Bố mẹ chồng tôi không phải là người nóng tính hay ác ý. Gia đình chồng cũng không đòi hỏi ăn cao lương mỹ vị xa hoa sang trọng. Nhưng bữa cơm trong gia đình chồng tôi lại rất nhiều bi hài và cả sự mệt mỏi vì khẩu vị của mọi người.
Chúng tôi kết hôn và ở chung với bố mẹ chồng, cùng 1 chú em chồng. Chú em chồng đi xa suốt, thỉnh thoảng mới về nên nhiều khi tôi muốn xin ra ở riêng thì bố mẹ chồng và chồng lại không vui. Bố mẹ chồng tôi không phải người hay chỉ chiết trách móc con dâu, cũng không hay kể xấu. Nhưng tôi lại rất không thoải mái mỗi khi tan làm phải gấp gáp chạy vội về để nấu cơm tối, mà bữa cơm đó lại khá nhiều căng thẳng để có thể đáp ứng khẩu vị của mọi người.
Bố mẹ chồng tôi chê những món ăn mua bên ngoài là không an toàn không sạch sẽ nên rất ít khi ông bà "động đũa". Đặc biệt nhưng món ăn lạ, của người khác nấu thì ông bà thường bị cảm giác e dè, đôi khi chưa thử đã mặc định cách nấu khác truyền thống gia đình tôi thì sẽ không ăn, không thấy ngon.
Thế nên gia đình tôi hầu như tự nấu ăn, thỉnh thoảng có khách mới mua vài món lạ lạ và không kịp chế biến. Thế nên để đáp ứng đúng khẩu vị gia đình để có bữa cơm với lời khen ngon trong gia đình chồng tôi thì là quá sức với tôi.
Tôi tới từ một vùng miền, một gia đình mà có nhiều điểm ăn uống khác với gia đình chồng tôi, từ cách nêm gia vị, cách chế biến. Nên tôi mất một thời gian rất dài để "thuộc" khẩu vị nhà chồng.
Cái khó nhất đó là khẩu vị ăn uống của gia đình chồng tôi rất khó chiều và mỗi người một kiểu. Đặc biệt bố chồng tôi là người kén ăn. Ông ăn mặn và rất mặn lại thích nhiều mì chính. Chính vì thế nên nếu món ăn không đủ mặn thì coi như không thể ngon, mà nếu đủ mặn theo vị của ông thì coi như tôi không thể ăn được.
Còn mẹ chồng tôi lại không ăn được nhiều loại gia vị, đặc biệt tỏi và hành là bà không ăn. Thế nên nêm nếm thức ăn mà có tỏi là bà không ăn. Thậm chí trong gói bột nêm có vị tỏi một chút thì vẩy vào thức ăn, bà cũng nhận ra mùi và không ăn nữa. Còn chồng tôi, người thì to béo nhưng cũng đại khảnh ăn. Chồng tôi chỉ ăn thịt nạc luộc, rau luộc và đậu phụ rán, các món ăn khác thì anh rất thờ ơ thậm chí không ăn.
Còn tôi lại rất thích những món ăn thanh đạm ít chiên rán nhưng phải nêm nếm đầy đủ hành tỏi, gia vị cần thiết và nhặt chỉ bằng nửa phần của bố chồng tôi.
Nghe chừng như rất đơn giản không cao lương mĩ vị gì nhưng cứ quanh đi quẩn lại với mấy món đó thật buồn. Thế nên có khi muốn làm nhiều món gì lạ thì cũng chẳng còn cảm xúc nữa vì tự mình làm mình ăn, thậm chí mình làm và mọi người không ăn mà còn có thái độ nhìn ngó nhận xét.
Mẹ chồng tôi từng nói "Nấu ăn cũng như yêu một người, phải hiểu khẩu vị của họ". Tôi hiểu điều đó. Và tôi đã hiểu được khẩu vị của gia đình chồng sau nhiều năm sống cùng. Nhưng mọi người lại không ai hiểu khẩu vị của tôi.
Giá như chỉ có mình chồng thì tôi cũng kệ, cứ làm mấy món cho anh ấy còn tôi vẽ vời theo ý tôi để vừa vui lòng anh vừa không tủi thân mình. Nhưng đây lại còn bố mẹ chồng, làm ra rồi mà ông bà không ăn, chỉ mình ăn thì ngại. Mà nếu làm đủ món theo ý mọi người rồi thêm món theo ý mình nữa thì không đủ thời gian.
Bố mẹ chồng ở nhà giúp tôi trông hai cháu, đưa đón cháu đi học, tắm cho các cháu nên việc buổi tối của tôi chỉ là về nấu ăn và ăn xong thì dọn dẹp. Nhưng cứ thỉnh thoảng nghe bố mẹ chồng xem trên mạng xã hội rồi bình phẩm về món ăn này nọ, tôi lại thấy cứ như đang nói mình và thấy thật không vui vẻ với bữa cơm chung ấy.
Mỗi lần chú em chồng về thăm nhà thì bữa cơm thêm phần phức tạp. Chú ấy có sở thích ăn uống cũng chẳng giống ai. Ngày nào chú ấy cũng ăn canh cua, cà pháo muối và thêm món thịt ba chỉ rang cháy cạnh. Nhưng nói thật mỗi tối tan sở về, tránh được tắc đường, về tới nhà lại quay ra làm cua thì mất nhiều thời gian. Mua cua xay sẵn ngoài chợ thì bố chồng tôi bảo không thơm không ngon, cối của họ để lâu không vệ sinh. Mặc dù ông chẳng nói to tiếng hay cáu gắt tôi, bắt ép tôi nhưng tôi không biết làm sao chẳng lẽ "bánh bơ" lời ông nói. Sự thực ông nói cũng đúng chỉ là tôi không đủ thời gian. Ông bà đã giúp trông con không lẽ lại bảo "thế bố mẹ ở nhà giã cua trong cối giúp con".
Bữa cơm gia đình tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra là chỉ có mình tôi phải đáp ứng nhu cầu của mọi người mà không ai để ý xem tôi muốn gì, khẩu vị thế nào. Bước về làm dâu, đôi khi tôi thấy mặc nhiên khẩu vị cũng phải đi theo nhà chồng vậy.
Chỉ vì bữa cơm mà nói không hạnh phúc thì nghe có vẻ như nhỏ nhoi ích kỷ. Nhưng quả thật là tôi ước gì được ăn uống riêng, ăn ở riêng với gia đình chồng.
Lẽ nào tôi quá đoảng vị và cũng quá kém trong khoản nội trợ?
Tác giả: Dạ Ngân
-
“Lươn trông trăng” là gì mà người xưa dặn: Dù nghèo mấy cũng tuyệt đối không được ăn?
-
5 dấu hiệu 'EQ thấp' lộ rõ trên Facebook: Bạn bè có người như vậy không?
-
Người xưa thường nói đàn ông không mao nhiều phúc: Vì sao lại như vậy?
-
7 thói quen giúp bạn sống khỏe, tiêu ít trước tuổi nghỉ hưu – ai 40+ cũng nên biết sớm
-
Ông bà xưa dạy cấm có sai: “Trong nhà có 3 cái ‘càng’ càng lớn, thì đời càng khổ, con cháu khó nên người.”