Tin phụ nữ 26/10: Cơ quan điều tra xác định chỉ có 1 nghi phạm sát hại hai mẹ con trong căn biệt thự

( PHUNUTODAY ) - Vào hồi 15h ngày hôm nay 26/10, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức họp báo về vụ giết vợ con Trưởng ban dân vận huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Vụ sát hại vợ, con trưởng ban dân vận huyện: Cơ quan điều tra xác định chỉ có 1 nghi phạm

Ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì họp báo. Buổi họp báo được tổ chức tại UBND Huyện Châu Đức.

 Nghi phạm Châu Minh Nhân (Ảnh: Minh Hoài/Tuổi Trẻ)

Như đã đưa tin trước đó, khoảng 17 giờ ngày 24/10, ông Bùi Xuân Thường, trưởng ban dân vận huyện Châu Đức, đi làm về nhà thì phát hiện vợ mình là bà Phạm Thúy Nga nằm bất động trong phòng ngủ tại căn biệt thự ở xã Quảng Thành. Ông Thường đã đưa bà Nga đến Trung tâm Y tế huyện Châu Đức cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong trước đó.

Khi về nhà, ông Thường phát hiện con ruột mình là Bùi Phạm Đức Toàn (đang học lớp 12) bị hung thủ sát hại và giấu xác trong nhà kho; hai tay em Toàn bị trói về phía trước.

Sau khi xảy ra vụ án mạng, qua rà soát các đối tượng, lực lượng công an đã làm rõ được nghi can sát hại hai nạn nhân là Châu Minh Nhân (20 tuổi, quê và thường trú ở xã Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long).

Trong buổi họp báo chiều nay, trả lời câu hỏi của các phóng viên, Đại tá Đặng Văn Hồng, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, đến hiện tại Cơ quan điều tra xác định chỉ có 1 nghi can gây ra vụ án mạng nghiêm trọng này.

Theo thông tin từ đại tá Hồng, nghi can học đến lớp 9, sau đó theo gia đình lên TP.HCM làm ở các sân bóng nhân tạo. Nghi can bị bắt lúc 6 giờ 30 ngày 26/10 khi đang lẩn trốn tại một nhà nghỉ ở Q.Gò Vấp (TP.HCM).

Hiện công an đang di lý Nhân về Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp tục làm rõ.

Bé gái còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi trong rừng cao su

Ngày 26-10, ông Trần Trung Ninh -Trưởng Công an xã Tân Quan, huyện Hớn Quản (Bình Phước) cho biết đã phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong căn chòi giữa rừng cao su.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 25-10, người dân làm rẫy tại khu vực ấp 4, xã Tân Quan thì nghe tiếng trẻ con khóc.

Bé gái còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi trong rừng cao su.

Lần theo tiếng khóc, người dân phát hiện một bé gái sơ sinh còn đỏ hỏn, chưa cắt dây rốn, được cuốn khăn để nằm trong giỏ vải đặt trong chòi giữa rừng cao su.

Người dân nhanh chóng gọi điện trình báo cơ quan chức năng địa phương để xử lý và cứu giúp cháu bé.

“Được người dân báo tin, khi chúng tôi có mặt thì thấy toàn thân bé gái sơ sinh bầm tím, thở gấp, còn dính chất nhầy vì mới sinh chưa được vệ sinh. Sau đó, chúng tôi đã nhanh chóng đưa cháu bé đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời”, ông Ninh nói.

Hiện cháu bé đang được theo dõi và chăm sóc tại bệnh viện huyện Hớn Quản. Theo các y bác sĩ, cháu bé có cân nặng 3 kg, sức khỏe đã ổn định.

Trần tình của thôn về vụ thu lại tiền cứu trợ của dân

Chiều 26-10, ông Nguyễn Văn Hoá, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cho biết sau khi xảy ra vụ cán bộ thôn Trung Thôn tự ý đến thu lại số tiền cứu trợ của dân, UBND xã đã chỉ đạo Ban công tác Mặt trận thôn Trung Thôn đến từng nhà trả lại toàn bộ số tiền cứu trợ đã truy thu và gửi lời xin lỗi đến các hộ dân.

Nói về trách nhiệm của các cán bộ thôn Trung Thôn vì tự ý "truy thu" tiền hỗ trợ của dân, ông Hóa cho biết trong sáng cùng ngày, Đảng ủy, UBND xã đã thống nhất kiểm điểm Ban công tác Mặt trận thôn Trung Thôn bằng hình thức nhắc nhở, rút kinh nghiệm.

Cũng theo ông Hóa, để xảy ra sự việc này là do các cán bộ thôn Trung Thôn đã ngấm ngầm tự ý thực hiện mà không báo cáo với UBND xã thì sẽ "truy" trách nhiệm của người đứng đầu là trưởng thôn. Xã cũng đã chỉ đạo cương quyết từ nay về sau không tùy tiện thu bất cứ hiện vật gì của dân sau khi tiếp nhận cứu trợ.

Trong khi đó, theo trần tình của lãnh đạo thôn Trung Thôn gửi UBND xã Quảng Trung cho rằng mục đích của cán bộ thôn sau khi cắt cử người đến thu 400/500 ngàn tiền hỗ trợ của dân với mục đích "cào bằng" số tiền cứu trợ để san sẻ khó khăn cho bà con trong thôn chứ không hề có một chút vụ lợi lộc hay ý định chiếm đoạt gì. Cũng theo lãnh đạo thôn sau trận lũ lịch sử vào trung tuần tháng 10 vừa qua, tại địa phương có rất nhiều tổ chức và các đoàn từ thiện trong cả nước đến địa bàn để thăm hỏi, ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần giúp đỡ người dân với mong muốn bà con sớm vượt qua khó khăn, sớm vươn lên sản xuất để ổn định cuộc sống. Nhưng vì số lượng cũng như giá trị hàng hóa cứu trợ của mỗi đợt khác nhau dẫn đến việc nhiều người dân so bì nên thôn quyết định "trích" lại số tiền trên để hỗ trợ lại một số hộ dân cũng bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua nhưng lại được hỗ trợ ít.

Trước đó có một đoàn từ thiện từ TP HCM đến liên hệ với thôn Trung Thôn nhờ lên danh sách các hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn để trực tiếp đến hỗ trợ. Sau đó, lãnh đạo thôn đã bàn bạc và đưa ra danh sách 40 hộ dân đủ tiêu chí mà đoàn từ thiện yêu cầu. Ngày 22-10 đoàn về trao quà có gạo, mì tôm cùng các nhu yếu phẩm và kèm theo phong bì 500 ngàn đồng. "Vì số lượng quà giữa các đợt trao tặng khác nhau nên anh em trong thôn quyết định trích lại một ít để bù cho những hộ gia đình, có một số hộ đồng ý còn một số thì không. Sau đó, cán bộ thôn đến từng nhà có trong danh sách 40 hộ yêu cầu nộp lại 400/500 ngàn đồng và tổng số tiền thôn thu lại được là 16 triệu đồng", ông Lê Hồng Quân, Trưởng thôn Trung Thôn khẳng định.

Liên Quan đến sự việc này, anh Nguyễn Tấn Hải, một thành viên của nhóm từ thiện tại TP Hồ Chí Minh trước đó đến trao quà cho người dân thôn Trung Thôn cho biết nhóm rất bức xúc trước việc làm cho cán bộ thôn này. “Cán bộ thôn làm vậy thì tất nhiên họ có cái lý của họ, tuy nhiên họ phải trao đổi thẳng với đoàn từ thiện, chúng tôi rất buồn trước việc đoàn vừa trao quà xong cán bộ thôn lại đến thu lại tiền, làm như thế là lừa dối và xúc phạm chúng tôi” - anh Hải nói.

Anh Hải cũng hy vọng chính quyền địa phương sẽ tích cực kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện cho các đoàn thiện nguyện đến cứu trợ cho người dân, tạo niềm tin cho các nhóm từ thiện để họ chung tay vì đồng bào lũ lụt

Liên quan đến sự việc này, sau khi báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã có văn bản chỉ đạo khẩn chấn chỉnh tất cả xã, phường, thị trấn trong tỉnh phải làm cực kỳ nghiêm túc việc tiếp nhận hàng cứu trợ. Với các trường hợp đã thu lại tiền cứu trợ của người dân, văn bản của UBND tỉnh cũng chỉ đạo rõ phải trả lại số tiền đã cứu trợ theo đúng danh sách được nhận. Đồng thời, trong chỉ thị nêu rõ sẽ điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm những vi phạm của đơn vị đã xảy ra và đơn vị có thể xảy ra trong thời gian tới.

Truy tìm người đàn ông lái xe bồn cán chết người trong đêm

Sáng 26/10, lực lượng CSGT, Công an Q.Tân Bình đang tiến hành truy tìm người tài xế lái xe bồn gây tai nạn nghiêm trọng làm một người tử vong tại chỗ trên đường Phạm Văn Bạch.

Thông tin ban đầu, vào khoảng 22h10 phút tối 25/10, người đàn ông tên Nguyên (khoảng 30 tuổi) đi xe máy BKS 54F3 - 4716 trên đường Phạm Văn Bạch di chuyển theo hướng về đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM).

Khi đến trước khu vực số nhà 61, trên đường Phạm Văn Bạch thì va chạm với một chiếc xe bồn mang BKS 50LD – 007.93 chạy cùng chiều. Cú va chạm đã khiến ông Nguyên và xe ngã ra đường, bị bánh xe cán qua người tử vong tại chỗ.

Ngay sau khi gây tai nạn, người tài xế xe bồn đã chạy khỏi hiện trường. Người dân xung quanh vội gọi điện trình báo với cơ quan chức năng.

Tại hiện trường, chiếc xe máy của ông Nguyên bị hư hỏng nhẹ và ở sát mép đường Phạm Văn Bạch theo hướng di chuyển. Chiếc xe bồn nằm cách xe máy khoảng 40m.

Cơ quan chức năng đang truy tìm tài xế gây tai nạn và làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Nam sinh bị đánh hội đồng và vấn nạn “nộp tô” cho bạn

Bị trấn lột tiền, bị đánh đập, làm nhục khi không có tiền nộp cho bạn…Đây không chỉ là câu chuyện ở Hải Dương mà tại rất nhiều trường học, vấn nạn này vẫn tồn tại.

Theo xác nhận của ông Nguyễn Kế Thừa – Trưởng công an thị trấn Minh Tân (Kinh Môn – Hải Dương), nam sinh bị đánh hội đồng và tè bậy lên đầu làm nhục tên L là học sinh trường THCS Minh Tân. Và lý do L bị đánh là vì… không chịu nộp 5.000 đồng/ ngày cho bạn. Nhóm học sinh cùng lớp thực hiện hành vi đánh L bị ép bởi 2 học sinh cấp 3 là Phùng Đức Huy - lớp 11C, Trường THPT Trần Quang Khải và Đoàn Minh Chiến- lớp 11E, Trường THPT Nhị Chiều (Kinh Môn – Hải Dương). Được biết, theo hồ sơ học tập đây là 2 học sinh cá biệt của trường và gia đình có hoàn cảnh phức tạp.

Việc học sinh bị trấn lột tiền không hề hiếm gặp tại các trường phổ thông trên cả nước. Trước đó, nhiều vụ việc liên quan đã diễn ra:

Tháng 4.2016, rất nhiều học sinh trường THCS Ninh Thới A (Cầu Kè – Trà Vinh) phản ánh thường xuyên bị một nhóm đối tượng học sinh trấn lột tiền. Điều tra của công an huyện Cầu Kè xác nhận những học sinh thực hiện hành vi này là Lê Quốc Khánh và Nguyễn Quốc Huy (đều là học sinh lớp 7 của trường) và Phùng Hoàng Anh Vi (17 tuổi, ngụ xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, đã nghỉ học). Những em này khai nhận, để có tiền chơi game, các em đã tự đặt ra các loại “phí” như: Phí nói chuyện, phí ăn bò viên, phí giữ xe… để bắt các bạn đưa tiền. Tổng số tiền đã “trấn” được từ bạn bè là 220.000 đồng.

 Hình ảnh được cắt từ clip nam sinh bị đánh hội đồng tại Hải Dương

Trước đó, tháng 4.2015, một học sinh lớp 6B trường THCS Liên Hồng (Đan Phượng – Hà Nội) đã viết đơn tố cáo hàng loạt bạn nam trong lớp đã “trấn lột” mình. Số tiền bị trấn nhiều lần tổng cộng lên tới hơn 1 triệu đồng. Quá bức xúc, bố học sinh này sau đó đã xông vào trường đánh dằn mặt hơn 10 học sinh từng bắt con mình “nộp tô” bằng tiền ăn sáng mỗi ngày.

ThS Nguyễn Thu An – phụ trách tư vấn tâm lý học đường tại một trường THCS ở TP Thái Bình cho biết: Hầu như những em bị bắt nạt, trấn lột đều là những học sinh nhút nhát, thiếu kỹ năng và ít chia sẻ. Ngược lại, những học sinh đi trấn lột, đánh hội đồng bạn phần lớn có hoàn cảnh gia đình khá phức tạp, thường xuyên phải chứng kiến bạo lực, trấn áp, cãi cọ, thiếu thốn tiền bạc.

“Học sinh bị trấn lột, đánh đập ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều. Ngoài việc lúc nào cũng lo âu, sợ sệt và bấn loạn các em còn gặp nhiều rắc rồi về tài chính. Phần lớn, số tiền các em có chỉ là tiền ăn sáng, tiêu vặt hoặc tiền mua sách vở. Bị “trấn” số tiền này, đồng nghĩa các em sẽ phải nhịn ăn, không có tiền mua đồ dùng học tập. Để đối phó, nhiều em đã nói dối bố mẹ để xin thêm tiền hoặc ăn trộm” – cô An nói.

Để đối phó với nạn trấn lột tiền, đánh hội đồng theo cô An không còn cách nào khác là học sinh phải chia sẻ với người lớn, hoặc ít nhất là nói với bạn bè nhờ bạn bè cứu giúp, không được vì quá sợ hãi mà chịu đựng một mình.

“Các bậc phụ huynh cùng cần quan tâm đến con hơn, khi thấy bất kỳ một biểu hiện bất thường ở con như, hàng ngày về nhà đầu óc rối bù, quần áo xộc xệch, hoảng loạn, thường xuyên xin tiền thêm bố mẹ… Lúc đó cần tâm sự với con để tìm ra nguyên nhân và phối hợp với nhà trường để khắc phục” – cô An nói.