón nhận. Đón nhận bằng trái tim lạc quan, tin tưởng.
Ông cười cái sự đời bằng một nụ cười nhẹ nhàng, không vướng chút thù hận hay oán trách. Sau những sóng gió kinh qua, người nghệ sỹ già đã đúc kết một câu nói làm chúng tôi thấm mãi: “Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Không thể thay đổi thì đừng than vãn, hãy học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau”.
- Nguyễn Linh Nguyên