Ngừng gắn kết
Hãy nhớ, chồng hoặc vợ là “đối tác trọn đời” của bạn. Điều này có nghĩa là tất cả các quyết định liên quan đến cuộc sống của bạn đều cần phải được thực hiện cùng nhau, thông qua suy nghĩ, quan điểm và xem xét cùng nhau.
Khi bạn ngừng gắn kết (cả về thể xác lẫn tinh thần), bạn coi như mình chỉ có một mình, tự ý đưa ra mọi quyết định mà không cần tham khảo hay hỏi ý kiến người kia, bạn vô tình loại họ ra khỏi guồng quay của hôn nhân, giữa vợ và chồng sẽ có khoảng cách và chuyện xảy ra bất hòa, thậm chí là ngoại tình sẽ diễn ra.
Không ngừng đổ lỗi cho người khác
Cuộc sống có nhiều thăng trầm và hôn nhân cũng vậy. Đôi khi chúng ta muốn đổ lỗi cho ai đó hoặc một cái gì đó trước vấn đề không như ý xảy ra. Nhưng bằng cách đó bạn đang làm cho người còn lại cảm thấy khó chịu, nhất là khi bạn đổ lỗi lên chính họ.
Khi bạn không chịu thừa nhận cái sai của mình, đổ lỗi cho bạn đời, bạn sẽ tạo ra sự bất mãn và không hài lòng. Nó làm cho mối quan hệ vợ chồng của bạn xấu đi.
Hãy nhớ, hiểu đúng vấn đề, công tâm và sẵn sàng thừa nhận cái sai của mình. Sẵn sàng thỏa hiệp và xem xét quan điểm của chồng/vợ là một cách để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Luôn kể lể và tiêu cực về mọi thứ
Hôm nay bạn cắt tóc bị hỏng, con cái bày bừa ra nhà sau khi bạn vừa dọn dẹp, hôm nay bạn bị sếp khiển trách hay vừa cãi nhau với cô bạn đồng nghiệp xong… Mỗi ngày bạn có một núi vấn đề khó chịu, và nếu bạn đem những điều ấy kể lể và trút hết sự bực tức dồn nén lên chồng bạn thì không ổn chút nào đâu. Hãy thử tưởng tượng, sau một ngày đi làm mệt mỏi, đáng lẽ ra anh ấy muốn về nhà với nụ cười của bạn, vòng tay của lũ trẻ và một bữa cơm gia đình ấm cúng thì lại phải đối mặt với một tràng bức xúc. Lúc ấy ai còn có thể thoải mái tận hưởng cuộc sống gia đình nữa. Nếu đôi khi bạn tiêu cực và khó chịu về mọi thứ thì được thôi không sao, ai mà chẳng có lúc này lúc khác, tuy nhiên nếu việc ấy lặp lại thường xuyên thì chẳng mấy chốc ông xã sẽ chán vợ và nguyên nhân thì như chúng ta đã đề cập bên trên rồi đấy.
Mâu thuẫn về tiền bạc
Cuộc sống vật chất khó khăn, tiền bạc thiếu trước hụt... là nguyên nhân tan vỡ của không ít gia đình, có thể khiến cho một tình yêu rất đẹp đẽ, mãnh liệt cũng không chống cự nổi. Những mối lo cơm áo gạo tiền khiến con người ta dễ bực bội, nổi cáu dẫn đến xích mích gây gổ nói chi đến chuyện quan tâm, chăm sóc nhau.
Vì tiền hay nói đúng hơn là vì thiếu tiền, hoặc vì chuyện phân phối tiền không công bằng theo quan điểm của vợ hoặc chồng dẫn đến các cặp vợ chồng hay chia tay nhau. Thông thường, nguyên nhân chính gây ra các cuộc cãi lộn trong gia đình, không hẳn là mức sống mà là phương thức chi tiêu tiền. Vì vậy trước khi dắt díu nhau ra toà các bạn hãy đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc xã hội học, để hướng dẫn kế hoạch hoá ngân sách gia đình.
Biến mình trở thành trung tâm
“Tại sao anh không làm những điều như em nói vậy?”, “Tại sao anh không làm việc nhiều như em?”, “Cứ mỗi lần xảy ra khó khăn là chỉ có mình em phải gánh chịu là sao?”…
Chúng ta đều là con người và đôi khi chúng ta thường bị cái “Tôi” đè nặng. Khi điều này lặp đi lặp lại trong hôn nhân, nó là một hiểm họa lớn.
Khi bạn liên tục nghĩ về cái “Tôi”, bạn sẽ dần dần nghĩ ít hơn về cái “Chúng tôi” và bạn đang tự tạo ra khoảng cách với chồng/vợ của mình. Đừng quá đề cao bản thân và nhấn mạnh vào những cái đối phương chưa làm được rồi cho rằng họ vô tích sự. Hãy quan tâm tới việc hai vợ chồng cùng nhau làm và đừng cho rằng ý kiến của mình là nhất.
Phê bình và so sánh trong hôn nhân
Phê bình là công việc của những người cầm bút để kiếm sống. Đó không phải là một phần cần có trong quan hệ vợ chồng. Việc bạn giúp bạn đời sửa chữa sai lầm và hoàn thiện bản thân là điều hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, đừng liên tục lôi những điểm chưa hoàn hảo của anh ấy/cô ấy ra để phê bình và so sánh với bất kì ai. Điều đó sẽ chọc tức và khiến "đối tác" thấy mình bị xúc phạm quá mức. Một lần, hai lần có thể là bình thường những tới lần thứ mười mấy thì sẽ có chuyện xảy ra.
Xung khắc tính nết, không tìm được điểm chung
Một số cặp vợ chồng không gặp bất cứ khó khăn gì khi thống nhất với nhau về mọi việc trong cuộc sống, nhưng ngược lại, lại có những đôi chẳng thể tìm được điểm chung. Ở những đôi này, mọi thứ thường bắt đầu khá tốt đẹp, bởi sự khác biệt ý kiến về mọi thứ khiến họ cảm thấy thú vị và điều đó tạo sự thu hút, hấp dẫn hai người với nhau.
Tác giả: Thạch Thảo