Truyền thông Thái Lan bị chỉ trích thậm tệ vì thiếu đạo đức trong cuộc giải cứu đội bóng nhí

( PHUNUTODAY ) - Trong cuộc chạy đua tin tức cuộc giải cứu, truyền thông Thái Lan đã có những hành động được coi là "thiếu đạo đức" trong quá trình đưa tin và bị chỉ trích thậm tệ.

Trong cuộc đua giành view bằng thông tin và hình ảnh mới nhất, một số cơ quan báo chí đưa tin về vụ giải cứu đội bóng thiếu niên ở Chiang Rai, Thái Lan đã bị chính quyền chỉ trích vì những hành vi trong khi tác nghiệp của phóng viên.

Bangkok Post nói người ta đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhà báo cũng như vấn đề đạo đức và tính chuyên nghiệp của một số kênh thông tin, cơ quan báo chí.

Cụ thể là vào hôm Chủ nhật vừa qua, trong ngày đầu tiên đưa người ra khỏi hang Tham Luang, một số phóng viên của kênh truyền hình PPTV đã dùng máy bay không người lái nhằm quay phim và chụp ảnh hiện trường nhằm vượt lên các đối thủ thông tin. Tuy nhiên hoạt động của các thiết bị này đã uy hiếp sự an toàn  của các chuyến trực thăng cứu hộ: sóng radio của thiết bị quay phim đã làm gián đoạn liên lạc của các máy bay lên thẳng đang làm nhiệm vụ.

Một thiết bị UAV (máy bay không người lái) quay phim hoạt động ngay dưới máy bay cứu hộ khiến uy hiếp sự an toàn của trực thăng

Kênh truyền hình này ngày 9/7 cũng phải gửi lời xin lỗi vì sự cố. Người điều khiển thiết bị bay nói đã xin phép một sỹ quan phụ trách không lưu, nhưng Không quân Hoàng gia Thái Lan bác bỏ điều này và đang cho điều tra.

Còn theo Thai PBS, các nhà phê bình chỉ trích nặng nề một số tờ báo và kênh truyền hình Thái Lan vì đăng ảnh và tên của 4 thành viên đội bóng nhí được giải cứu khỏi hang Tham Luang ngày 8/7. Một kênh truyền hình bị đe dọa phải đối mặt với cáo buộc pháp lý khi phát sóng đoạn liên lạc radio giữa các quan chức trong nhiệm vụ giải cứu. Workpoint News, kênh truyền hình số hàng đầu Thái Lan, phải gửi lời xin lỗi ngày 9/7 vì phát sóng đoạn ghi âm này.

Hội nhà báo phát thanh truyền hình Thái Lan ngày 9/7 đã ra tuyên bố kêu gọi các nhà báo tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc đạo đức và tôn trọng quyền riêng tư của những người có liên quan đến nhiệm vụ giải cứu ở hang động Tham Luang. Tuyên bố thúc giục truyền thông phải đặc biệt cẩn thận khi thảo luận các chi tiết cá nhân của những người được giải cứu, khi phần lớn các thành viên đội bóng ở độ tuổi thiếu niên. Bên cạnh đó tuyên bố kêu gọi không cản trở quá trình giải cứu trong quá trình đưa tin. Hội đồng Báo chí quốc gia Thái Lan cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Ước tính, có khoảng hơn 1.000 nhà báo, phóng viên đến tác nghiệp tại chiến dịch giải cứu vừa qua

Theo Thai PBS, các sự cố tương tự cho thấy sự cạnh tranh của truyền thông Thái Lan khi đưa tin về một trong những nhiệm vụ giải cứu khó khăn nhất đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Một số chuyên gia truyền thông chỉ trích thứ mà họ gọi là sự thiếu đạo đức của các nhà báo khi đưa tin, nhưng chỉ trích nặng nề nhất đến từ những cư dân mạng khi cho rằng tiêu chuẩn của truyền thông chính thống quá nghèo nàn.

Banyong Suwanpong, một thành viên của Ủy ban Đạo đức thuộc Hiệp hội Nhà báo Thái Lan và Hiệp hội nhà báo Phát thành – truyền hình Thái Lan nói truyền thông cần nêu cao các tiêu chuẩn đạo đức khi tác nghiệp. Ông nói nhà báo không chỉ chịu trách nhiệm với cơ quan truyền thông họ đầu quân, mà còn trước xã hội Thái Lan. Nhà báo không nên chỉ chăm chăm cố gắng là người đưa tin đầu tiên.

“Cạnh tranh là điều bình thường. Tôi biết mọi người muốn tạo ra lợi nhuận. Nhưng anh không thể ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình. Phương pháp tác nghiệp phải đúng đắn, không được xâm phạm quyền của người khác”, Banyong Suwanpong nói.

Các quan chức Thái Lan ước tính có khoảng 1.000 nhà báo, cả Thái Lan và quốc tế đã có mặt ở Mae Sai, Chiang Rai để đưa tin về nhiệm vụ giải cứu.

Tác giả:

Tin nên đọc