Trẻ bị nhiễm độc chì từ những vật dụng gia đình nào cũng có

( PHUNUTODAY ) - Ngộ độc chì rất nghiêm trọng và có thể gây tác hại cho mọi lứa tuổi, nhưng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em.

 Đồ chơi trẻ em cũng có chì

Theo ông Doãn Ngọc Hải - viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, viện thực hiện đề tài cấp nhà nước về thực trạng nhiễm độc chì ở trẻ em VN và hiệu quả một số biện pháp can thiệp.

Qua khảo sát tại xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (gần mỏ chì Làng Hích), có 109/209 trẻ em 3-14 tuổi có hàm lượng chì máu cao hơn 10 mcg/dl, trong đó có 105 cháu chì máu ở mức 10-44 mcg/dl, tương đương mức nhiễm độc chì nhẹ, 4 cháu hàm lượng chì máu mức trên 45 mcg/dl, tức nhiễm độc mức trung bình.

Tại phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên - nơi có hoạt động sản xuất kim loại màu, luyện thép, nhóm nghiên cứu cho hay 78/180 trẻ em 3-14 tuổi có chì máu cao hơn 10 mcg/dl, trong số này có 66 em ở mức nhiễm độc chì nhẹ, 12 em nhiễm độc chì mức trung bình. Xét nghiệm chì trong môi trường cho thấy có 3/30 mẫu nước, 12/30 mẫu đất và 2/10 mẫu thực phẩm được kiểm tra có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép.

Ông Lỗ Văn Tùng, thư ký đề tài này, cho biết nguyên nhân ô nhiễm chì có thể từ đất, nước, không khí hay những sản phẩm trẻ em hay dùng bị ô nhiễm chì.

Theo ông Tùng, trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã đến khảo sát về hàm lượng chì trong loại sơn tường sử dụng ở hai trường mầm non và các đồ chơi được dùng tại hai trường này. Kết quả cho thấy loại sơn được chọn tương đối an toàn, nhưng một số đồ chơi được sử dụng có chì ở ngưỡng thấp.

Cẩn thận đồ chơi màu sặc sỡ

“Với đồ chơi cho trẻ em, các loại đồ chơi có màu càng sặc sỡ thì càng có nguy cơ tiềm ẩn lượng chì cao” - ông Tùng cho biết.

Theo ông Hải, hai ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng hàm lượng chì máu cao ở trẻ em là gây tình trạng thiếu máu, trẻ hay quấy khóc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển trí tuệ của trẻ.

Ông Hải cho hay ở Mỹ hàm lượng chì ở mức 5 mcg/dl máu đã được coi là nhiễm độc chì mức nhẹ, ở VN chỉ số này ở mức từ 10 mcg/dl và trong đề tài cấp nhà nước kể trên, nhóm nghiên cứu đã can thiệp bằng cách sử dụng sản phẩm để thúc đẩy quá trình đào thải chì khỏi cơ thể trẻ nhanh hơn.

Phương pháp này đã được triển khai tại làng nghề tái chế ăcquy Đông Mai, Hưng Yên, nơi cũng có tỉ lệ trẻ bị nhiễm chì rất cao và sau can thiệp bước đầu, theo ông Hải, là có hiệu quả.

Do nguy cơ ô nhiễm chì đến từ nhiều nguồn, ngoài nguy cơ từ đồ chơi, sơn tường còn có thuốc cam (rất hay được sử dụng để trị chứng biếng ăn và tưa lưỡi cho trẻ em) nên không chỉ trẻ em sống ở khu vực làng nghề, mỏ chì hay khu vực luyện kim bị ô nhiễm chì bị nhiễm, mà trẻ ở thành phố cũng dễ bị.

Ông Hải cho biết qua khảo sát tại một nhà máy sản xuất ăcquy có quy trình sản xuất khá nghiêm ngặt nhưng hàm lượng chì máu của công nhân vẫn rất cao, lý do là bề mặt quần áo, nguồn không khí hít thở đều có chì. Công nhân mặc quần áo làm việc về nhà, thay và tắm giặt tại nhà mang theo nguồn ô nhiễm chì có thể làm trẻ em và các thành viên khác trong gia đình nhiễm chì.

Theo ông Hải, các bậc cha mẹ phải chú ý đến một căn nguyên mới là đồ chơi bằng cách lựa chọn những sản phẩm an toàn với trẻ em như màu ít sặc sỡ, hoặc chọn nhà cung cấp uy tín và nếu sản phẩm đã được đánh giá an toàn với chì thì càng tốt.

Chì gây ra những tác hại gì?

Lượng chì trong cơ thể ở mức cao sẽ gây tổn thương não, thận và tủy xương (phần mô mềm nằm bên trong xương). Các triệu chứng có thể gặp do ngộ độc chì gây ra bao gồm đau bụng, nhức đầu, nôn ói, lú lẫn, yếu cơ, co giật, rụng tóc và thiếu máu (tình trạng có mức hồng cầu thấp).

Lượng chì trong cơ thể ở mức thấp cũng có thể gây tác hại, chẳng hạn như giảm khả năng chú ý, có các vấn đề về hành vi, khả năng tiếp thu kém và giảm IQ ở trẻ em. (IQ là viết tắt của 'Intelligence Quotient', tức Chỉ số thông minh, thường dùng để phản ánh trí thông minh của một người).

Làm thế nào để giúp trẻ giảm nguy cơ tiếp xúc với chì?

Một số điều dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ tiếp xúc với chì cho trẻ:

- Nếu bạn sống trong một ngôi nhà hoặc chung cư xây trước năm 1978, hãy yêu cầu bác sĩ làm xét nghiệm đo nồng độ chì trong máu cho trẻ và giữ trẻ tránh xa khỏi các mẩu sơn bong tróc. Sơn bong tróc phải được loại bỏ khỏi tất cả các bề mặt (sàn nhà, tường, bề mặt bàn, ghế, tủ,…) ít nhất 1,5m tính từ nền nhà. Việc sơn lại phòng để ngăn chặn chì từ sơn cũ cũng là một ý hay.

- Nếu bạn tu sửa lại một căn nhà cũ, hãy che chắn kỹ những căn phòng sẽ tiến hành sửa chữa. Bạn có thể mắc những tấm màn dày để che cửa chính và các cửa sổ ở khu vực tu sửa.

- Nếu có vấn đề về ngộ độc chì ở nơi bạn sống, hoặc nhiều nhà cũ xung quanh tiến hành tu sửa, hãy dặn người trong gia đình bạn chùi sạch chân và cất giày trước khi vào nhà. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ mang đất cát có lẫn bụi chì vào nhà.

- Giúp trẻ rửa tay và mặt trước các bữa ăn.

- Không mua cũng như cho trẻ sử dụng các loại thuốc cam và thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Để có thêm thông tin về những việc cần làm nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc chì, hãy trao đổi thêm với bác sĩ hoặc các cơ sở y tế nơi bạn sống. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn nghĩ rằng con mình bị ngộ độc chì.

Tác giả:

Tin nên đọc