Từ ngày 01/7/2024, cơ quan công an sẽ đồng loạt cấp thẻ Căn cước mẫu mới theo quy định của Luật Căn cước số 26/2023/QH15.
Đối với Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân cấp trước ngày 01/7/2024, Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định:
- Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước.
- Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
- Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
- Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng.
Trong đó, theo Điều 21 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13, thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng cho đến khi người được cấp đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Những người bước sang tuổi 25, 40, 60 vào năm 2024 là những người sinh 1999, 1984, 1964.
Cũng theo Điều 21, trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Tức là những người sinh năm 1999, 1984, 1964 vừa mới đi làm thẻ Căn cước công dân vào khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2024 thì được sử dụng thẻ này đến độ tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Như vậy, những người sinh năm 1999, 1984, 1964 cần chú ý thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân của mình được in ngay trên mặt trước của thẻ để đi đổi sang thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024:
- Nếu thẻ Căn cước công dân ghi giá trị sử dụng đến ngày xx/xx/2024 thì nên đi đổi thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024.
- Nếu thẻ Căn cước công dân ghi giá trị sử dụng qua năm 2024 (có giá trị đến năm 2039 hoặc 2044) thì không bắt buộc phải đi đổi thẻ Căn cước, tuy nhiên có thể đi đổi bất cứ khi nào có nhu cầu.
Đối với Chứng minh nhân dân, tất cả những người đang sử dụng giấy tờ này đều nên đi đổi sang thẻ Căn cước từ ngày 01/7/2024 bởi mọi Chứng minh nhân dân đều sẽ bị khai tử, hết giá trị sử dụng từ năm 2025.
Không đổi thẻ Căn cước theo quy định bị phạt bao nhiêu?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021, công dân phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc sử dụng và cấp lại thẻ Căn cước công dân, nếu vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Các trường hợp vi phạm bao gồm:
- Không xuất trình Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
- Không thực hiện đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân trong trường hợp bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin.
- Không nộp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, khi thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thẻ Căn cước sẽ thay thế thẻ Căn cước công dân từ ngày 01/7/2024, chính vì vậy những ai không đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước theo quy định có thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Một số thay đổi trên thẻ Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024:
Đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.
Bỏ dấu vân tay, thông tin quê quán, nơi thường trú trên thẻ căn cước
Theo Điều 18. Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước
1. Thẻ căn cước gồm bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và thông tin được in trên thẻ gồm:
a) Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;
c) Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;
d) Ảnh khuôn mặt;
đ) Số định danh cá nhân;
e) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
g) Ngày, tháng, năm sinh;
h) Giới tính;
i) Nơi đăng ký khai sinh/Nơi sinh;
k) Quốc tịch;
l) Nơi cư trú;
m) Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;
n) Nơi cấp: Bộ Công an.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ căn cước, thông tin được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú và trường hợp người không có hoặc không thu nhận đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, thẻ Căn cước mới tới đây sẽ lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng.
Bộ Công an giải thích, những thông tin về vân tay, đặc điểm nhận dạng không được thể hiện trên bề mặt thẻ Căn cước, tuy nhiên vẫn sẽ được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ.
Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ Căn cước là để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ Căn cước.
Cũng theo Luật Căn cước này, thông tin về quê quán trên thẻ Căn cước sẽ bị lược bỏ và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục thông tin quê quán được thay bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh.
Trên thẻ Căn cước mới sẽ không còn thông tin nơi thường trú, thay vào đó là thông tin nơi cư trú. Quy định mới giúp cho công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, chỉ đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ Căn cước.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
3 cách rút tiền không cần dùng thẻ AMT: Nắm lấy để dùng khi cần thiết
-
Kể từ 2025, có 12 trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai mới
-
Bật đèn xe khi ra đường vào ban ngày có bị CSGT thổi phạt không?
-
Có tiền gửi tiết kiệm đừng vội ôm ngay ra ngân hàng: Làm cách này dù ít vẫn hưởng lãi suất cao
-
9 loại rau rừng mọc dại nhưng đắt như 'sơn hào hải vị', muốn mua không dễ