Đăng ký khai sinh là thủ tục bắt buộc đối với bố mẹ sau khi đứa trẻ được sinh ra. Cùng với đó việc làm giấy khai sinh cho con đúng thời gian quy định sẽ giúp bảo vệ những quyền lợi chính đáng của trẻ về mặt pháp lý tại nơi bố mẹ đang cư trú. Dưới đây là các bước hướng dẫn thủ tục làm Giấy khai sinh cho con theo đúng quy trình, đơn giản, nhanh chóng năm 201.
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ để đăng ký khai sinh
– Giấy chứng sinh bản chính: Giấy này do bệnh viện hoặc cơ sở y tế mà người mẹ chọn để sinh con cấp nên mẹ nhớ giữ cẩn thận giấy này nha. Trên giấy chứng sinh có ghi rõ họ tên, năm sinh, số CMND, nơi thường trú hoặc tạm trú của người mẹ. Các thông tin của con bao gồm ngày giờ sinh, địa điểm sinh, giới tính, cân nặng. Bên dưới giấy chứng sinh có chữ ký của người đỡ đẻ và đóng dấu của thủ trưởng cơ sở y tế. Tất cả những thông tin này sẽ phục vụ cho quá trình đăng ký khai sinh cho con.
Trong trường hợp con không có giấy chứng sinh thì người đăng ký khai sinh cần có văn bản xác nhận của người làm chứng về việc sinh con hoặc bản cam đoan về việc đã sinh con nếu không có người làm chứng.
– Giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký làm giấy khai sinh: Có thể là hộ chiếu, CMND, thẻ căn cước hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và còn thời hạn sử dụng.
– Sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của bố và mẹ trẻ. Trường hợp cha mẹ đã ly hôn thì mang theo hộ khẩu của người đi đăng ký khai sinh cho con.
– Mẫu tờ khai đăng ký khai sinh cho con (mẫu này sẵn có và được cấp tại nơi đăng ký làm giấy khai sinh).
Bước 2: Nộp giấy tờ tại UBND cấp xã
-Mẹ mang các giấy tờ trên đến nộp tại UBND cấp xã, phường nơi đăng ký thường trú của người bố hoặc người mẹ, chứ không nhất thiết phải là nơi thường trú của người mẹ như trước đây.
– Trường hợp không thể xác định được nơi thường trú của cả cha lẫn mẹ thì người đăng ký khai sinh sẽ nộp tại UBND cấp xã nơi trẻ đang sinh sống.
– Trường hợp trẻ sinh ra tại Việt Nam có bố hoặc mẹ là công dân nước ngoài, bố hoặc mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người đi đăng ký khai sinh sẽ nộp các giấy tờ này tại UBND cấp huyện nơi cư trú của bố hoặc mẹ trẻ.
Bước 3: Tiếp nhận và cấp giấy khai sinh
– Công chức Tư pháp – hộ tịch là người tiếp nhận các giấy tờ liên quan đến việc đăng ký khai sinh của trẻ.
– Công chức Tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch.
– Công chức Tư pháp mang Sổ hộ tịch đi trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã.
– Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã kỹ vào bản chính khai sinh.
– Công chức Tư pháp – hộ tịch và người đăng ký khai sinh cho con ký tên vào Sổ hộ tịch.
– Người đăng ký khai sinh được cấp 1 bản chính duy nhất của giấy khai sinh. Trường hợp làm mất thì chỉ được cấp lại bản sao chứ không được cấp lại bản chính như trước đây.
Nhìn vào các bước có thể mẹ sẽ thấy rắc rối đúng không? Tuy nhiên mẹ cứ giải quyết theo từng bước một là xong thôi, thời gian giải quyết cấp giấy khai sinh là trong vòng 1 ngày. Trong trường hợp cần xác minh thì không quá 5 ngày sẽ được cấp giấy khai sinh và chỉ được cấp một bản chính.
Thủ tục đăng ký khai sinh cho con trong những trường hợp khác:
Với những trường hợp đặc biệt khác, giấy khai sinh của con sẽ được giải quyết như sau:
– Đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra ở nước ngoài có bố hoặc mẹ là công dân Việt Nam: Trường hợp này, UBND cấp huyện nơi cư trú của trẻ sẽ là nơi thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ.
– Đăng ký khai sinh cho con sinh ra ở Việt Nam có cả bố và mẹ là người nước ngoài: Người đi đăng ký khai sinh phải nộp thêm văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Nếu cha mẹ chọn cho con quốc tịch nước ngoài thì phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đất nước mà cha hoặc mẹ là công dân.
– Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi: Trẻ đăng ký giấy khai sinh tại UBND cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trước đó, UBND cấp xã sẽ niêm yết tại trụ sở trong vòng 7 ngày liên tục, nếu qua thời gian này vẫn không có thông tin về cha hoặc mẹ thì tổ chức/cá nhân đang tạm thời nuôi dưỡng sẽ là người đăng ký khai sinh cho trẻ.
– Đăng ký khai sinh cho trẻ ngoài giá thú: Nếu không xác định được bố của trẻ thì có thể để trống phần thông tin về bố. Trường hợp trẻ có bố nhận nuôi thì UBND sẽ kết hợp giải quyết việc nhận nuôi và đăng ký khai sinh cho con.
– Đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ: Người đăng ký khai sinh cho con phải nộp thêm giấy tờ của cơ sở y tế xác nhận về việc mang thai hộ. Phần kê khai bố mẹ trong giấy khai sinh được xác định theo tên của cặp vợ chồng nhờ mang thai.
Tác giả: