Vì sao phi tần của hoàng đế Trung Quốc mỗi bước đi đều có cung nữ đỡ tay, hóa ra đây là lí do

( PHUNUTODAY ) - Hình ảnh này quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết lý do đằng sau đó.

Trong quan niệm của người dân Trung Quốc, các phi tần của vua đều có thân phận tôn quý. Do đó, họ được các nô tỳ hầu hạ chu đáo, từ bữa ăn, giấc ngủ, cho tới việc trang điểm, đi lại. Khi xem các phim cổ trang của nước này, khán giả thường thấy hình ảnh mỗi phi tần bước đi, đều có một cung nữ bên cạnh đỡ tay. Hình ảnh này quen thuộc với khán giả nhưng không phải ai cũng biết lý do đằng sau đó.

Lý do đầu tiên là vì phi tần có người hầu bên cạnh nâng tay đỡ sẽ thể hiện quyền uy và khí thế. Dần dần hành động này trở thành một phương thức giúp các phi tần phô trương thanh thế.

Ngoài việc thể hiện đẳng cấp và sự quý phái, thẩm mỹ của người thời xưa cũng tạo nên thói quen đi đứng đặc biệt này. Điều này xuất phát tự tục bó chân “Kim liên tam thốn” (tức gót sen ba tấc) được xem là chuẩn mực cho nét đẹp của phụ nữ Hán tộc. Để sở hữu bàn chân như ý các thiếu nữ phải chấp nhận đau đớn thực hiện tục bó chân với quan niệm chân càng nhỏ càng đẹp.

Để chiều lòng đế vương, nhiều phi tần đã chấp nhận bàn chân bị biến dạng. Nhưng vì đôi chân quá nhỏ nên không thể đi đứng vững vàng như người bình thường. Vì vậy, các phi tần luôn cần một người hầu hạ luôn bên cạnh để dìu dắt từng bước.

Đến thời nhà Thanh, tục bó chân này đã bị bãi bỏ nhưng tâm lý mong bản thân đẹp đẽ, hoàn hảo trong mắt đế vương của các phi tần vẫn còn nên họ luôn thích có người hầu đi theo nâng đỡ để thể hiện sự tao nhã, yểu điệu.

Ngoài ra còn phải kể đến việc phi tần nhà Thanh thường đi hài Hoa bồn để hay còn gọi kỳ hài.. Đây là loại giày có phần đế gỗ giống như chậu hoa, được gọi là Hoa bồn để. Nữ nhân quý tộc trong cung đình thường đi giày cao 13 cm trở lên, thậm chí các thiếu nữ thường đi giày khoảng 20 - 23cm. Chiều cao gót giày tỉ lệ thuận với địa vị xã hội.

Loại giày này vừa cao vừa khó đi, chỉ cần di chuyển hơi nhanh hoặc gặp chướng ngại vật là rất dễ khiến chủ nhân vấp ngã. Thế nên, để giữ hình tượng thục nữ, các phi tần thường cần cung nữ, thái giám đỡ tay để di chuyển dễ dàng.

Để giữ thăng bằng khi mang kỳ hài, các phi tần phải giữ thẳng lưng, chân bước chậm rãi, khoan thai. Nếu gấp gáp lắm cũng chỉ có thể đi từng bước ngắn. Bên cạnh đó, họ thường vung vẩy hai tay theo chiều trước sau giúp cơ thể duy trì trạng thái cân bằng. Để thêm nét điệu đà và nữ tính, các phi tần thường cầm theo một chiếc khăn tay xinh xắn.

Các chuyên gia cho biết, rất nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến quá trình này, đặc biệt là nhiễm trùng. Băng bó chặt khiến lưu thông máu đến các ngón chân bị tắc nghẽn hoàn toàn, vết nhiễm trùng trên ngón chân không bao giờ lành, cuối cùng dẫn đến thịt thối rữa. Chưa kể đến khả năng di chuyển của phụ nữ với đôi chân băng bó bị hạn chế lớn, thậm chí nhiều người phải chịu đựng khuyết tật cả đời vì gãy xương và nhiễm trùng khủng khiếp. Đến cuối thập niên 1960 thì tục này về cơ bản đã chấm dứt.

Tác giả: Vũ Ngọc