Xe máy chuyển hướng không xi nhan bị phạt bao nhiêu tiền theo quy định mới nhất 2024

( PHUNUTODAY ) - Xe máy chuyển hướng không xi nhan là lỗi mà rất nhiều người lái xe gặp phải khi tham gia giao thông. Lỗi này sẽ bị xử phạt như thế nào?

1. Xe máy xi nhan chuyển hướng thế nào mới đúng quy định?

Theo Khoản 1 Điều 13 và Khoản 1, 2 Điều 15 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về sử dụng làn đường và chuyển hướng xe như sau:

- Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước (hay còn gọi là đèn xi nhan) và phải bảo đảm an toàn.

- Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

Khi tham gia giao thông người điều khiển xe máy cần tuân thủ quy định

- Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

Như vậy, xi nhan là tín hiệu báo hướng rẽ của phương tiện giao thông. Khi tham gia giao thông người điều khiển xe máy cần tuân thủ quy định về làn đường và tín hiệu báo hướng (xi nhan), giảm tốc độ, chú ý quan sát và chủ động nhường đường để đảm bảo an toàn khi chuyển hướng.

2. Mức phạt xe máy chuyển hướng không xi nhan mới nhất 2024

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức);

- Điều khiển xe rẽ trái tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ trái đối với loại phương tiện đang điều khiển;

- Điều khiển xe rẽ phải tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ phải đối với loại phương tiện đang điều khiển;

Như vậy, trường hợp người điều khiển xe máy không xi nhan khi chuyển hướng thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

3. Xe máy tham gia giao thông phải đáp ứng điều kiện gì?

Theo quy định tại Điều 52 Luật giao thông đường bộ 2008 thì xe máy khi tham gia giao thông cần phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

- Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

- Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

- Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

- Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

- Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;

- Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

- Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

Lưu ý: Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Như vậy, để đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì xe máy khi tham gia giao thông cần đáp ứng các điều kiện trên trong đó có đèn tín hiệu (xi nhan).

4. CSGT có được giữ giấy tờ không?

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nếu phạm lỗi không xi-nhan, một số trường hợp người điều khiển phương tiện có thể bị giữ giấy tờ, cụ thể:

Khi không xi-nhan, người điều khiển sẽ máy sẽ bị tạm giữ giấy phép lái xe 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.

Trong khi đó, ô tô không xi-nhan khi chuyển hướng, rẽ..., người điều khiển có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Cụ thể, tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, trường hợp vượt xe không xi-nhan hoặc chuyển làn đường trên đường cao tốc nhưng không xi-nhan báo hiệu trước sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

5. Lỗi không xi-nhan có cần hình ảnh không?

Theo Thông tư 01/2016/TT- BCA của Bộ Công an quy định; nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra; kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT đã quy định rõ; chỉ một số lỗi vi phạm giao thông bắt buộc phải ghi lại hình ảnh; người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông; mới có thể lập biên bản, ra quyết định xử phạt được.

Đối với lỗi người điều khiển không bật xi-nhan khi chuyển làn, cán bộ, chiến sỹ CSGT là người làm nhiệm vụ bằng mắt thường phát hiện vi phạm và tiến hành dừng xe thông báo vi phạm, tiến hành lập biên bản xử lý và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản đó.

6. Một số lưu ý khi sử dụng đèn xi nhan

- Đèn xi nhan phải hoạt động bình thường, không bị hỏng (nên kiểm tra đèn xi nhan, đèn chiếu sáng trước khi lưu thông);

- Luôn bật đèn xi nhan khi chuyển hướng, rẽ trái/phải, quay đầu, vượt xe;

- Sử dụng đèn xi nhan cách thời điểm thực hiện chuyển hướng khoảng 30-50m để đảm bảo các phương tiện xung quanh có thời gian nhận biết và phản ứng kịp thời, chuẩn bị nhường đường hoặc điều chỉnh tốc độ phù hợp nếu không nếu không sẽ dễ xảy ra tai nạn (Vì có nhiều trường hợp người lái xe xi nhan rồi rẽ liền khiến người đi sau phản ứng không kịp gây tai nạn);

- Tắt đèn xi nhan ngay sau khi hoàn thành việc chuyển hướng vì nếu quên tắt có thể gây hiểu lầm cho người điều khiển phương tiện phía sau;

- Chú ý quan sát, xử lý nhường đường an toàn khi bật đèn xi nhan chuyển hướng.

Tác giả: Vũ Ngọc