Trung tâm y tế phát nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai khiến thai nhi tử vong

( PHUNUTODAY ) - Ba thai phụ ở huyện Tân Phước, Tiền Giang bị phát nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai khiến một thai nhi tử vong.

 Ngày 2/4, bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cho biết sở đang yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tân Phước báo cáo vụ việc.

Theo đó, ngày 30.3, anh Nguyễn Văn Út E đưa vợ anh, chị Huỳnh Thị Cúc (32 tuổi, ngụ ấp Tân Hưng Đông, xã Tân Hòa Tây, H.Tân Phước), có thai gần 2 tháng đến TTYT H.Tân Phước khám. Tại đây, khi xem xét xong thì bác sĩ (BS) nói “thai yếu” nên nằm lại dưỡng thai 3 ngày.

Chiều 9.3, BS cho xuất viện và kê đơn thuốc về nhà uống để dưỡng thai, trong đó có 10 hộp Misoprostol 200 mcg, mỗi hộp 2 viên.

“Vợ tôi mới uống 2 viên lúc 7 giờ tối thì khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau bị ra huyết. Hoảng hồn, tôi đưa vợ trở lại TTYT huyện, lúc đó chừng 22 giờ. Nhưng các BS nói “để theo dõi”, không siêu âm, cấp cứu gì hết mà cũng không đồng ý cho chuyển viện. Quá nóng ruột nên tôi tự chở vợ xuống Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, tới nơi đã gần 2 giờ sáng hôm sau. Sau khi xem hiệu thuốc mà tôi đã kịp giật lại được 3 hộp (vì TTYT huyện thu hồi), các BS cho biết đó là thuốc phá thai! Nhưng đã quá muộn, thai nhi đã chết từ trong bụng mẹ. Sau đó vợ tôi phải nằm viện điều trị thêm 6 ngày”, anh Út E bức xúc kể.

Misoprostol, loại thuốc được cấp cho các sản phụ để “dưỡng thai”

Đây không phải trường hợp đầu tiên, trước đó, ngày  9.3, chị Mai Bích Ngân, 25 tuổi (ngụ xã Mỹ Phước, H.Tân Phước) được TTYT H.Tân Phước cấp thuốc về nhà uống vì chị có bảo hiểm y tế. “Nhận thuốc xong về nhà, tôi mới uống 2 viên lúc 18 giờ thì khoảng 2 tiếng đồng hồ sau bị ra huyết. Đọc hướng dẫn sử dụng không thấy ghi là an thai, dưỡng thai. Gia đình tôi chạy xuống Mỹ Tho đưa thuốc cho BS xem, lúc đó mới biết là thuốc phá thai”, chị Ngân nói.

Ngoài 2 trường hợp nói trên còn có trường hợp thứ 3, xảy ra cùng ngày 9.3, sản phụ tên My, ở TT.Tân Phước. May mắn là chị My chưa uống thuốc, trung tâm đã kịp thời thu hồi lại nên chưa gây ra hậu quả.

Liên quan đến vụ việc trên, bác sĩ Lê Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Phước đã xác nhận có những sự việc đó. Tuy nhiên ông cho hay, nguyên nhân ban đầu là tên hai loại thuốc (phá thai và dưỡng thai) gần giống nhau, phần mềm tại trung tâm không ghi rõ hàm lượng thuốc nên đã dẫn đến sự nhầm lẫn khi kê toa và cấp thuốc.

Sau sự cố, lãnh đạo trung tâm đã thăm hỏi gia đình các thai phụ, đồng thời họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm những người liên quan.

Tác giả:

Tin nên đọc