Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) giải thích chỉ khi công dân đăng ký tách khẩu, nhập khẩu sửa đổi hoặc đính chính dữ liệu dẫn đến “thay đổi thông tin” mới bị thu hồi sổ.
Đại diện C06 nói: "Lúc này thông tin trong sổ không còn đúng nữa nên sổ không còn giá trị sử dụng, bởi thế về nguyên tắc sẽ bị thu hồi".
Hiện tại, Bộ Công an đang yêu cầu các địa phương kiểm tra thẻ căn cước gắn chíp để xác định nơi thường trú của công dân, không buộc xuất trình sổ hộ khẩu trong các thủ tục hành chính.
Khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, từ ngày 1/7/2021, công an thay đổi phương thức quản lý cư trú từ thủ công sang bằng công nghệ thông tin. Từ lúc này, công an không cấp mới sổ hộ khẩu bản giấy khi người dân đăng ký thường trú.
Tất cả sổ hộ khẩu được cấp trước thời gian này vẫn có giá trị sử dụng đến hết năm 2022.
Sau khi sổ hộ khẩu giấy bị thu hồi, người dân có thể dùng căn cước công dân gắn chip để chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú. Khi người dân xuất trình thẻ, nhà chức trách không được yêu cầu xuất trình thêm giấy tờ khác như ảnh, họ tên khai sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú, đặc điểm nhận dạng,...
Người dân có thể dùng giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay cho sổ hộ khẩu (đã bị thu hồi), khi được yêu cầu. Giấy này có thể ra công an địa phương yêu cầu cấp hoặc đề nghị cấp bản điện tử thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Giấy xác nhận có giá trị 30 ngày và giá trị 6 tháng với trường hợp xác nhận về khai báo cư trú.
C06 đề nghị các địa phương dựa vào thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc mã số định danh cá nhân hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú để xác định nơi cư trú của công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Đặc biệt, không bắt công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.