Trẻ sặc sữa rất nguy hiểm, cha mẹ cần làm ngay điều này để cứu con

( PHUNUTODAY ) - Khi cho trẻ bú, thấy trẻ có những biểu hiện này, mẹ hãy nghĩ ngay đến việc con có thể bị sặc sữa.

Biểu hiện của trẻ bị sặc sữa

Trẻ bị sặc sữa có rất nhiều dấu hiệu mẹ nên để ý. Khi trẻ đang bú hoặc sau bú đột ngột ho mạnh, ọc sữa qua mũi, miệng, sặc sụa, tím tái, khóc thét lên, cơ thể có thể mềm nhũn hoặc co cứng thì điều đầu tiên nên nghĩ ngay đến là trẻ bị sặc sữa.

Trẻ bị sặc sữ có thể hể trở lại bình thường nhưng sau đó trẻ dễ bị viêm phế quản, tái phát nhiều lần. Trường hợp nặng nhất, bé có thể xuất hiện những cơn ngừng thở và tử vong.

Nguyên nhân làm bé bị sặc sữa

– Do sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ nuốt không kịp.

– Một số trẻ sơ sinh có thói quen vừa ăn vừa ngủ, miệng ngậm sữa nhưng không nuốt. Khi thở mạnh, trẻ có thể làm sữa bị đưa lên mũi vào khí quản, phế quản gây sặc.

– Trong lúc bú, trẻ có thể hóng chuyện, cười hoặc khóc khiến sữa tràn vào khí quản gây sặc.

Hướng dẫn cách cấp cứu khi trẻ bị sặc sữa

Sặc sữa là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu trẻ không được sơ cứu nhanh chóng, kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu thấy con có những biểu hiện như trên, cha mẹ cần bình tĩnh, gọi xe cấp cứu. Trong khi chờ nhân viên ý tế đến, hãy thực hiện các bước sơ cứu như sau:

Vỗ lưng: Cho trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay, dùng lòng bàn tay vỗ mạnh và nhanh năm cái vào lưng trẻ (chỗ giữa 2 xương bả vai), nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống sữa ra khỏi đường hô hấp. Sau đó kiểm tra xem trẻ đã thở được bình thường chưa. Nếu chưa thì tiến hành ấn ngực.

Ấn ngực: Đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối hai vú khoảng 1 đến 2 cm. Ấn liên tục 5 lần.

Quan sát các biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ vẫn khó thở, toàn thân tím tái thì tiếp tục vỗ lưng - ấn ngực cho trẻ, có thể làm từ 6 – 10 lần.

Thông thoáng đường thở bằng hút mũi miệng: Trong lúc thực hiện hai biện pháp trên, nếu trẻ khó thở, da trở nên tím tái hơn, bạn cần phải hút sữa từ mũi và miệng ngay lập tức.

Phòng tránh trẻ bị sặc sữa

Để tránh trẻ bị sặc sữa cần chú ý tránh cho bé bú, ăn khi bé đang khóc hoặc cười.

Không để bé đói rồi mới cho bú. Khi này, bé thường bú sữa một cách vội vàng, dễ gây sặc.

Khi cho bú, mẹ nên để bé nằm gọn trong lòng mình, hơi nghiêng người bé ở góc khoảng 30 – 45 độ so với thân trên của mẹ. Không nên vừa nằm vừa cho con bú.

Nếu cho bé bú bình, bạn không nên đặt bé nằm thẳng mà nên để bé nằm ở vị trí đầu cao hơn chân một chút. Bình sữa cũng cần dốc xuôi về phía núm vú để tránh trường hợp bé hít không khí trước khi hút được sữa.

Sau khi bú xong, bạn nên bế dựng và để đầu bé tựa vào ngực mình, rồi nhè nhẹ vỗ vào lưng bé. Làm như vậy để đẩy hết phần khí đang chiếm chỗ trong dạ dày. Hoặc sau khi bú, bạn có thể đặt bé nằm nghiêng phải, đầu kê cao 15 độ so với mặt giường. Sau khoảng 30 phút mới đặt bé nằm thẳng. Tốt nhất không nên cho bé ngủ ngay sau khi bú để tránh tử vong đột ngột.

Tác giả:

Tin nên đọc