Sở Y tế cho biết, nhờ giám sát tốt nên ca bệnh được phát hiện kịp thời, các biện pháp ứng phó đã được triển khai. Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp phòng bệnh như: tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc và yêu cầu các cơ sở y tế đóng trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả các người nhập cảnh. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chánh, lập phiếu điều tra dịch tễ.
Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ): kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.
Đến thời điểm hiện tại, khi bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào nước ta, các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang và thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh.
Nếu người dân khi có các triệu chứng như: sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược thì báo ngay cho trạm y tế nơi cư trú, hoặc cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới mà ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.
Năm 2003, đợt dịch đầu tiên bên ngoài châu Phi là ở Hoa Kỳ liên quan đến cầy thảo nguyên (chó đồng) đã dẫn đến hơn 70 ca mắc, sau đó được báo cáo rải rác ở những du khách từ Nigeria đến Israel vào tháng 9-2018, Vương quốc Anh vào tháng 9-2018, tháng 12-2019 và tháng 5-2021; Singapore vào tháng 5-2019; và Hoa Kỳ vào tháng 7 và tháng 11-2021.
Từ tháng 5 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, mà chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó.
Đáng chú ý, dịch đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp bệnh. Ngày 23-7-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Đến ngày 15-8-2022 đã ghi nhận trên 35.000 ca mắc đậu mùa khỉ tại 92 quốc gia, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Hiện có một số quốc gia và vùng lãnh thổ gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận trường hợp bệnh xâm nhập.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
5 trường hợp người dân vượt đèn đỏ mà không bị CSGT thổi phạt
-
Người lao động có thể xin đóng thêm tiền BHXH để nhận lương hưu cao hơn không?
-
Thu nhập của công chức năm 2023 bao gồm những khoản nào: Chi tiết tiền lương của các ngành
-
Năm 2022 nghỉ hưu, đóng BHXH 27 năm nhận lương hưu là bao nhiêu?
-
Một số chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực trong tháng 10