Tài khoản định danh điện tử là gì?
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm thông tin cá nhân (số định danh cá nhân; họ tên; ngày/tháng/năm sinh; giới tính), ảnh chân dung và vân tay.
Tài khoản định danh điện tử chứa thông tin danh tính điện tử, là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (hiện là Bộ Công an).
2 mức độ của tài khoản định danh điện tử
- Mức 1: Tài khoản định danh điện tử gồm thông tin cá nhân và ảnh chân dung. Ở mức này, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng).
Mức 2: Tài khoản định danh điện tử có thêm thông tin về vân tay. Người dân có thể sử dụng tất cả tiện ích được cung cấp như tích hợp các loại giấy tờ (giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe, bảo hiểm y tế (BHYT)), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng BHXH, BHYT, chuyển tiền).
Ai được đăng ký tài khoản định danh điện tử?
Mọi công dân từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký tài khoản định danh điện tử.
Người chưa đủ 14 tuổi có thể đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử
Để đăng ký tài khoản định danh điện tử, người dân cần khai báo các thông tin sau: Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài), họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch (đối với người nước ngoài), số điện thoại, email.
Mọi công dân được miễn chi phí khi đăng ký định danh điện tử. Tài khoản định danh điện tử có cùng thời hạn với thời hạn của CCCD gắn chip.
Để đăng ký tài khoản định danh mức 1, công dân có thể thực hiện trực tuyến (online) trên ứng dụng VNeID (tải từ CH Play hoặc App Store).
Đối với mức 2, công dân phải đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an nơi thu nhận hồ sơ CCCD hoặc tại công an phường thuộc năm thành phố trực thuộc trung ương nếu đã có thẻ CCCD gắn chip.
Tài khoản định danh điện tử thay thế những loại giấy tờ nào?
Bộ Công an đang phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan từng bước triển khai tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử. Theo kỳ vọng, tài khoản định danh điện tử sẽ thay thế cho nhiều loại giấy tờ cá nhân quan trọng.
Một số loại giấy tờ được tích hợp với tài khoản định danh điện tử như:
- CCCD gắn chip: Tài khoản định danh điện tử có thể sử dụng thay thế thẻ CCCD gắn chip, có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính mà không cần xuất trình CCCD.
- Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT): Thay thế thẻ BHYT vật lý. Thông tin hiển thị của thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID (định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số) được xác thực và truy xuất từ cơ sở dữ liệu BHYT Việt Nam, sẽ phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng khi khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm mà không cần trình thẻ BHYT truyền thống.
- Thông tin đăng ký xe, giấy phép lái xe (GPLX): Các thông tin hiển thị các hạng GPLX, đăng ký xe trên VNeID được liên thông, xác thực với cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải. Do đó, người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ.
- Thông tin về người phụ thuộc, người giám hộ, khai báo lưu trú mọi lúc mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan công an.
Ngoài ra, ứng dụng VNeID cung cấp thêm một kênh chính thống để người dân tố giác tội phạm với cơ quan công an một cách bảo mật, an toàn mà không lộ lọt thông tin.
Có sợ bị rò rỉ dữ liệu cá nhân từ tài khoản định danh điện tử?
Theo Bộ Công an, các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã được cài đặt ứng dụng VNeID. Do đó, hacker khó truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin. Chỉ khi người dân đăng ký truy cập, dữ liệu mới được hiện thị trên ứng dụng.
Khi được cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ, người dân phải cho phép (cấp quyền kiểm tra) thì cán bộ mới xem được thông tin.
Các bên thứ ba như ngân hàng, ví điện tử, bảo hiểm, y tế, hệ thống dữ liệu dịch vụ công muốn sử dụng dữ liệu phải được sự đồng ý của chủ tài khoản.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Sang tên sổ đỏ cho con: Nên cho tặng hay thừa kế là tốt nhất?
-
Đóng BHXH bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu tối đa?
-
Rút tiền cây ATM bị nuốt thẻ: Làm ngay việc này để lấy lại dễ dàng không phải chờ mở khóa
-
6 ngành nghề khó xin việc nhất trong 5 năm tới, lương thấp không đủ ăn
-
3 trường hợp viên chức đặc biệt được giữ 'biên chế suốt đời'