“Cái trống thiếc” của Phạm Đức Tuấn

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tôi tin rằng, cũng giống như nhiều người khác, Tuấn cũng có những khoảnh khắc chênh vênh. Nhưng chưa bao giờ anh ngã!

(Phunutoday) - Cuộc trò chuyện của tôi và Đức Tuấn diễn ra có phần rời rạc. Tôi có cảm giác cả hai chúng tôi đang cố trơi trò rượt bắt nhưng tôi không bao giờ đuổi kịp Tuấn bởi anh quá thông minh và khôn khéo. Tôi “tóm” được Tuấn đúng vào cái khoảnh khắc, cả hai chúng tôi trở lại với tuổi thơ của chính mình. Khoảnh khắc mọi toan tính, dè chừng của người lớn trở thành vô nghĩa trước những ký ức trong veo.

[links()]

 

Cuộc hẹn Tuấn dành cho tôi diễn ra chớp nhoáng trước đêm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy diễn ra tại Nhà hát Lớn. Tôi phải tự thú nhận rằng, tôi là một trong những người ái mộ âm nhạc của Phạm Duy qua giọng hát của Đức Tuấn. Đó là lý do đầu tiên khiến tôi muốn trò chuyện với Tuấn. Bởi, hầu hết đồng nghiệp của tôi đều “sợ” Tuấn, “sợ” cái sự quá an toàn đến mức biến những cuộc trò chuyện trở nên nhạt nhẽo.

Khác với trí tưởng tượng của tôi, Tuấn của đời thực không già dặn, không nghiêm túc như những gì khán giả vẫn thường thấy trên sân khấu mà có phần hơi... nhí nhảnh. Tôi suýt phì cười khi nhìn thấy một chàng thanh niên trẻ bận đôi giày thể thao vàng chóe, quần jean, áo thun xuống xe ôm và tung tăng nhảy chân sáo vào Nhà hát Lớn.

Hai từ “trẻ con” bật ngay ra trong đầu tôi khi nhìn thấy hình ảnh đó. Nhưng khi chúng tôi trò chuyện với nhau, ý nghĩ đó nhanh chóng bị nhấn chìm bởi một Đức Tuấn khác: Khôn ngoan, tỉnh táo và có phần kiêu bạc. Đó là con người mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy trên sân khấu. Và cái thành trì quá dày đó, ngăn tôi không thể nào “tóm” được Tuấn trong trò chơi cút bắt.

Những câu hỏi về tình yêu, về công việc – được Tuấn đáp lại bằng những câu trả lời ngắn, khô không khốc và rất ít thông tin có thể sử dụng bởi cái tôi cần lại chẳng phải là những thứ na ná giống nhau mà nhiều đồng nghiệp của tôi đã từng tung lên mặt báo.

 

Khi cuộc trò chuyện của chúng tôi, tưởng chừng rơi vào ngõ cụt, thì bỗng nhiên cái hình ảnh một Đức Tuấn nhảy chân sáo khi nãy quay trở lại. Tôi tóm lấy nó giống như một chiếc chìa khóa mở vào căn phòng mà Tuấn đang ẩn trốn: Thời thơ ấu.

Tuấn kể, anh có một tuổi thơ không sung túc nhưng lại đẹp như một giấc mơ mà cho đến tận bây giờ anh vẫn nhớ như in đến từng chi tiết nhỏ. Đó là một tuổi thơ của một Đức Tuấn to xác hơn bạn bè cùng trang lứa và cũng nổi bật hơn bạn bè cùng trang lứa, nickname Khủng Long Nhí ra đời từ đó.

Đó là quãng thời gian ba mẹ của Tuấn làm giáo viện tại Long Xuyên – An Giang và tuổi thơ của Tuấn vừa được sống trong thế giới của những trò chơi vui đến bất tận cùng tụi con nít cùng xóm. Và cũng có những khoảnh khắc, cậu bé Tuấn run rẩy khám phá thứ ánh sáng diệu kỳ phát ra từ những cuốn truyện cổ tích đã ố màu trên kệ sách của ba. “Cuộc sống lúc đó tuy không đầy đủ vật chất nhưng không bao giờ thiếu thốn niềm vui.

Đó là một cuộc sống vô cùng thú vị mà đến tận bây giờ nó vẫn làm cho Tuấn phải mìm cười mỗi khi nhớ lại. Lúc đó, nhà Tuấn nghèo nhưng bố mẹ làm giáo viên nên Tuấn chưa bao giờ thiếu sách đọc. Tuấn ngấu nghiến kho tàng tuyệt vời ấy của bố bằng tất cả sự tò mò và tình yêu của con trẻ.

Đó cũng là quãng thời gian cậu bé Đức Tuấn bắt đầu muốn chứng minh, mình là một người đặc biệt và muốn mọi người thừa nhận điều đó. Hơn hai tuổi, Tuấn đã đứng trên sân khấu, và catse là một chiếc... lồng đèn nhân dịp Tết Trung thu ở trường học của mẹ Tuấn dạy lúc đó. Đó là một kỷ niệm, có lẽ là đẹp nhất trong “đời ca sĩ” của Đức Tuấn bởi khi đó, phần thưởng cho một bé lên hát là một chiếc lồng đèn.

Tuấn đã xung phong lên hát những hai bài để rồi mếu máo nói với mẹ: “Con hát hai bài thì phải được hai chiếc lồng đèn chứ” khi “đòi” quà. Cứ thế, Tuấn lớn dần với âm nhạc, gắn bó với âm nhạc nhiều đến mức Tuấn tự nhận âm nhạc giống như nước – môi trường sống không thể thiếu của “con cá” Đức Tuấn. Cũng chẳng ít lần Tuấn khẳng định chắc nịch: “Mối quan tâm của Tuấn là âm nhạc, và mối quan tâm ngoài âm nhạc cũng lại là... âm nhạc”.

 

Mỗi lần xuất hiện trước công chúng là hình ảnh của một Đức Tuấn chín chắn. Chín chắn trong cách biểu diễn, chín chắn trong cả cách mang những sản phẩm âm nhạc đến với công chúng nhưng ít ai biết trong đời thực, có một Đức Tuấn thích đọc truyện tranh, thích nghe... Teen vọng cổ vì đơn giản là thấy ca khúc đó... dễ thương. Tuấn thú nhận: “Tuấn là trùm truyện tranh luôn. Tuấn chưa bỏ qua bất kỳ tập nào của bộ truyện về chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ Lucky Luke”.

“Cái trống thiếc” của Phạm Đức Tuấn

Có một chút khập khiễng khi so sánh Đức Tuấn với hình ảnh cậu bé Oskar trong cuốn tiểu thuyết từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1999 “Cái trống thiếc” của nhà văn Ba Lan Gunter Grass. Bởi, Tuấn có bề ngoài của người trưởng thành còn cậu bé kia thì mãi mãi ở trong hình dạng của đứa trẻ con.

Thế nhưng lại có một điểm chung giữa Đức Tuấn và cậu bé Oskar: Cả hai đều không muốn làm người lớn! Hơn nữa, Tuấn cũng có một “cái trống thiếc” đó chính là âm nhạc. Nhưng Tuấn “giỏi” hơn Oskar ở chỗ, cậu buộc người khác phải chú ý đến cậu, phải bước vào thế giới của cậu rồi bị mê mị bởi cái thế giới do cậu tạo ra.

Chẳng thế mà Tuấn chẳng chịu dừng lại ở giải thưởng “chiếc đèn lồng” từ thuở lên hai mà liên tiếp giành nhiều giải thưởng văn nghệ dành cho học sinh. Nhưng rồi, thay vì thi vào nhạc viện để nuôi ước mơ trở thành ca sĩ, Tuấn thi vào Đại học Ngoại thương chỉ vì “niềm kiêu hãnh của một cư dân Lê Hồng Phong – trường chuyên bậc nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ” nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa hơn là nghề hát lúc đó chưa “cao giá” như hiện nay và cũng chưa dễ dàng như hiện nay bởi theo như Tuấn thì “người ta đâu có coi trọng những giải thưởng ca hát bằng giải ba Anh văn quốc gia mà Tuấn đã đạt được” ?

Nhưng định mệnh với âm nhạc đã khiến cho Tuấn không thể trở thành một doanh nhân như con đường đã định sẵn. Quãng thời gian học Ngoại thương là một kỷ niệm đẹp với Đức Tuấn, dù kết quả trong suốt 4 năm học của Tuấn không hề tệ so với bạn bè cùng khóa.

Tuấn còn nói với tôi rằng, Tuấn không hề tiếc quãng thời gian đó mà ngược lại còn cảm ơn nó vì dù Tuấn không theo nghề kinh doanh nhưng tư duy làm việc của một người kinh doanh làm cho Tuấn “tỉnh táo” hơn với nghề hát “bên cạnh việc hát bằng con tim, Tuấn còn dùng cả cái đầu của mình để hát”. Chính sự tỉnh táo đó tạo nên một Đức Tuấn rất riêng, không lẫn vào đâu được trên sân khấu ca nhạc vốn rất nhiều sự nhàn nhạt hiện nay.

Hình ảnh mà khán giả nhìn thấy trên sân khấu là hình ảnh của một doanh nhân: Bặt thiệp, chín chắn. Nó khác hẳn với một hình ảnh của một Đức Tuấn khi không có âm nhạc. Tuấn tự nhận rằng, anh không muốn lớn. Và thực tế, anh chưa bao giờ trải qua giai đoạn “muốn trở thành người lớn” giống như bao nhiêu đứa trẻ khác cùng trang lứa.

Quả thực, nếu chưa tiếp xúc với Tuấn, chưa trò chuyện với Tuấn, người ta rất nghĩ rằng Tuấn nói dối. Bởi những bài phỏng vấn đèm đẹp xuất hiện hàng ngày trên mặt báo, bởi những câu trả lời bóng bẩy, khôn ngoan, tỉnh táo mà nhàn nhạt. Nhưng tất cả đó chỉ là vỏ bọc đằng sau hình ảnh của một cậu nhóc luôn muốn làm trung tâm của vũ trụ. Nếu nhìn Tuấn, như một đứa trẻ hiếu động hơn là một người đàn ông, ngõ hầu có thể bước vào cái thế giới rất tiêng ấy của Tuấn.

Cái sự trẻ con của Tuấn là sự tự thân, như nó cần phải có. Chứ không phải là “cưa sừng làm nghé” để làm màu với một ai đó. Thế nên, có thể một ngày nào đó, ta bắt gặp Tuấn lang thang một mình và xem xét một góc nhỏ ở một thành phố xa lạ nào đó. Cũng đừng ngạc nhiên khi thấy Tuấn một mình trong rạp chiếu phim và ngấu nghiến một bộ phim từ đầu đến cuối mà chẳng quan tâm đến người khác nghĩ gì.

Tuấn làm tất cả những điều đó, để phục vụ cho cảm xúc của chính mình, sau quãng thời gian trên sân khấu dành cho khán giả. Những lúc như thế, Tuấn chui vào thế giới riêng của mình. Giống như một chiếc hộp chân không, mọi tiếng gọi từ thế giới bên ngoài trở thành vô ích. Cái sự kiêu ngạo bề ngoài, có lẽ cũng một phần bắt nguồn từ đó.

Nếu như cậu bé Oskar không lớn để chống lại sự “phũ phàng” của thế giới người lớn thì Đức Tuấn lại cứ muốn mãi là trẻ em vì muốn nhìn thế giới mãi trong veo như con trẻ. Như lời trong một bài hát: “Còn tin vào chuyện cổ tích/ Còn nắm giữ được vận mệnh đời mình/ Kể cả khi số phận chênh vênh”.

Tôi tin rằng, cũng giống như nhiều người khác, Tuấn cũng có những khoảnh khắc chênh vênh. Nhưng chưa bao giờ anh ngã!

  • Tuấn Hải
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn