Tại sao những con chim ngủ trên cành cây, dây điện mà không bị ngã?

( PHUNUTODAY ) - Nếu bạn quan sát sẽ thấy chim ngủ trên cành cây, hoặc dây điện mà chúng vẫn giữ nguyên tư thế không hề lung lay.

Tại sao chim không bị ngã?

Thiết nghĩ nếu một loài động vật khác đậu trên cành cây chênh vênh như chim thì loài vật nào sẽ giữ được thăng bằng trên dây lâu nhất. Con người hẳn là sẽ thua loài chim ở điều này. Chúng ta đi trên một cây cầu to bản hơn bàn chân nhưng vẫn khó có thể giữ được thăng bằng. Đó là lúc chúng ta tỉnh, còn khi ngủ thì còn khó giữ thăng bằng hơn.

Thế nhưng những loài chim như chim sẻ, chim cú, chim câu... đều có thể đậu trên những cành cây, dây điện nhỏ và ngủ ngon lành. Nhìn chúng không hề nao núng không hề có biểu hiện của việc mất thăng bằng. Ngay trong lúc ngủ chúng vẫn giữ thân mình nghiêm chỉnh.

Đó là vì chim sinh ra có cấu tạo đôi bàn chân rất đặc biệt. Khi đậu trên cành cây hay dây điện thì bàn chân của chúng gập lại. Trọng lượng cơ thể tập trung vào xương bàn chân, dây chằng ở sau xương bàn chân thít chặt lại và kéo cong dây chằng trên xương bàn chân, thế là bàn chân cong xuống, nắm chặt cành cây.

Đôi chân sinh ra để bám cành

Bởi thế khi đậu trên cành cây, dù có ngủ thì nhờ sức nặng của cơ thể mà con chim nắm chặt lấy cành cây. Khi nào chim đứng thẳng lên, thì đầu mút bàn chân sẽ duỗi ra. Do đó chim không bị rơi xuống.

So với nhiều loài bò sá thì não bộ chim cũng đã phát triển tương đối.  Bán cầu đại não của chim tuy chưa có nếp nhăn, nhưng kích thước so ra đã tăng lên nhiều còn phần tiểu não đã phát triển nhất, thuỳ thị giác rất lớn. Chính đặc điểm sinh học này giúp loài chim thích nghi với đời sống bay lượn và còn điều tiết vận động và thị giác, giữ cho cơ thể thăng bằng thật tốt cho nên chim đậu được trên cành cây mà không bị "choáng" rồi rơi xuống như những người có chứng tiền đình hoa mắt chóng mặt, thấy độ cao là sợ, thấy những đoạn đường đi nhỏ hoặc chênh vênh như cây cầu là sợ phát té ngã.

Chim đậu trên dây điện

Tại sao chim không bị điện giật?

Khi chim đậu trên dây điện chúng cũng ung dung ở trên dây điện cao thế mà không bị điện giật. Thực chất đó là những con chim nhỏ, đậu được 2 chân trên một dây điện, chân không bị chạm vào dây kia. Khi đậu 2 chân trên một dây điện thì toàn bộ cơ thể của chúng chỉ tiếp xúc với một dây nên không thể cấu thành mạch điện, sẽ không có dòng điện truyền qua cơ thể chúng, nên chúng không bị điện giật. Nếu chim to khi đậu trên dây điện thì chân có thể chạm vào dây điện kia, hoặc cánh chạm vào thì lúc đó chúng sẽ chạm cả vào 2 sợi dây điện một lúc thì sẽ tạo ra mạch điện tuần hoàn, và vẫn sẽ bị điện giật chết.

Tác giả: An Nhiên