Cánh gà chiên và nộm gà
Sau tết, gà luộc hoặc gà để ngăn đá thường rất nhiều. Để xử lý nốt, bạn có thể biến tấu thành món gà chiên hoặc nộm gà.
Ngoài cách chiên mắm tỏi, bạn có thể tẩm bột chiên, chế biến những miếng gà giòn thơm bắt mắt. Gà tẩm ngũ vị hương, nướng trong lò cũng là gợi ý cho cách chế biến thịt gà còn sau Tết.
Hoặc với thịt gà luộc còn dư, có thể xé ra để làm gỏi, nộm chua ngọt, kết hợp với một số loại rau củ quả cũng rất ngon, mát, bổ.
Bún thang
Bún thang là món ăn ngon, thanh mát, giàu dinh dưỡng và rất hợp khẩu vị nhiều người.
Bạn có thể kết hợp với những nguyên liệu rất sẵn ngày Tết như thịt lợn, giò lụa, tôm nõn, trứng... để làm thành món bún thang, đảm bảo ai cũng thích mê.
Tham khảo cách nấu bún thang sau đây:
Nguyên liệu
Thịt gà đã luộc còn dư (còn bao nhiêu dùng bấy nhiêu)
Xương gà, lợn
Gừng, hành tím khô
Củ cải khô
2-3 quả trứng
Nấm hương
Tôm nõn khô
Hành, mùi, rau răm
1 chút mắm tôm, ớt tươi
Giò lụa
Cách làm
Gà lọc bỏ xương, xé nhỏ
Xương gà, lợn rửa sạch, chần sơ, rồi rửa sạch lần nữa. Sau đó đổ nước vào ninh 1 giờ, thêm chút muối, nêm, mắm cho đậm vị (nếu nhà có nước luộc gà thì không cần ninh xương).
Gừng rửa sạch, đập dập. Hành khô bóc vỏ. Cho gừng, hành khô vào nướng cho đến khi nổi mùi thơm. Cho gừng, hành tím khô, vào nồi nước dùng.
Tôm rửa sạch, giã nhỏ rồi cho vào nồi nước dùng.
Trứng đánh tan, để trứng vàng đẹp thì mình chỉ lấy lòng đỏ, tráng thật mỏng rồi thái sợi nhỏ.
Nấm hương ngâm nước ấm cho nở. Cho 1 ít vào nồi nước dùng, còn 1 ít để lại, thái sợi nhỏ.
Tép khô rửa qua nước ấm, cho vào 1 túi lọc trà, râu mực khô bó tròn lại. Cho tép khô và râu mực khô vào nồi nước dùng. Đun lửa nhỏ, ninh nước dùng trong 60 phút. Khi nước dùng gần sôi nêm nếm muối, bột canh, cho thêm 1 cục đường phèn nhỏ nếu thích nước dùng có độ ngọt thanh, nêm nhạt thôi để ăn thêm mắm tôm.
Củ cải khô ngâm nước ấm cho nở. Rửa sạch cho đến khi nước rửa không vàng là được. Cắt khúc 3-4 cm. Pha nước mắm, đường, giấm, tỉ lệ 1:1:1/2, thêm ớt và gừng xay. Đổ hỗn hợp mắm vừa pha vào phần củ cải, trộn đều.
Hành lá thái nhỏ, phần đầu hành chẻ sợi, rau răm thái rối.
Giò lụa thái sợi.
Chần bún, xếp các nguyên liệu vào bát, thêm nước dùng và ăn thôi.
Phở gà
Phở gà cũng là món quốc hồn quốc túy của người Việt. Sau tết, bạn hoàn toàn có thể sử dụng gà thừa để nấu thành phở. Nước dùng được hầm từ gà có hương vị thanh đậm chứ không gắt. Cọng phở mềm, dai, thịt gà ngọt, chắc. Tô phở được điểm xuyết thêm màu xanh của vài cọng hành ngò, nhìn vô cùng hấp dẫn.
Gỏi gà rau răm
Gỏi gà rau răm không chỉ mang đến hương vị ngọt mát mà còn là cách “giải nhiệt” cho những ngày Tết nhiều món ăn béo ngậy.
Để thực hiện món gỏi gà rau răm, các bà nội trợ sẽ cần chuẩn bị 300gr thịt gà luộc, ít rau răm, 1 củ hành tây, 1/2 củ cà rốt cùng các loại gia vị cơ bản. Sau đó, hãy xé nhỏ thịt gà rồi thái hành tây và cà rốt, rau răm rửa sạch để ráo.
Kết hợp theo tỉ lệ pha nước sốt trộn gỏi gà với nguyên tắc 2 nước mắm, 1 đường, 1 nước cốt chanh cùng tỏi và ớt băm (có thể gia giảm gia vị tùy theo khẩu vị gia đình).
Cho thịt gà, hành tây, cà rốt vào bát lớn rồi rưới đều nước sốt, thêm ít rau răm và trộn đều tay để món gỏi ngâm ngấm gia vị.
Trước khi ăn gỏi gà rau răm, các bà nội trợ có thể rắc thêm hạt tiêu và đậu phộng rang nhằm tăng thêm hương vị thơm ngon.
Cháo gà
Không cần nguyên liệu cầu kì, chỉ một vài miếng gà trong tủ lạnh cùng với nắm gạo tẻ là đã có ngay tô cháo đầy dinh dưỡng, thơm phức, nóng hổi. Được thưởng thức một bát cháo gà thơm mùi tiêu và hành phi chắc chắn sẽ giúp nhẹ bụng sau những ngày Tết thoải mái ăn uống.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Mùng 6 Tết là ngày Lập Xuân, tránh làm 3 việc để cả năm bình an, may mắn
-
Trước cửa không trồng 4 cây, vào nhà không treo 3 vật: Là cây gì, vật gì?
-
Mùng 5 Tết Thần tài gõ cửa: Đặt ngay 5 món này lên bếp để cả năm may mắn
-
Mẹo hay ho sau Tết: Biến 5 loại hoa bỏ đi thành ‘bảo bối’ cho mùa hoa Tết tới
-
4 đồ vật dù có tiếc tới mấy cũng đừng dùng lại của người khác: Tài lộc trôi sông, sức khỏe hao hụt