Từ ngày 1/7/2024 những ai sẽ được tăng lương hưu?

( PHUNUTODAY ) - Dự kiến, có một số trường hợp được tăng lương hưu khi cải cách tiền lương thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo nghị quyết 27-NQ/TW sẽ có ảnh hưởng đến thu nhập của không nhỏ bộ phận người dân Việt Nam. Nhiều người lao động và người hưởng lương hưu đang rất quan tâm đến thông tin này. Dự kiến, có một số trường hợp được tăng lương hưu khi cải cách tiền lương thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Những ai sẽ được tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024?

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, việc tính lương hưu đối với người nghỉ hưu tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được thực hiện theo công thức sau:

Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng X Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mặt khác, căn cứ Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, việc cải cách tiền lương sẽ thực hiện trên tinh thần là không làm giảm lương.

Do vậy, nếu cải cách tiền lương 2024 làm tăng lương của các đối tượng tham gia BHXH thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của các đối tượng này cũng sẽ tăng. Vì mức lương hưu được tính từ mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tỷ lệ hưởng lương hưu. Nên, nếu quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu không thay đổi, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tăng nên mức lương hưu cũng sẽ tăng theo tương ứng.

Theo những phân tích trên thì xét trong trường hợp cải cách tiền lương 2024 làm tăng lương, đối tượng được tăng lương hưu gồm những người tham gia BHXH đáp ứng các điều kiện sau:

- Đủ điều kiện hưởng lương hưu;

- Người tham gia BHXH phải nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và đã có khoảng thời gian hưởng mức lương tăng trước đó.

Hiện tại, việc có tăng lương hưu khi dự kiến cải cách tiền lương năm 2024 hay không vẫn chưa có quyết định chính thức. Tuy nhiên, với những phân tích ở trên, đây vẫn là tin vui dành cho hàng triệu người lao động, người hưởng lương hưu.

Cách xác định tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng

Cách xác định tỷ lệ % hưởng lương hưu hàng tháng phụ thuộc vào từng đối tượng là nam hay nữ hoặc là đối tượng nằm trong diện được xét hưởng chế độ đặc biệt khi bị suy giảm khả năng lao động hay không.

- Về hưu trước ngày 01/01/2018:

+ Nam: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 2%

+ Nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 3%

- Về hưu từ ngày 01/01/2018:

Nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 2%

Nam:

+ Về hưu từ 01/01/2018: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 16 năm) x 2%.

+ Về hưu từ 01/01/2019: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 17 năm) x 2%.

+ Về hưu từ 01/01/2020: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 18 năm) x 2%.

+ Về hưu từ 01/01/2021: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 19 năm) x 2%.

+ Về hưu từ 01/01/2022: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 20 năm) x 2%.

Trong đó, tỷ lệ không vượt quá 75%. Nếu số năm đóng bảo hiểm vượt quá mức hưởng 75% thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

- Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

- Thời gian có tháng lẻ từ 1 đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 đến 11 tháng được tính là một năm.

Tác giả: Vũ Thêm