Xét xử người phụ nữ đốt bình gas, hành hung công an vì không đồng thuận việc thu hồi đất

( PHUNUTODAY ) - Ngày 20/11, TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thị Thúy (SN 1971, quê Hà Nam) ra xét xử tội Chống người thi hành công vụ.

Báo Vietnamnet đưa tin, ngày 20/11, TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thị Thúy (SN 1971, quê Hà Nam) ra xét xử tội Chống người thi hành công vụ. Tội danh và hình phạt được quy định tại điều 257, khoản 1, bộ luật Hình sự.

Trước đó, vào tháng 7/2017, UBND quận Hoàng Mai có kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân không chấp hành quyết định thu hồi đất và không bàn giao mặt bằng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt tại phường Thịnh Liệt.

Trong ngày 18/8/2017, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy và gia đình bà Hoàng Thị Hương (cùng ở số 60, ngách 143/190, tổ 42, Thịnh Liệt) đã chống đối, dùng xăng đe dọa tự thiêu nên việc cưỡng chế thu hồi đất của 2 hộ này phải tạm dừng.

Bị cáo tại tòa

Sau đó, Công an quận và UBND quận Hoàng Mai đã phải lên phương án cưỡng chế thu hồi đất đối với 2 hộ gia đình này.

Khoảng 8 giờ ngày 29/8/2017, tổ công tác giải phóng mặt bằng gồm UBND quận Hoàng Mai, Công an quận Hoàng Mai và UBND phường Thịnh Liệt, cùng một số ban ngành khác triển khai quyết định cưỡng chế.

Sau khi tổ công tác đọc các quyết định cưỡng chế và tuyên truyền vận động những người có mặt trong nhà bà Thúy và bà Hương chấp hành pháp luật để thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quy định, bà Thúy cùng người mẹ mù lòa là bà Nguyễn Thị Vân đã khóa cửa, cố thủ trong nhà, không chấp hành. Còn nhà bà Hương thì khóa cửa, không có ai trong nhà.

Trước tình huống trên, lực lượng cưỡng chế đã phải chia làm 2 tổ công tác. Một tổ lên nóc nhà bên cạnh, sát ban công tầng 2, phía sau nhà bà Thúy để vận động bà chấp hành.

Bà Thúy không chấp hành mà còn lấy 2 bình gas loại 12 kg (đã hết gas) và bình gas 14 kg (có gas, đang sử dụng) từ trong nhà, lôi ra ban công, trên tay cầm bật lửa.

Khi tổ công tác định cắt song sắt ban công để vào cưỡng chế, bà Thúy bật lửa, vặn van của 2 bình cho xì gas và chửi bới, đe dọa tổ công tác, nếu vào cưỡng chế sẽ cho nổ tung.

Thấy vậy, một người trong tổ công tác đã dùng bình chữa cháy xịt về phía bình gas để ngăn chặn phòng ngừa cháy  nổ. Lúc này, bà Thúy bê 1 bình gas còn lại chạy vào trong nhà.

Tổ công tác thứ 2 đứng trước cửa tìm cách vào nhà khống chế bà Thúy cùng người trong gia đình, đưa ra ngoài để tránh sự cố nổ bình gas, gây hỏa hoạn.

Khi nhóm công an quận Hoàng Mai vào được nhà thì phát hiện bà Thúy đang đứng cạnh bình gas, ở cầu thang tầng 2, trên tay cầm thanh gỗ với thái độ hung hăng, khua khoắng, không cho tổ công tác tiếp cận, đưa ra ngoài.

Sau những phút căng thẳng chống đối, đánh trả lực lượng chức năng, bà Thúy bị khống chế đưa về trụ sở Công an phường để lập biên bản.

Theo thông tin trên báo Tiền phong, diễn biến tại tòa cho thấy, Thúy vốn quê ở Hà Nam nhưng lên Hà Nội sinh sống và mua hơn 30m2 đất nông nghiệp để làm nhà ở. Mảnh đất được Thúy mua năm 2011 với giá gần 700 triệu tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) và có nộp thuế sử dụng đất đều đặn.

Tuy nhiên, bà Thúy không biết mảnh đất nhà mình thuộc diện giải phóng mặt bằng để xây dựng khu đô thị mới Thịnh Liệt theo một quyết định từ năm 2004. Khi biết nhà mình bị thu hồi, người phụ nữ đã “mặc cả” giá tiền từ 400 đến 600 triệu đồng nhưng phía dự án chỉ bồi thường theo giá đất nông nghiệp, tương ứng 65 đến hơn 80 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Căn – Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Hoàng Mai cho HĐXX biết, chính quyền địa phương cũng có lỗi khi để các hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp nhưng không ngăn chặn. Sau đó, chính quyền quyết định nâng mức bồi thường cho các hộ này tương ứng 30% giá đất ở. Như vậy, mức đền bù cho nhà của Thúy và 1 gia đình khác cùng trên một mảnh đất vào khoảng 117 triệu đồng.

Tại tòa, ông Nguyễn Văn Đức – Phó chủ tịch phường Thịnh Liệt cho biết đã nhiều lần vận động gia đình Thúy GPMB  nhưng không được chấp nhận. Bị cáo Thúy cũng không thông báo lên UBND phường việc mua bán đất năm 2011.

Bị cáo Thúy giải thích: “Tài sản duy nhất của bị cáo là ngôi nhà, mất nó bị cáo không biết đi đâu. Bị cáo không chấp nhận việc coi nhà bị cáo như mớ rau mà dự án mặc cả bồi thường từ 60 lên 80 rồi lại 300 triệu”.

Được hỏi lý do chống lại lực lượng công an, Nguyễn Thị Thúy vừa khóc vừa nói: “Mẹ bị cáo bị mù, rời nhà ra 2 mẹ con không biết đi đâu. Bị cáo mong người ta đừng lấy nhà bị cáo… Nếu không phải bồi thường, xung quanh thế nào bị cáo xin nhận như vậy”.

Bà Thúy không thừa nhận việc gây sức ép nhằm nâng giá tiền đền bù căn nhà của mình. Tuy vậy, chủ tọa phiên tòa đưa ra nhiều tài liệu chứng minh việc này.

Tác giả:

Tin nên đọc