Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, số phận người phụ nữ thường không do họ lựa chọn. Đặc biệt là những người bước chân vào chốn thanh lâu – nơi được xem là địa ngục hoa lệ, nơi tiếng đàn, tiếng hát vang lên mỗi đêm nhưng lại chất chứa nỗi khổ tận cùng của những kiếp người bị ràng buộc bởi số phận.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra: khi chưa có căn cước công dân, cũng không có hệ thống giám sát như ngày nay, tại sao các kỹ nữ không tìm đường bỏ trốn để thoát khỏi kiếp sống đầy cay đắng? Câu trả lời nằm ở ba sự thật đen tối – những điều mà người đời sau ít ai ngờ đến.
Bị bán vào thanh lâu: Nỗi đau bắt đầu từ gia đình
Trước hết, cần hiểu rằng, hầu hết kỹ nữ thời xưa không tự nguyện bước chân vào kỹ viện. Họ đến đó theo nhiều con đường, nhưng điểm chung là đều vì hoàn cảnh ép buộc:
Con nhà nghèo bị bán lấy tiền: Khi cái đói, cái khổ bủa vây, nhiều bậc cha mẹ đành lòng bán con gái cho tú bà để đổi lấy lương thực hay trả nợ. Từ đó, một đứa trẻ trở thành “tài sản” của kỹ viện.
Con cháu bị liên lụy bởi án phạt: Trong những vụ án đại hình, triều đình thường trừng phạt cả gia tộc. Nhiều cô gái trẻ bị đưa vào thanh lâu để làm công cụ mua vui cho quan quân, lính tráng, gọi là quan kỹ.
Tài nữ bị ép phục vụ giới thượng lưu: Một số được đào tạo ca múa từ bé để phục vụ các bữa tiệc, yến hội của thương nhân, địa chủ hay quan lại. Họ không phải gái làng chơi, nhưng cũng chẳng có tự do lựa chọn số phận.
Từ đó, cuộc sống kỹ nữ được xem là không lối thoát, và ý niệm về “trốn chạy” dù từng le lói trong tâm trí, nhưng hiếm ai đủ can đảm thực hiện.
Ba rào cản đen tối khiến họ cam chịu số phận
Dưới vẻ ngoài phồn hoa của kỹ viện là một hệ thống kiểm soát khắt khe. Không cần công nghệ giám sát hiện đại, cũng chẳng cần thẻ căn cước, thanh lâu xưa đã vận hành theo một mô hình khiến kỹ nữ không thể tự do rời đi.
1. Kỹ viện được quản lý như một “nhà tù ngầm”
Không gian kỹ viện xưa không mở rộng tự do như nhiều người tưởng. Lối vào đều có người canh gác, người ra vào được kiểm tra kỹ lưỡng. Ngoài ra, tú bà luôn cài người theo dõi mọi hành động của các cô gái. Chỉ cần có dấu hiệu bất thường như lén lút rời phòng, giấu đồ, thì ngay lập tức sẽ bị tra hỏi, thậm chí đánh đập dã man.
Một số trường hợp bị phát hiện có ý định trốn chạy đã bị xăm lên mặt, trừng phạt công khai hoặc bán cho nơi tồi tệ hơn – nơi không chỉ ép buộc tiếp khách mà còn phải làm việc như nô lệ.
2. Ràng buộc pháp lý thông qua “khế ước bán thân”
Thời xưa, người dân không có giấy tờ tùy thân như hiện tại, nhưng lại tồn tại hệ thống hộ tịch chặt chẽ. Khi bị bán vào thanh lâu, mỗi kỹ nữ đều có một khế ước bán thân được chính quyền công nhận. Điều này có nghĩa: dù có trốn thoát, thì về pháp lý, họ vẫn thuộc sở hữu của kỹ viện.
Nếu bị quan phủ phát hiện, họ sẽ bị bắt lại và xử theo tội “phá hợp đồng”. Nặng thì bị bán ra biên ải, nhẹ thì chịu đòn roi và bị quản thúc nghiêm ngặt hơn gấp bội.
3. Sự kỳ thị tàn khốc của xã hội phong kiến
Giả sử một kỹ nữ thành công thoát khỏi lầu xanh, thì cuộc sống mới cũng chẳng mấy sáng sủa. Trong xã hội trọng nam khinh nữ, kỹ nữ bị coi là “dơ bẩn”, là người làm ô uế gia phong. Dù đã hoàn lương, quá khứ đó vẫn là vết nhơ không thể xóa.
Hơn nữa, vào thời kỳ đó, cộng đồng dân cư rất nhỏ, người lạ mặt dễ bị nhận diện. Một kỹ nữ không gia đình, không hộ tịch, không chỗ dựa, rất khó để ẩn mình. Khả năng bị phát hiện và gửi trả về kỹ viện luôn cao, thậm chí còn bị hành hạ thê thảm hơn.
Gom góp từng đồng để “chuộc thân” – con đường duy nhất
Bởi những rào cản khắc nghiệt đó, đa phần kỹ nữ chọn cách cam chịu. Họ nhẫn nhịn, tiếp khách, tiết kiệm từng đồng tiền boa, từng quà tặng của khách quen, với hy vọng một ngày có thể chuộc thân. Khi đủ tiền, họ phải thương lượng với tú bà, ký lại giấy tờ và được quan phủ xác nhận rời khỏi kỹ viện.
Một số may mắn lấy được chồng, hoặc được quý nhân giúp đỡ, nhưng phần đông vẫn sống âm thầm trong quá khứ, mang theo vết thương lòng không bao giờ lành.
Tác giả: Diệp Chi