Sống với một người bạn đời mắc hội chứng OCD: Phải làm sao?

( PHUNUTODAY ) - Một người bạn đời bị OCD có thể khiến cho cuộc hôn nhân trở nên căng thẳng nhưng nếu đủ yêu thương thì mọi thứ lại trở nên đáng yêu.

OCD là một hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến họ có những biểu hiện ra bên ngoài là đòi hỏi cao một cách quá nguyên tắc, thực hiện và sắp xếp mọi thứ một cách chuẩn chỉnh từng li từng tí. Trong mắt người khác họ thật khó tính, thậm chí kỳ cục.

Chỉ vì 1 chiếc khăn gấp sai cách mà gây ra những trận cãi vã âm ỉ

Tuấn và Linh kết hôn sau ba năm yêu nhau. Khi còn yêu, Tuấn luôn ngưỡng mộ sự ngăn nắp của Linh. Mọi thứ trong nhà cô đều sạch sẽ, gọn gàng đến mức gần như hoàn hảo. Nhưng khi về chung một mái nhà, sự ngăn nắp ấy dần trở thành áp lực.

Linh mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Cô thường xuyên rửa tay đến chảy máu chỉ vì cảm thấy chưa đủ sạch. Những vật dụng trong nhà phải được sắp xếp đúng vị trí, nếu không đúng vị trí cô sẽ khó chịu và bắt tay sắp xếp lại ngay, ngay cả khi đã đến giờ đi làm. Mỗi sáng, cô dậy sớm dành ít nhất 15 phút để lau từng ngóc ngách trong bếp dù nó đã sạch từ tối hôm trước.

OCD là một hội chứng bệnh tâm thần nên cần được thấu hiểu thay vì phán xét đó là tính cách

Tuấn bắt đầu thấy khó thở khi sống chung. Một lần, anh gấp chăn không vuông vắn — Linh lặng lẽ mở ra, làm lại từ đầu, dù đã đến lúc hai vợ chồng phải đi, dù anh đã ra xe ngồi chờ sẵn 15 phút để cô trang điểm. Không một lời trách móc, nhưng ánh mắt Tuấn đầy thất vọng. Những chuyện nhỏ nhặt như vậy tích tụ, khiến mâu thuẫn dâng cao. Anh cảm thấy mình không bao giờ đủ tốt. Cô thì cảm thấy anh không hiểu và không chịu hợp tác.

Tuấn thường có thói quen phơi khăn tắm, khăn mặt trên dây với động tác vắt qua dây là xong. Nhưng nhìn thấy thế Linh sẽ ra chỉnh lại, kéo mép khăn đều tăm tắp. Nghĩ vợ cũng đúng, Tuấn học theo, mỗi lần phơi khăn anh đã cẩn thận hơn. Nhưng chỉ cần hai bên dài khăn chưa khin khít chạm nhau, Linh cũng chạy ra chỉnh lại. Tuấn cảm thấy thật sự mệt mỏi vì những sự để ý quá chi tiết này, và anh cho rằng nó thật sự không cần thiết.

Thế là hai vợ chồng xảy ra cãi vã, đôi khi không cãi vã thì đôi bên nín nhịn nhau nhưng đầy ức chế bên trong.

OCD không chỉ là thói quen — nó là một dạng rối loạn cần thấu hiểu

Nhiều người lầm tưởng OCD chỉ là "thích sạch sẽ", "đòi gọn gàng". Thực tế, đây là một rối loạn lo âu, khiến người bệnh có những suy nghĩ ám ảnh (obsessions) và hành vi cưỡng chế (compulsions) nhằm giảm căng thẳng. Họ không muốn kiểm soát mọi thứ — mà họ buộc phải làm thế để bản thân cảm thấy an toàn.

Trong trường hợp của Linh, việc mọi thứ ở đúng chỗ khiến cô cảm thấy dễ thở hơn. Sự không hoàn hảo khiến cô bất an, lo lắng đến mất ngủ. Lúc đầu Tuấn nghĩ vợ mình thật khó tính, kiểm soát quá kỹ, yêu cầu quá cao và không biết vị tha, quá phiền hà, anh chẳng muốn động tay chân cái gì vì vợ luôn đi chỉnh lại hành động của anh.

Nhưng dần dần Tuấn dần hiểu rằng, những hành vi "kỳ quặc" ấy không nhằm kiểm soát anh, mà để chiến đấu với nỗi sợ trong chính con người Linh khi anh hiểu về hội chứng OCD.

Thấu hiểu được người bạn đời bị OCD thì hôn nhân sẽ êm ấm

Những mâu thuẫn thường gặp trong hôn nhân với người bị OCD

Sống cùng với một người OCD bạn có thể gặp những mâu thuẫn. Tùy mức độ tình trạng OCD của đối phương và tùy tính cách thích nghi của bạn mà mâu thuẫn diễn ra trầm trọng hay ít. Một số mâu thuẫn thường gặp như:

  • Xung đột về không gian sống: Người bị OCD thường yêu cầu cao về vệ sinh, trật tự không đáp ứng thì họ khó chịu. Người bạn đời cảm thấy bị kiểm soát, khó thở, bực mình nghĩ người kia quá khó tính.
  • Khó khăn trong giao tiếp: Họ thường tránh chia sẻ cảm xúc thật vì lo bị hiểu sai. Người còn lại lại không biết cách mở lòng.
  • Ảnh hưởng đến đời sống tình cảm: Ám ảnh về vi khuẩn, bẩn thỉu có thể làm suy giảm ham muốn hoặc né tránh tiếp xúc thân mật.
  • Tích tụ tổn thương âm thầm: Một người cảm thấy bị xa cách, người kia cảm thấy không được thông cảm — dễ dẫn đến lạnh nhạt.

Làm sao để vượt qua cùng nhau, chứ không xa nhau?

1. Thấu hiểu – Chìa khóa quan trọng nhất: Hãy tìm hiểu về OCD từ nguồn chính thống, hoặc đi cùng người bạn đời đến các buổi trị liệu, tư vấn. Khi hiểu đó là bệnh lý, bạn sẽ bớt trách móc và dễ cảm thông hơn.

2. Giao tiếp một cách không phán xét: Đừng nói: “Em làm quá rồi đấy.” Thay vào đó, hãy hỏi: “Điều gì khiến em lo lắng nhất lúc này? ”Hãy lắng nghe để hiểu, không phải để phản bác.

3. Thiết lập ranh giới mềm: Cùng nhau thỏa thuận những giới hạn hợp lý. Ví dụ: Tuấn đồng ý giữ gọn phòng khách, còn Linh không can thiệp vào khu vực làm việc của chồng.

4. Khuyến khích trị liệu tâm lý: OCD không thể tự khỏi. Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) hoặc thuốc có thể giúp cải thiện đáng kể. Sự ủng hộ từ bạn đời có thể là động lực lớn.

5. Đừng quên chăm sóc chính mình: Sống với người bị OCD đôi khi khiến bạn cảm thấy kiệt sức. Hãy dành thời gian cho bản thân, tìm đến các nhóm hỗ trợ nếu cần.

Bài học khi ở cùng người OCD

Mặc dù nhiều lần xảy ra tranh vãi với vợ chỉ vì Tuấn thì quen bừa bộn trong khi Linh lại bị OCD nhưng sau đó Tuấn hiểu nguyên nhân khiến vợ như vậy thì anh thấy thương hơn.

Anh nhận thấy vợ cũng phần nào giúp chỉnh trang lại tính bừa bộn của mình. Tuấn theo đó cũng đã học được từ Linh những thói quen tốt hơn là thay quần áo ra không vứt lung tung mà cho đúng sọt đựng đồ cần giặt, anh học cách gấp khăn đúng nếp. Còn cô học cách chấp nhận một chút ngẫu hứng và hai vợ chồng có những thỏa thuận mềm để tránh xung đột lớn hơn. Cả hai vợ chồng cùng đi trị liệu, cùng vẽ lại những ranh giới trong tình yêu.

OCD không biến mất. Nhưng tình yêu – khi đủ bao dung và hiểu biết – có thể biến một căn bệnh thành chiếc cầu nối giữa hai tâm hồn.

Tác giả: Như Bình