Không phải con mình thì không được phép nuôi giữ nếu bố mẹ đứa trẻ không đồng ý. Về mặt pháp lý là như vậy. Còn về cả pháp lý lẫn tình cảm, thì người mẹ nào cũng vậy, khi biết con mình dứt ruột đẻ ra đang bị trao nhầm cho người khác nuôi, việc đầu tiên họ nghĩ đến là phải đón cháu bé về lại với mình, để chăm bẵm, để bù đắp yêu thương cho nó.
Lẽ thường là như thế. Ai cũng nghĩ được như thế. Không chỉ người ngoài cuộc vốn tỉnh táo và khách quan đang theo dõi vụ việc, mà tôi tin rằng, những người cha, người mẹ trong câu chuyện này cũng đều nghĩ được điều đó.
Nhưng, đến giờ, sau khi phát hiện đứa trẻ mình đang nuôi không phải con đẻ từ khá lâu, chị Vũ Thị Hương vẫn chưa đồng ý trả lại con cho gia đình anh Phùng Giang Sơn, chị Phùng Thị Hiền, tôi nghĩ chắc chắn có những ẩn ức phía sau.
Đong đếm những tổn thất tâm lý, tinh thần, vật chất của gia đình hai bên, của hai người mẹ trong trường hợp này là không nên. Nhưng thực tế cho thấy, cũng chính vì sự nhầm lẫn không đáng có này mà chị Hương đã tan nát gia đình, ảnh hưởng cả cơ đồ, sự nghiệp. Đó mới là cú sốc lớn nhất, đau đớn nhất, khiến chị chưa muốn tin vào sự thật.
Và dù có cố tin đi chăng nữa, thì chị cũng chưa biết phải ứng xử với nó như thế nào. Chị đã quá đau đớn sau thời gian dài bị chồng nghi ngờ mình sinh con với người khác, đến mức phải ly hôn.
Giờ, sự thật kia dù có sáng tỏ đi chăng nữa, liệu có khiến chị được thanh thản không? Có giúp chị ngay lập tức lấy lại được niềm hạnh phúc làm vợ, làm mẹ, làm người đoan chính trong con mắt của mọi người trước đây đã từng nghi kỵ, dè bỉu?!?
Có những người thuần lý tính, hoặc chỉ nghe sự chia sẻ cảm xúc từ phía gia đình anh Sơn, đã vội vàng phán xét, chê trách chị Hương, đòi phải xử lý theo những điều khoản pháp lý để buộc chị phải trao trả cháu bé.
Tôi cho rằng đó là điều không nên. Chẳng người mẹ nào chối bỏ giọt máu mình dứt ruột đẻ ra. Ngày nào, con mình đẻ ra vẫn nằm trong vòng tay của người khác, tôi nghĩ, là ngày chị vẫn chưa thể sống thanh thản, bình yên.
Bản thân chị Hương cũng lo lắng rằng hai đứa trẻ sẽ không thể chấp nhận được ngay sự thật này.
“Thực tâm, đến giờ ngay bản thân tôi cũng chưa thể chấp nhận được sự thật, nữa là các con. Tôi không phải muốn gây khó dễ cho gia đình anh Sơn hay phía bệnh viện mà bản thân tôi muốn có thêm thời gian. Nhìn con ruột của tôi mà anh Sơn đang nuôi nấng tôi cũng xót, cũng thương và cũng muốn đoàn tụ con lắm chứ, nhưng bản thân tôi chưa thể bình tâm. Việc này quá đường đột”, chị Hương nói.
“Tôi mong gia đình anh Sơn hãy hiểu và thông cảm cho tôi. Xin hãy cho tôi và M. có thời gian để chấp nhận sự thật này. M. là người sống tình cảm và cá tính, nếu giao con vào lúc này tôi tin chắc cả hai bé sẽ chưa thể chấp nhận gia đình mới của mình. Nếu vẫn cố tình giao, các cháu có thể phản ứng, thậm chí trong trường hợp xấu nhất là bỏ nhà đi”, chị Hương nói.
Điều tôi mong muốn nhất, là hai bên gia đình tìm cách nào đó để được ở gần nhau, thường xuyên, liên tục. Từ đó, sẽ tạo cho những đứa con làm quen từ đầu với người mẹ đích thực của mình, để hai đứa trẻ trở thành bạn bè, anh em. Giờ các cháu đã biết sự thật, chắc cũng đang hoang mang, lo lắng, "sốc" lắm.
Vì vậy, hãy quan tâm, động viên, trấn an các cháu. Hãy tiếp tục yêu thương chúng như đã từng yêu, và bù đắp cho đứa con ruột thịt của mình bằng tất cả những tình cảm mà bấy lâu đã chưa làm được. Có tình yêu, sự quan tâm, chia sẻ thật lòng, chắc chắn, những đứa trẻ kia sẽ dần dần quen với sự thật, từ đó có những tình cảm, ứng xử hợp lý.
Tác giả: