Vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên, ai có đóng góp nhiều hơn?

( PHUNUTODAY ) - Trong vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng vua cà phê, vấn đề gây tranh cãi lớn là ai có công nhiều hơn trong sự hình thành và phát triển thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Vụ ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, các bên tập trung chất vấn nhau để làm rõ hơn công sức đóng góp, tạo dựng tài sản của từng người trong quan hệ hôn nhân của vợ chồng; luật sư (LS) các bên cũng tranh luận, đưa ra các căn cứ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ.

Ông Vũ nhận là linh hồn của Trung Nguyên

“Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập ra Trung Nguyên, thông qua việc: chọn cà phê, chọn Buôn Ma Thuột và chọn tên Trung Nguyên. Ngoài ra, xuyên suốt từ năm 1996 đến nay, ông Vũ luôn là “linh hồn” của Trung Nguyên, là người điều hành trực tiếp Tập đoàn Trung Nguyên… Vì vậy, đề xuất của bị đơn được chia theo tỷ lệ 70% – 30% trong cổ phần, phần vốn góp là chấp nhận được”, đại diện ủy quyền của ông Vũ trình bày.

Để chứng minh vai trò của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, luật sư Hoàng Hữu Nhân, bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ nêu một số căn cứ pháp lý. Trước hết là các giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan quản lý Nhà nước cấp cho Trung Nguyên từ ngày đầu.

Theo đó, giấy phép đăng ký kinh doanh năm 1996 được cấp mang tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ (ngoài ông Vũ đứng đơn xin phép kinh doanh còn có bốn người bạn đều là sinh viên). Đăng ký thay đổi kinh doanh ngày 27/11/2000 ngoài ông Vũ thì Trung Nguyên bổ sung thêm thành viên ban quản trị là ông Đặng Mơ sinh năm 1946 (là cha đẻ của ông Vũ) vừa là Ủy viên ban quản trị kiêm Phó giám đốc Trung Nguyên Cà phê. Lúc này vốn điều lệ tăng lên 3 tỷ đồng.

Tới thời điểm Đăng ký thay đổi kinh doanh lần thứ 5 ngày 2/10/2002 ngoài việc bổ sung vốn lên 14,4 tỷ đồng và thành lập chi nhánh ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng thì Trung Nguyên vẫn chỉ có hai thành viên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Đặng Mơ.

Đến ngày 2/12/2002 từ loại hình kinh doanh Hợp tác xã, Trung Nguyên Cà phê chuyển đổi lên Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, vốn điều lệ 16 tỷ đồng. Thời điểm này cũng chỉ có hai thành viên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người đại diện theo pháp luật đồng thời là tổng giám đốc. Người thứ hai là Phó tổng giám đốc Đặng Mơ. Ngoài trụ sở chính đặt tại số 268 Nguyễn Tất Thành, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên còn thành lập 4 chi nhánh ở TP.HCM; Hà Nội; Cần Thơ và Lâm Đồng.

Cũng theo luật sư của ông Vũ, 2 năm sau khi thành lập Trung Nguyên Cà phê năm 1996, vào năm 1998 ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo. Và phải 8 năm sau đó, ngày 12/4/2006 khi thành lập CTCP Trung Nguyên (trên cơ sở là Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, sau đổi tên thành CTCP Tập đoàn Trung Nguyên), bà Thảo mới tham gia là cổ đông.

Trong Đăng ký thay đổi kinh doanh lần thứ 22 ngày 10/6/2014, Trung Nguyên có vốn điều lệ công ty là 2.500 tỷ đồng. Bà Thảo cũng chỉ chiếm tỷ lệ 28% cổ phần; ông Vũ chiếm 51%; ông Đặng Mơ chiếm 10%; CTCP Cà phê Trung Nguyên chiếm 9% và ông Đặng Nhật Quang chiếm 2%.

Luật sư của ông Vũ cũng dẫn chứng thêm những căn cứ để chứng minh người sáng lập ra Thương hiệu Cà phê Trung Nguyên chỉ có ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đó là các “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” do Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp các năm 2000, 2003 và 2005 cho “Chủ giấy chứng nhận: Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên”... Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên hay Công ty TNHH cà phê Trung Nguyên đều do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, làm chủ.

Bà Thảo: Kết hôn để phục hưng Trung Nguyên

Nếu như phía ông Vũ cho rằng ông sáng lập và phát triển Trung Nguyên trước khi kết hôn với bà Thảo thì phía bà Thảo cũng đưa ra lập luận chứng minh sự ảnh hưởng của mình vào Trung Nguyên.

Luật sư Phan Hoài Trung, người đại diện pháp lý của bà Thảo, nhấn mạnh: "Hầu hết thành quả quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Tập đoàn và thương hiệu cà phê Trung Nguyên đều mang đậm dấu ấn của bà Thảo”.

Ông Trung còn nói năm 1997, ông Vũ làm ăn thất bại, thua lỗ mất trắng toàn bộ vốn, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn mà ông Vũ và gia đình không quản lý được. Chính bà Thảo đi đến quyết định kết hôn vào năm 1998 để lo cho sự nghiệp của gia đình.

Về xuất phát điểm tài sản của Trung Nguyên, tại phiên tòa cuối tuần trước người đại diện của bà Thảo cũng hỏi ông Vũ rằng trước khi hết hôn, ông Vũ có tài sản gì, trị giá bao nhiêu? Câu hỏi này đã không có câu trả lời. 

Dẫn lại loạt diễn tiến của Trung Nguyên, đại diện của bà Thảo tại tòa "khẳng định trong một chừng mực nhất định, bà Thảo có vai trò và công sức đóng góp không chỉ ngang bằng mà còn là chính yếu trong quá trình tạo lập, duy trì và phát triển thương hiệu cà phê Trung Nguyên, vào khối tài sản chung của vợ chồng là vốn cổ phần và giá trị tài sản thực tế của Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty có liên quan”.

Bà Thảo cho biết cơ sở Trung Nguyên ra đời với số vốn đăng ký là 2 triệu đồng. Đến năm 1997 Trung Nguyên thất bại nặng nề tại thị trường Long Xuyên và trở về trắng tay. Cũng từ bước ngoặt này, năm 1998, bà nhận lời cầu hôn của ông Vũ và góp vốn xây dựng Trung Nguyên. Năm 1999, thành lập Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên có trụ sở chính tại 268 Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Mê Thuột. Đây là giấy tờ đăng ký tư cách pháp nhân đầu tiên của Trung Nguyên.

“Năm 2000, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng Chi nhánh Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên tại TP.HCM, tại địa chỉ 587 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM, được giao phụ trách chính việc điều hành và phát triển hệ thống franchise cho Trung Nguyên. Trong hơn 1 năm, từ 1999 đến 2000, Trung Nguyên có khoảng 500 quán cà phê trên toàn quốc. Chúng tôi cũng chọn tên Trung Nguyên cho đứa con đầu lòng của mình như nguyện ước đồng hành trong công việc và gia đình” - bà Thảo viết. 

Bà cũng thông tin năm 2008, bà sang Singapore lập Trung Nguyên International đứng tên Lê Hoàng Diệp Thảo và lần đầu đưa Trung Nguyên phát triển ở tấm quốc tế. Năm 2009, thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên và là cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị và Phó tổng giám đốc của Công ty này. Đến năm 2010, bà vẫn giữ vai trò Phó tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Trung Nguyên.

Đi kèm thông tin này là là các quyết định bổ nhiệm cá nhân bà Thảo cũng như chứng từ đóng góp cổ phần cho ba mẹ chồng. Các chứng từ góp vốn được ký năm 2005.

Xét công sức đóng góp, xét ông Vũ thành lập công ty, bà Thảo cho rằng bà có góp tiền nhưng không có chứng cứ chứng minh tại tòa, bà Thảo cũng đề nghị chia cho ông Vũ nhiều hơn 100 tỷ đồng.

Về vai trò, bà Thảo vừa chăm sóc con cái, tham gia công ty, được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc.

Từ những lẽ này, VKS đề nghị HĐXX phân chia tỷ lệ phù hợp, không ảnh hưởng hoạt động bình thường tại các công ty. 

Rút đơn xin ly hôn có “đảo ngược” tư cách tố tụng ?

Sau thời gian HĐXX thuyết phục, hòa giải mối quan hệ hôn nhân giữa các bên, bà Thảo cho biết sẽ rút đơn xin ly hôn. Tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý và đề nghị HĐXX tiếp tục giải quyết các yêu cầu phản tố của mình.

HĐXX giải thích, nếu bà Thảo rút đơn xin ly hôn, ông Vũ giữ nguyên yêu cầu phản tố, thì tư cách tố tụng các bên sẽ bị thay đổi (ông Vũ sẽ là nguyên đơn và bà Thảo là bị đơn trong vụ việc tranh chấp). Ngay sau đó, bà Thảo quyết định chỉ rút đơn xin ly hôn, vẫn yêu cầu phân chia tài sản.

Về phát sinh “hiếm gặp” này, LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho biết điều 245, bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thay đổi địa vị tố tụng nếu trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố, thì bị đơn mới trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn. Tuy nhiên, trong vụ việc này, bà Thảo chỉ rút một phần yêu cầu khởi kiện, là đơn xin ly hôn, nên HĐXX chỉ đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu đương sự đã rút, đồng thời tư cách tố tụng các bên không bị thay đổi.

Cũng trong chiều qua, bà Thảo trình bày do ông Vũ không đồng ý hàn gắn hôn nhân nên bà không rút đơn xin ly hôn và giữ nguyên toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với ông Vũ.

Tác giả:

Tin nên đọc