Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: "Quân tử là cái tạo nên thương hiệu Lê Thẩm Dương. Tôi tự hào nhất về tính cách này"

( PHUNUTODAY ) - Trong chương trình "Quyền lực ghế nóng" mới đây, TS Lê Thẩm Dương đã có chia sẻ rất thú vị về chủ đề "nói dối".

Nói dối là chủ đề tiếp theo của chương trình "Quyền lực ghế nóng". Trong tập này, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng đưa ra rất nhiều quan điểm khiến khán giả phải ngỡ ngàng.

"Quân tử là cái tạo nên thương hiệu Lê Thẩm Dương. Tôi tự hào nhất về tính cách này của mình nên không bao giờ nói dối. Cái được nhất trong cuộc sống của tôi là được thảo luận những vấn đề cực lớn. Nó quyết định từ 85 đến 90% sự thành bại của tôi, hay của cả những bạn trẻ bây giờ. Quăng cái bằng tiến sĩ của tôi đi!

Cái tôi được khi ngồi thảo luận là được truyền tải cho người khác, được chia sẻ và được nhận lại ý kiến của người khác.

Nói về chủ đề chương trình, theo tôi, nói dối là phần nói không đúng sự thật mà anh nhận được trong não anh. Trong nói dối gồm có nói dối một phần, nói dối toàn phần, nói dối dựng từ không đến có, nói dối có lợi, nói dối có hại.

Căn nguyên của sự nói dối nằm ở đâu? 

- Xét về tâm lí con người, có 6 nhân tố như sau: thứ nhất là động cơ hành động, thứ hai là thế giới quan (tức là cách nhìn), thứ ba là sự tự vệ, thứ 4 là cảm xúc, thứ 5 là khí chất và thứ 6 là tính cách.

Do đó, nói dối chính mình gồm 6 nguyên nhân:

Nguyên nhân đầu tiên là từ động cơ mà ra. Nói dối là để người khác vui lòng.

Nguyên nhân thứ hai là do thế giưới quan. Quan điểm của tôi khác anh nhưng để cho an toàn, tôi sẽ giả vờ đồng quan điểm với anh.

Nguyên nhân thứ ba là để giữ sự tròn trịa và an toàn cho bản thân.

Nguyên nhân thứ tư là mang lại cảm xúc tốt cho người đối diện, hoặc đè cảm xúc của người ta xuống. Đó là công cụ để điều khiển cảm xúc của người khác và điều khiển cảm xúc của chính mình.

Nguyên nhân thứ năm là do khí chất. Từ lúc sinh ra đã có thói quen nói dối rồi, lúc không cần phải nói dối cũng nói dối.

Nguyên nhân thứ sáu là do cá tính. Cứ lặp đi lặp lại thì nói dối sẽ thành thói quen khó cưỡng.

Tương tự, nói dối người khác cũng có 6 nguyên nhân:

Nguyên nhân thứ nhất, nói dối để khỏi bị phạt.

Nguyên nhân thứ hai, nói dối để làm tròn trịa mình.

Nguyên nhân thứ ba, nói dối để nâng lòng tự trọng của mình lên.

Nguyên nhân thứ tư, nói dối vì sợ mất một điều gì đó.

Nguyên nhân thứ năm, nói dối để điều chỉnh hành vi người khác.

Nguyên nhân thứ sáu, nói dối để bảo vệ hoặc lợi dụng người khác.

Nên làm gì khi người khác nói dối?

Khi bạn phát hiện hay nghi ngờ đối phương có những biểu hiện gian lận, cảm xúc sẽ trở thành yếu tố nguy hiểm nhất. Không ai có thể đổ lỗi cho bạn vì cảm xúc là thứ khó có thể điều khiển được, đặc biệt trong tình huống nhạy cảm này.

Điều bạn nên làm là dành thời gian riêng cho bản thân để chúng ta có thể giải tỏa hết những buồn bực trong lòng khi bị ai đó phản bội, đừng dồn nén những cảm xúc tiêu cực vì chúng chỉ làm cho cuộc gặp gỡ của bạn và người đó trở nên bế tắc hơn. Sau khi bản thân cảm thấy chấp nhận được sự việc, điều tiếp theo bạn nên làm chính là chuẩn bị tâm lý cho cuộc nói chuyện sau đó của cả hai. Hãy nhớ thật bình tĩnh để có cuộc nói chuyện hiệu quả nhất.

Susan Winter, chuyên gia và tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất về chủ đề các mối quan hệ xã hội từng cảnh báo về quyết định tìm đến đối phương để “chất vấn”. Theo bà, khi tâm trí chúng ta vẫn còn bị bó chặt vào những cảm xúc phẫn nộ, quyết định đúng đắn chưa bao giờ có khả năng xuất hiện vào thời điểm này.

Thay vào đó, bà khuyên chúng ta nên dành hẳn một khoảng thời gian dài để lấy lại sự bình tĩnh, bởi bà tin không ai có thể đủ bản lĩnh đương đầu với sự cố chỉ vỏn vẹn sau vài giờ đồng hồ. Thêm vào đó, thư giãn đầu óc sẽ giúp chúng ta tìm ra nhiều giải pháp thích hợp cho cả hai. Sự im lặng là một điều cần thiết, nó không đồng nghĩa việc bạn phải quên đi sự thật nhưng sẽ là bước chuẩn bị tốt trước khi đối mặt với các diễn biến tiếp theo.

Việc bị một ai đó phản bội không đồng nghĩa bạn phải quên đi mối quan hệ đó. Susan tin rằng mọi thứ đều có thể chữa lành, nhưng nếu trong thâm tâm bạn vẫn chưa sẵn sàng với điều đó, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng vì hơn hết, suy nghĩ và cảm xúc của bản thân mới là điều quan trọng.

Để có thể giúp bạn tự tin hơn trong bước chuẩn bị tâm lý này, bạn nên tưởng tượng việc mình và họ sẽ tiếp tục trở thành bạn bè hay đối tác công việc sau này. Nếu bạn sẵn sàng tha thứ cho họ, đừng chần chừ để tái thiết lập mối quan hệ.

Ngược lại, nếu cảm thấy mình không đủ tự tin để có thể tiếp tục duy trì, hãy mạnh mẽ nói ra điều ấy với họ. Vì sau tất cả, khi ai đó chấp nhận “phiêu lưu” với tình cảm của bạn, họ phải biết trước điều này.

Tác giả: Minh Ngọc