Hộp cơm tình yêu
Đối với học sinh Trung học của Nhật Bản, đem cơm trưa mẹ nấu tới trường là một điều không thể thiếu. Bởi vì những hộp cơm trưa ấy luôn đầy màu sắc và dinh dưỡng.
Hộp cơm của mẹ luôn có đầy đủ các món: cơm – thịt – rau. Nhưng các mẹ Nhật không dừng lại ở việc nấu những món ăn đơn giản, nhanh gọn. Ngược lại, họ thường chế biến một nguyên liệu theo nhiều cách, để con luôn có món mới mỗi ngày. Bên cạnh việc nấu, các bà mẹ Nhật còn biến hộp cơm của con thành những tác phẩm nghệ thuật.
Hộp cơm trưa giống như một nhà hàng và một phòng trưng bày nghệ thuật thu nhỏ dành riêng cho con. Vậy nên, dù lớp học có mệt nhọc, căng thẳng đến đâu, khi nhìn thấy bữa cơm của mẹ, mọi cảm xúc tiêu cực của con đều không cánh mà bay.
Hộp cơm kỳ công và trái tim của mẹ
Những người mẹ ở Nhật thường làm cơm cho con cái của họ suốt ba năm trung học. Đây trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày của một người phụ nữ. Họ bền bỉ thể hiện tình yêu đối với con bằng cách thiết thực nhất này. Không cần nhiều ngôn từ, chỉ cần một hộp cơm được làm với tất cả sự chu đáo mỗi ngày, mẹ Nhật đã có thể truyền cho con động lực mạnh mẽ để tiếp tục cố gắng:
“Mẹ tôi luôn nấu nướng một mình, nhưng hôm nay là ngày cuối, hai mẹ con đã chuẩn bị cùng nhau. Tôi biết ba năm trung học mẹ đã tốn rất nhiều công sức cho những hộp cơm trưa. Mẹ đã dạy tôi rất nhiều điều. Tôi sẽ cố gắng hết sức sau khi tốt nghiệp”.
Tới đây, bạn có thắc mắc, tại sao phụ nữ Nhật có thể làm những hộp cơm kỳ công đến thế mỗi ngày? Câu trả lời không chỉ nằm ở tình yêu mà mẹ Nhật dành cho con. Bởi như một lẽ đương nhiên, không ai thương con nhiều bằng mẹ dù đó là ở quốc gia nào.
Vậy điều gì khiến những hộp cơm trưa đẹp mắt và ngon miệng này lại trở thành một truyền thống đáng quý ở Nhật. Hơn nữa, nó vẫn đang tồn tại một cách phổ biến trong thế giới hiện đại ngày nay? Bí mật nằm ở quan niệm của người Nhật về nghề nội trợ.
Ở nhiều nước phát triển, chẳng hạn ở Nhật, việc đàn ông đi làm, phụ nữ ở nhà nội trợ rất phổ biến. Từ góc độ cá nhân cho đến xã hội, người ta coi đây là một giải pháp tốt để có thể chăm sóc, nuôi dạy trẻ em một cách chu đáo. Ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con là một công việc quan trọng, cao quý và cũng đầy khó khăn, không kém gì người đi làm bên ngoài.
Những người phụ nữ đảm nhận trách nhiệm chăm lo cho gia đình và nuôi dạy con cái được chính phủ trả lương đầy đủ. Thậm chí họ còn được nhận lương hưu, tương đương với 50% số lương hưu của chồng. Việc trả lương không chỉ giải quyết vấn đề tự chủ kinh tế cho người phụ nữ. Nó góp phần rất lớn tạo nên nhìn nhận đúng đắn về những cống hiến của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội khi họ đảm đương công việc nội trợ mỗi ngày.
Đây là cách chính phủ Nhật giúp người dân của mình hiểu rằng “nội trợ” không phải là tập hợp những công việc không tên nhàm chán. Ngược lại, nó đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức và lòng yêu nghề như bất cứ nghề nghiệp cụ thể nào khác. Người phụ nữ Nhật vì thế luôn tìm thấy sự tôn trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Từ đó, họ có thể hoàn toàn yên tâm với lựa chọn nghề nghiệp “nội trợ” của mình.
Tác giả: Minh Ngọc