Ca COVID-19 tăng, bệnh nhân nặng cũng tăng
Bộ Y tế ngày 11/4 cho biết có 183 ca mắc COVID-19, tăng 70 ca so với ngày trước đó. Và đây cũng là ngày có số mắc cao nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngày 8/4, số ca mắc COVID-19 ở nước ta cũng tăng lên con số 122 ca.
Đây là 2 mốc ca mắc COVID-19 tăng cao ở nước ta, sau rất nhiều ngày kể từ đầu năm 2023, số mắc chỉ ở con số vài ca/ ngày hoặc nhiều lắm là hơn 50 ca/ ngày, thậm chí có ngày chỉ 3-4 ca mắc mới.
Số ca COVID-19 gần đây chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là thành phố Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) cũng nhận định trong tuần qua, số ca COVID-19 tăng so với tuần trước.
Riêng tại BV Thanh Nhàn, trong những ngày gần đây số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng mạnh. Nếu như trong tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân, thì từ đầu tháng 4 đến nay con số này đã tăng gấp 3 lần, là 75 bệnh nhân.
Tuần qua trung bình mỗi ngày có 10 đến 15 người có kết quả xét nghiệm dương tính. Hiện có 10 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Tất cả đều trên 60 tuổi, có mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư...
Điều đáng nói là có những bệnh nhân điều trị COVID-19 tại đây đều thuộc đối tượng cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 nhưng hầu hết mới chỉ tiêm 2 hoặc 3 mũi, thậm chí có người chưa tiêm mũi nào.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 11/4 đang điều trị cho 74 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 10 ca thở oxy kính.
Hà Nội: Sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc COVID-19
Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội cũng tăng cao. Chỉ trong 3 ngày gần đây, mỗi ngày, thành phố ghi nhận gần 100 ca mắc mới. Theo khảo sát, đã có trường hợp là học sinh trên địa bàn.
Tự mang bình nước, chủ động theo dõi sức khỏe cá nhân, cùng nhiều biện pháp phòng dịch COVID-19, đây là nội dung được thầy cô nhắc nhở học sinh tại từng lớp, ngay từ đầu tuần này.
"Thời gian vừa qua, dịch bệnh đã lui, các con cũng quên, chưa chủ động. Mình cũng nhắc nhở để các con mang bình nước đầy đủ, nhắc nhở nhiều biện pháp phòng dịch COVID-19", cô giáo Nguyễn Thị Mai Vân, Trường Tiểu học Trung Văn, TP Hà Nội, chia sẻ.
Còn tại trường mầm non Sakura Montessori Tây Hồ Tây, TP Hà Nội, việc vệ sinh khử khuẩn cũng được tăng cường. Toàn bộ các lớp, khu vực vui chơi đều được lau bằng dung dịch khử khuẩn hai lần trước khi nhận và sau khi trả học sinh. Trong lớp học, việc vệ sinh cá nhân của từng trẻ cũng được cô giáo chú trọng.
Theo Phòng giáo dục và đào tạo quận Nam Từ Liêm, ngay từ đầu năm học, các trường đều đã có phương án phòng chống dịch bệnh theo mùa, trong đó có dịch COVID-19. Trong trường hợp có ca mắc là học sinh, nhà trường cũng sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến.
"Nhà trường vẫn song song hoạt động trực tiếp của nhà trường, kể cả hội họp giáo viên hay các cô hàng tuần vẫn có buổi giao lưu, tăng cường hỗ trợ các con học tập trên nền tảng Zoom", bà Giang Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Văn, TP Hà Nội, cho biết.
Ngay tại cổng trường, bàn để dung dịch sát khuẩn cũng được bố trí trở lại. Trang thiết bị y tế hỗ trợ, chăm sóc cũng như khoanh vùng khi học sinh có dấu hiệu mắc COVID-19 đã được các trường rà soát lại. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh đến học sinh và phụ huynh để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
7 ngành nghề dự báo "khát" nhân lực trong 10 năm tới: Lương cao, không sợ thất nghiệp
-
Tăng lương cơ sở 2023: Mức lương hưu tối đa cán bộ hưu trí được hưởng là bao nhiêu?
-
Xuất hiện chùm ca bệnh COVID-19 tại trường học: Số ca mắc COVID-19 tăng trở lại
-
Hà Nội: Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến
-
Nghề hot tại Việt Nam: Là trợ lý của bác sĩ, lương khởi điểm tới 10 triệu đồng/tháng