Tết Việt Nam "vui, tuyệt vời" trong tâm trí người nước ngoài

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam nói rằng họ thích Tết và người Việt Nam nên gìn giữ truyền thống tốt đẹp này.

Tết Việt luôn là dịp trải nghiệm thú vị của những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Tờ Dân Việt đưa tin, không chỉ người Việt Nam háo hức chờ đón năm mới âm lịch, nhiều người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng đang cảm nhận thấy rõ không khí đón xuân tươi vui này.

Thích không khí Tết

“Tôi thấy những người đi xe máy chở cây đào, cây quất khắp đường phố. Cảnh tượng đó thật tuyệt!”, Beth Lopez, cô gái người Mỹ 28 tuổi đang sống tại Hà Nội, nói với báo Dân Việt.

Beth, người vừa đến Việt Nam hơn một tháng để làm việc trong lĩnh vực dược phẩm, đã đến một chợ hoa Tết để tận hưởng không khí.

“Tôi đã mua cây đào nhỏ để trong bếp”, Beth hào hứng kể. “Tôi rất thích nó, nó rất đẹp”.

Không chỉ Beth, nhiều người nước ngoài khác cũng rất háo hức khi Tết đến gần. Shin Jae Wook, 26 tuổi, thanh niên Hàn Quốc sống ở Hà Nội gần ba năm, cho biết anh rất thích sự yên tĩnh của Hà Nội mỗi dịp nghỉ Tết.

“Hà Nội yên tĩnh hơn khi đến Tết, không có nhiều người hay xe máy, ô tô trên đường phố”, Shin, sinh viên khoa Việt Nam học tại trường Đại học Hà Nội, cho biết.

Tuy Hàn Quốc cũng nghỉ Tết âm lịch như Việt Nam nhưng cuộc sống hầu như vẫn diễn ra như bình thường trong dịp này.

“Ở Hàn Quốc, họ không nghỉ hoàn toàn mà vẫn có nhân viên trực, kể cả thành phố hay nông thôn. Vì thế, cuộc sống vẫn như bình thường, không yên tĩnh, không có khoảng lặng”, Shin kể.

Khi được hỏi kỉ niệm nào Shin nhớ nhất trong hai dịp Tết ở Việt Nam, anh nhanh chóng trả lời: “Tết năm 2016”.

Năm đó, Shin đi du lịch đến Bắc Kạn - quê hương của một người bạn Việt Nam của anh. Trong chuyến đi này, Shin được thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam, tham quan ồ Ba Bể và đi chúc Tết.

Shin Jae Wook (ngoài cùng bên trái) đưa mẹ và em trai từ Hàn Quốc đến thăm hồ Hoàn Kiếm tháng 9 năm 2016

“Đó là chuyến đi rất vui”, Shin nhận xét. “Vì về quê nên không gian rất yên tĩnh. Người Việt Nam ở đó cũng rất thân thiện với người nước ngoài như tôi nên tôi rất thích”.

Tuy nhiên, Shin nói thêm rằng Tết có một chút bất tiện với anh.

“Trong dịp Tết, tất cả cửa hàng hay dịch vụ ở Hà Nội đều đóng cửa. Ví dụ trong nhà có đồ vật gì bị hỏng cần sửa gấp, phải đợi hết Tết mới sửa được”, Shin cho biết.

“Ở Hàn Quốc, trong dịp Tết, luôn có nhân viên trực theo ca. Tất cả mọi thứ như cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, sửa điều hòa, vẫn hoạt động bình thường. Vì thế tôi mong rằng các dịch vụ ở Việt Nam sẽ hoạt động nhiều hơn trong dịp Tết”.

Với Christopher Bellerose, một giáo viên tiếng Anh đang sống và làm việc tại Đà Nẵng, Tết cũng là một dịp nghỉ lễ “hạnh phúc”.

“Tôi thích không khí ăn mừng Tết. Mọi người đều rất vui vẻ. Gia đình đoàn tụ với nhau. Niềm hạnh phúc lan tỏa trong bầu không khí”, người đàn ông quốc tịch Anh nói.

Christopher, người Anh, nghĩ rằng Tết "rất tuyệt"

Chris, 37 tuổi, cho biết mình từng đón Tết một lần ở Hải Phòng và một lần ở Hà Nội.

“Tết đầu tiên ở Hải Phòng rất tuyệt. Lúc đó tôi mới đến Việt Nam nên không biết gì về Tết hay văn hóa Việt Nam”, anh kể. “Khi đến thăm một gia đình người Việt trong dịp Tết, tôi được thử nhiều món ăn khác nhau, học hỏi các truyền thống đón Tết và sau đó xem pháo hoa. Tôi rất thích chuyến đi đó”.

Còn trong dịp Tết ở Hà Nội, Chris bất ngờ với sự vắng vẻ của thủ đô. “Mọi thứ thật yên tĩnh vì mọi người đều ở trong nhà. Mọi người cứ như biến mất vậy”, anh chia sẻ.

Đừng bỏ Tết cổ truyền

Tết này, Chris dự định ăn Tết cùng một gia đình người Việt ở Đà Nẵng.

“Gia đình người Việt mời tôi đến ăn trưa hoặc ăn tối. Tôi rất mong chờ ngày hôm đó. Chúng tôi sẽ uống bia và ăn nhiều đồ ăn”, anh nói. “Ngoài ra, tôi có thể đi đảo Cù Lao Chàm, hòn đảo rất gần Hội An”.

Còn với Shin, chàng sinh viên người Hàn Quốc, Tết này sẽ là một dịp đặc biệt.

“Gia đình tôi, mẹ, em trai, ông bà, sẽ đến Việt Nam chơi. Tôi định đưa mọi người đi chơi quanh Hà Nội và vịnh Hạ Long”, Shin chia sẻ.

Will chụp ảnh trong một hội chợ Tết năm 2018 ở Hà Nội

Will Phap, một chàng trai người Pháp làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Hà Nội, cũng có dự định riêng cho Tết năm nay.

“Tôi sẽ quay video cảnh đường phố Hà Nội trong dịp Tết”, Will, người có sở thích quay phim, cho biết. “Tất cả mọi người tôi quen đều nói rằng sẽ không có ai trên phố. Tôi muốn nhìn thấy cảnh đó”.

“Có lẽ tôi sẽ quay video trước và sau Tết, bạn biết đó. Sau đó tôi sẽ đăng lên Youtube”, chàng trai 27 tuổi nói.

Tuy đã sống ở Hà Nội hai năm, Will chưa bao giờ đón Tết ở Việt Nam. Anh đã đi du lịch nước ngoài trong các dịp nghỉ Tết trước. Nhưng năm nay, Will quyết định ở lại Hà Nội để biết “Tết thực sự” là gì.

“Một gia đình ở Hà Nội mời tôi đến nhà để có cơ hội tận hưởng Tết thực sự và tôi trả lời họ Chắc chắn rồi, tôi rất muốn đến”, Will kể.

Mặc dù chưa được đón Tết ở Việt Nam, Will vẫn nghĩ đây là thuyền thống đẹp khi mọi người được quây quần bên gia đình, giống như Giáng sinh của người phương Tây.

Will nói Giáng Sinh ở Pháp và Tết ở Việt Nam khá giống nhau. Điều khác biệt nhất, theo Will, là đồ ăn.

“Dường như ở Việt Nam, các bạn có rất nhiều món ăn nổi tiếng trong ngày Tết và năm nào cũng giống nhau”, Will nói. “Ở Pháp thì khác, chúng tôi nấu rất nhiều kiểu thức ăn mỗi năm”.

“Ở Mỹ, trong Giáng sinh, họ cũng có những món ăn giống nhau. Nhưng người Pháp nấu nhiều món ăn chất lượng cao cho Giáng sinh. Chúng không bao giờ là một”.

Khi được hỏi liệu người Việt Nam có nên bỏ Tết cổ truyền, Will trả lời thẳng thắn: “Các bạn nên giữ Tết”.

Anh nói thêm về đề xuất gộp Tết Nguyên đán và Tết Tây: “Không thể thay đổi như vậy. Có thể một só người cảm thấy ổn nhưng không phải ai cũng đồng tình. Điều này có thể gây chia rẽ. Tôi nghĩ tốt nhất các bạn nên giữ Tết cổ truyền”.

Shin – sinh viên người Hàn Quốc – thì có quan điểm đơn giản hơn về đề xuất gây tranh cãi này. “Tôi thấy gộp hai Tết cũng không sao, miễn là vẫn được nghỉ dài ngày”, Shin nói.

Cô gái người Mỹ Beth Lopez thì cho rằng: “Tôi nghĩ các bạn nên đón cả hai Tết. Đó là truyền thống tốt đẹp, giúp các bạn có thời gian tụ họp bên gia đình. Không nên bỏ Tết Nguyên đán”.

Cô gái người Mỹ tên Beth (bên phải) tuy mới đến Việt Nam nhưng đã xuống phố Hà Nội cổ vũ đội tuyển U23 hồi cuối tháng 1.2018

Đồng tình với Beth, Chris nhận định đề xuất bỏ Tết Nguyên đán là một ý tưởng “ngu ngốc”.

“Đó là một đề xuất ngu ngốc. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng cần gìn giữ truyền thống của họ để giữ được bản sắc và văn hóa”, Chris nói. “Gìn giữ truyền thống là một việc làm quan trọng trong bất kỳ nền văn hóa nào”.

Ông STIVI COOKE (người Úc): Thích năng lượng của những ngày tết

Tôi đã "ăn" được 10 cái tết từ khi tôi sang VN sống. Trong những năm đầu, tôi đi xem pháo hoa và tiệc tùng với bạn bè tại các tiệm quán cho người nước ngoài ở Hội An. Thường thì tôi sẽ đi gặp những người mà nhiều tháng rồi không gặp vì mãi bận rộn với công việc dạy học của mình, đồng thời tôi cũng là típ người sống khá lặng lẽ.

Nếu tôi không ở nhà vào dịp tết, tôi sẽ dẫn chó đi dạo vào buổi tối. Thong dong đi dạo và nhìn ngắm người trang hoàng nhà cửa đón tết mang lại cho tôi cảm giác rất yên bình.

Ông Stivi Cooke - Ảnh: NVCC

Tôi rất thích cách người Việt quan niệm tết là một sự khởi đầu mới, khi đó người ta vứt bỏ những cái cũ, dọn dẹp mọi thứ và nhớ về tổ tiên của mình. Tôi rất lấy làm ngưỡng mộ việc các thành viên trong gia đình khi họ ngừng công việc và cuộc sống riêng của mình để xúm lại với nhau chuẩn bị tết.

Tôi thích năng lượng của những ngày tết - khi mà mọi người đi mua sắm những thứ mình thích và rồi háo hức đợi ngày về quê gặp bà con họ hàng.

So với tết xưa, tết nay của người Việt tôi nghĩ không thay đổi mấy. Tuy nhiên, tôi thấy có sự xuất hiện của những "biểu tượng" địa vị đáng chú ý như những chiếc xe hơi đời mới, tivi to hay điện thoại thông minh đắt tiền...

Tôi cũng thấy nhiều gia đình dùng bữa trong nhà hàng sang trọng thay vì nấu nướng ở nhà như là cách để họ tận hưởng sự thịnh vượng của mình. Ngoài ra, giới trẻ có vẻ như thích xách xe máy đi chơi lòng vòng cùng bạn bè hơn là ở nhà thực hiện các phong tục truyền thống.

Tôi có nghe nói là bây giờ người ta không những "ăn tết" mà còn "chơi tết". Người Việt có câu: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", tôi nghĩ người trẻ rất tò mò về đất nước của họ và háo hức với những trải nghiệm mới bởi vì có thể họ đã nhàm chán với cuộc sống thường ngày.

Ngoài ra, đó cũng có thể là một cảm giác "quyền lực" khi người ta có tiền và cơ hội để nhìn ngắm những nơi mới lạ, và tiện thể "khoe" hoặc đánh dấu nơi mình đến bằng một bức ảnh selfie chẳng hạn.

Bên cạnh đó, việc đi du lịch cũng ngày càng trở nên vừa túi tiền hơn với những chuyến bay giá rẻ, nhiều chuyến xe hơn và nhiều địa điểm ngày càng trở nên nổi tiếng với du khách trong nước. Một lý do nữa là với những áp lực của cuộc sống thành thị, người ta lại càng nghĩ nhiều đến việc "chạy trốn" nhiều hơn.

Cô JOYCE CHANG (người Đài Loan): Khoảng thời gian quý báu cho gia đình và bạn bè

Tại Đài Loan, tết là thời gian gia đình đoàn viên và diễn ra các hoạt động lễ hội. Tết Nguyên đán là một trong những dịp được mong đợi nhất ở Đài Loan.

Trước tết, các thành viên trong gia đình, và đôi khi bạn bè, sẽ tụ tập sau một năm làm việc hoặc đi học xa. Vào đêm giao thừa, các gia đình Đài Loan sẽ cùng nhau ăn một bữa ăn lớn.

Trong khi dùng bữa với các thành viên trong gia đình, người Đài Loan chỉ nói về các chủ đề tích cực bởi vì tương truyền rằng việc nói về điều bất hạnh trong lễ hội mùa xuân sẽ mang lại vận xui trong suốt năm tới. Trong mấy ngày tết, các lễ hội lớn được tổ chức ở nhiều ngôi làng, thành phố và thị trấn.

Tết Nguyên đán cũng là thời gian chuẩn bị cho một năm mới. Vì vậy, các cửa hàng thường đông nghịt khách đi mua quần áo mới, thiết bị gia dụng và thậm chí là ôtô. Người ta tin rằng nên bắt đầu năm mới tươi mới và sạch sẽ. Ngoài ra, các khoản nợ và hợp đồng kinh doanh chưa hoàn thành nên được tập trung giải quyết vì người ta tin rằng điều này sẽ đảm bảo sự thịnh vượng trong năm tới.

Trong mấy ngày tết, nhiều cửa hàng tại Đài Loan sẽ đóng cửa, trong khi các khu dân cư và cộng đồng trở nên sôi nổi với không khí lễ hội. Các lễ hội lớn được tổ chức ở nhiều ngôi làng, thành phố và thị trấn.

Mặc dù nhiều cửa hiệu Đài Loan đóng cửa nhưng hầu hết khách sạn và nhà hàng đều mở cửa. Điều này chủ yếu là do Đài Loan đón nhận một luồng du khách khổng lồ từ nước khác đến trong dịp tết. Những năm gần đây có nhiều người dành thời gian nghỉ để đi nghỉ mát ở nước ngoài vì thời gian nghỉ tết đôi khi có thể kéo dài đến 9 ngày đối với một số người.

Nhưng với tôi, tết là một khoảng thời gian quý báu cho tất cả các thành viên trong gia đình và bạn bè trong năm. Vì vậy, tôi không bao giờ đi du lịch đến các nước khác vào dịp tết.

Tác giả:

Tin nên đọc