Xóa tan nỗi lo tóc bết bằng các mẹo đơn giản này tại nhà, vài phút đã hiệu quả bất ngờ

( PHUNUTODAY ) - Có rất nhiều nguyên nhân khiến tóc bạn nhanh bết, hãy học ngay 5 mẹo này để có được mái tóc suôn mượt cả ngày.

Mái tóc rất hay bị bẩn và bết dính do tác động của môi trường hoặc do thời tiết, đặc biệt là vào mùa mưa ẩm hoặc hoạt động thể dục thể thao hằng ngày. Khi tóc bạn vẫn bị bẩn và bết dính dù đã chăm chỉ gội đầu, thì nguyên nhân chỉ có thể là: bạn không biết cách gội đầu và chăm sóc tóc đúng cách. Dưới đây là những phương pháp chăm sóc đơn giản nhất bạn có thể tham khảo:

1. Xịt dưỡng trước khi gội đầu

Xịt dưỡng tóc (hay sử dụng dầu dưỡng tóc) là một trong những sản phẩm chăm sóc tóc có chứa những dưỡng chất cụ thể để cung cấp độ ẩm cho tóc, giúp phục hồi và chăm sóc tóc. Với cơ chế xịt phun sương giúp cho các dưỡng chất thẩm thấu vào các sợi tóc, có hiệu quả nhanh chóng sau khi xịt, giúp tóc mềm mượt và chắc khỏe.

Hãy để vòi xịt cách mái tóc một khoảng vừa đủ để dung dịch dạng sương rải đều trên tóc, không nên để xa quá vì có thể các dưỡng chất sẽ bay ra ngoài không khí mà không tới được tóc. Nên xịt tóc đều tay để mỗi lần xịt sẽ cho ra liều lượng như nhau.

Để các dưỡng chất có thể thấm sâu hơn vào tóc của bạn, các chị em hãy sử dụng trước mỗi lần gội đầu để có kết quả tốt nhất. Trước khi sử dụng, hãy lắc kỹ bình xịt dưỡng tóc rồi xịt đều lên toàn bộ mái tóc. Vừa xịt vừa chải tóc sẽ là cách giúp mọi sợi tóc tiếp xúc đều với dung dịch, giúp phục hồi tóc hư tổn. Không nên xịt quá nhiều sẽ làm cho tóc dễ bết dính và khiến tình trạng tóc tệ đi.

2. Gội đầu thường xuyên

Đầu tiên, bạn nên chọn loại dầu gội thích hợp cho tóc nhờn, đó là loại giúp bạn loại bỏ dầu dư thừa mà không làm tóc bạn bị khô. Có thể bạn sẽ phải thử qua vài loại mới tìm được dầu gội thích hợp với mình nhất, hãy thật kiên nhẫn hoặc bạn có thể tìm một chuyên gia chăm sóc tóc để được tư vấn.

Tạo bọt trước khi gội đầu, không nên đổ trực tiếp dầu gội lên tóc là một việc làm hoàn toàn sai, gây ảnh hưởng không tốt đến tóc và da đầu. Bởi vì lượng dầu gội sẽ phân bố không đồng đều, khiến da đầu không được làm sạch hoàn toàn. Đối với các da đầu nhạy cảm, việc tiếp xúc trực tiếp với dầu gội sẽ tăng nguy cơ gây kích ứng. các “đám mây” bọt bồng bềnh hoạt động như một thỏi nam châm chứa ion+ hút các bụi bẩn và dầu thừa (ion-). Đồng thời, việc tạo bọt còn giảm bớt được phần nào độ kiềm có trong dầu gội, giúp giảm kích ứng từ dầu gội và dịu nhẹ hơn với các bạn có da đầu nhạy cảm sẽ giúp bạn gội đầu đúng cách hơn.

Tiếp đó, chúng ta nên thoa bọt của dầu gội lên da đầu trước rồi mới làm sạch phần ngọn tóc. Bởi lẽ, chân tóc là nơi tích tụ dầu thừa và bụi bẩn. Nếu chân tóc được làm sạch, mái tóc sẽ khỏe hơn và giảm được tình trạng tóc yếu dẫn đến rụng tóc. Các bạn chỉ nên dùng ngón tay massage nhẹ nhàng phần da đầu để làm sạch dịu nhẹ các bụi bẩn và dầu thừa. Chúng ta không nên dùng móng tay, hay dùng lực quá mạnh cào xước da đầu sẽ khiến da đầu bị kích ứng và gây ảnh hưởng không tốt đến chân tóc.

3. Dùng dầu xả đúng cách

Cách sử dụng dầu xả đúng nhất và được các salon khuyên dùng đó chính là: phải bôi ở phần đuôi tóc chứ không phải ở chân tóc và da đầu. Một số người không có thói quen dùng dầu xả sau khi gội đầu, còn một số người lại dùng quá thường xuyên. Cả 2 cách trên đều không tốt, bạn chỉ nên sử dụng 1 tuần 1 lần. 

- Nếu tóc bạn dễ bị khô rối thì có thể dùng một chút dầu oliu thoa lên tóc nhưng tránh không thoa vào chân tóc và da đầu. 

- Nếu tóc bạn rất dầu thì có thể không dùng dầu xả cũng được, nhưng để tóc không bị khô thì bạn nên dùng ở phần đuôi tóc.

Chúng ta thường có thói quen dùng ngay dầu xả ngay sau khi gội đầu mà không thấm khô lượng nước còn đọng lại trên tóc. Bởi lẽ, hầu hết các dầu xả trên thị trường đều có gốc dầu giúp dưỡng tóc bồng bềnh và mềm mượt, hoặc hỗ trợ chữa trị các vấn đề do việc tạo kiểu tóc gây nên. Theo đặc tính: Dầu nổi trên nước, nên chúng ta phải làm ráo bớt nước trên tóc để dầu xả có thể bám được lên tóc mà không trôi tuột đi. 

Nên để dầu xả trên tóc khoảng 3 phút hoặc hơn để các dưỡng chất trong dầu xả có thời gian thấm vào từng sợi tóc. Sau đó, dùng mũ chụp tóc trong lúc dùng dầu xả sẽ tốt hơn cho quá trình dưỡng tóc. Ít ai biết rằng, mũ chụp tóc sẽ ngăn nhiệt độ trên đầu thoát ra ngoài và chính nhiệt độ ấy sẽ đẩy dưỡng chất thấm sâu vào từng sợi tóc hơn.

4. Lau tóc thật nhẹ nhàng

Sau khi xả tóc với nước sạch, bạn không nên dùng khăn dày để chà xát tóc, bởi khi tóc ướt chính là lúc tóc yếu nhất, nên việc chà xát như vậy sẽ khiến tóc bị tổn thương, dẫn đến gãy rụng.

Đừng nghĩ khăn tắm to và dày là tốt, vì lẽ, khăn tắm dày, to chỉ thích hợp cho da trên cơ thể chúng ta còn với tóc thì nó hoàn toàn không phù hợp. Làm khô tóc bằng cách chà xát với những chiếc khăn như thế tóc của bạn sẽ bị kéo căng ra và bị đứt. Thay vào đó, hãy sử dụng những chiếc khăn có sợi mềm, mỏng hoặc thậm chí có thể sử dụng một chiếc áo thun sạch để lau. Khăn càng mềm càng tốt cho tóc. Nhẹ nhàng làm khô tóc thay vì sử dụng quá nhiều lực với tóc.

5. Sấy tóc

Một trong những bí quyết để có được mái tóc dài, dày và bồng bềnh là: Sau khi thấm ráo nước bằng khăn bông và để khô tự nhiên khoảng 60% rồi mới sấy tóc cũng là một trong những quy trình gội đầu đúng cách. 

Để có một mái tóc trông dày hơn, bạn nên sấy ngược từ dưới lên và xoay theo vòng tròn cho đến khi tóc còn hơi ẩm. Sau đó mới lấy lược chải đầu. Tiếp đó lại sấy khô theo chiều từ trên xuống. Bạn có ngôi tóc ở bên nào thì lật ở hướng ngược lại mà sấy cho tóc có độ phồng, rồi hất tóc lại, đợi cho tóc khô hẳn. 

Thông thường máy sấy thường có hai chế độ khác nhau gồm: sấy nóng và sấy mát. Với chế độ sấy nóng, tóc của bạn sẽ dễ bị hư tổn bởi nhiệt độ cao. Ngược lại, chế độ sấy mát chỉ thổi ra gió, không kèm nhiệt sẽ giúp tóc bạn được bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của chế độ này là khiến bạn mất nhiều thời gian để sấy tóc hơn.

Một mái tóc bết dính không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà còn khiến chúng ta mất tự tin, nguyên nhân có thể do tuyến mồ hôi hoặc do bạn lựa chọn các sản phẩm dưỡng tóc không phù hợp cũng như là việc gội đầu không đúng cách. 

Tác giả:

Tin nên đọc