Chuyện của những ông bố thích lập quỹ đen

( PHUNUTODAY ) - Kiểm tra đến 3 lần, kết quả vẫn là con số cũ. Ông gọi điện ngay cho con trai. Sau nhiều ấp úng, cuối cùng Tuấn cũng phải thú nhận, tài sản quý giá của bố đã bị ông con nướng sạch vào lô đề và cá cược.

(Phunutoday) - Vợ quá khắt khe trong chi tiêu, mà ông Thắng lại muốn giúp đỡ họ hàng bên nội một chút về mặt tài chính nên ông đã lên ý định lập quỹ đen. Sau 2 năm, số “lương ngoài” của ông cũng đã tăng lên đáng kể. Sợ vợ hay lục ví hoặc kiểm tra thẻ, ông Thắng quyết định lập một thẻ riêng và… thông đồng cũng cậu con trai quý tử về chiếc thẻ này. Nhưng ông lại chẳng ngờ được rằng mình đang giao trứng cho ác khi con trai nướng sạch số quỹ đó vào trò đỏ đen, cá độ.
[links()]

“Cho ông cầm tiền để tôi mất chồng à?”

Toàn bộ số tiền có được trong thẻ của bố đã bị Tuấn rút ra trả cho những khoản nợ cờ bạc. (Ảnh minh họa)
Toàn bộ số tiền có được trong thẻ của bố đã bị Tuấn rút ra trả cho những khoản nợ cờ bạc. (Ảnh minh họa)

Cũng như bao người đàn ông khác, tháng nào ông Thắng cũng “cống nộp” hết tiền lương cho vợ. Sau khi tính toán các khoản cần phải chi tiêu: xăng nhớt, điện thoại, cơm trưa văn phòng... xong, vợ ông Thắng sẽ rót ngược lại cho chồng một ít để dằn túi.

Thế nhưng không phải tháng nào cũng như tháng nấy, bởi có tháng đụng phải những việc phát sinh ngoài ý muốn như: cưới hỏi, sinh nhật đồng nghiệp, gặp lại bạn cũ rủ nhau làm vài chai... ông không biết lấy tiền đâu ra. Hỏi mượn vợ thì bị cằn nhằn, vì vậy, ông quyết tâm lập “quỹ đen”.

Ông Thắng làm trong ngành kinh doanh, chính vì thế để nắm giữ được thu nhập cụ thể của ông không phải dễ. Thế nhưng, ông lại chẳng bao giờ có nổi 500.000 trong người. Bởi cứ đến cuối tháng, vợ ông lại lục ví, xem giấy tờ cũng như kiểm tra và nắm giữ tất cả các mật khẩu, thẻ ngân hàng của ông.

Ông không được phép giữ bất cứ chiếc thẻ nào. Theo lời vợ ông: “Làm nghề kinh doanh mà cho ông cầm tiền, để ông mang hết đi nuôi gái à, có ngày tôi mất chồng chứ chẳng chơi”. Thế nhưng, bà Nhung, vợ ông lại không hiểu rằng, cái nghề của ông có trăm thứ bà rằng phải cần đến tiền.

Những lần đi tiếp khách, những lần cùng sếp đi đây đó, ông không thể lúc nào cũng ngửa tay xin vợ tiền hoặc vay bạn bè đồng nghiệp mãi được. Cái tiếng phó phòng mà chẳng bao giờ đủ tiền mời bạn đi cà phê một bữa đeo bám ông suốt một khoảng thời gian dài.

Hơn nữa, đợt này, gia đình bên nội lại đang có vấn đề về tài chính, và cần sự giúp đỡ của ông. Có lần, đang trên đường về nhà thì xe hết xăng, ông phải gọi điện cho cậu nhân viên của phòng đến… cho mượn tiền để đổ xăng. Lý do đơn giản là vì lúc đó trong ví ông Thắng có duy nhất một tờ… hai mươi nghìn đồng.

Ông Thắng quyết tâm lập quỹ riêng cho mình, để có thể thoải mái trong chuyện chi tiêu. Bạn bè ông, hầu như ai cũng có tiền riêng, ai cũng ca thán là ông quá hiền lành, quá sợ vợ, để vợ quản lý tất cả như thế là không được.

Thế nhưng, với một bà vợ khó lòng qua mắt được như bà Nhung, ông đang chưa biết làm cách nào để có thể “giấu tiền” mà vợ không thể phát hiện ra. Ông  chợt nghĩ đến cậu con trai quý tử đang học đại học năm thứ 3.

Mặc dù là sinh viên, thế nhưng hai bố con ông Thắng khá thân thiết với nhau, nhiều lúc nói chuyện với nhau như hai người bạn. Có chuyện gì trong công việc, ông cũng đều tâm sự với con trai. Thế nên hai bố con khá hiểu nhau. Chuyện tiền nong giữa ông với con trai cũng khá thoải mái. Thậm chí nhiều lúc, ông Thắng còn phải xin cậu con trai mấy chục nghìn để mua bao thuốc.

Tuấn, cậu ấm của ông Thắng khá hiểu hoàn cảnh của bố. Nên khi nghe kế hoạch lập quỹ riêng để sau này có thể “thoát khỏi gọng kìm” của bà mẹ khó tính về vấn đề tài chính, Tuấn hưởng ứng ngay. Bởi nói gì thì nói, nếu bố có quỹ riêng, chắc chắn việc xin tiền của cậu sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Vậy là hai bố con ông Thắng cùng nhau lập thẻ ATM, đứng tên chủ tài khoản là Tuấn. Hằng tháng, ông vẫn đưa lương và thưởng cho vợ như bình thường. Tất cả các thẻ cũ, bà Nhung vẫn nắm giữ. Thế nhưng, tất cả những khoản hoa hồng của các dự án, hay hợp đồng mà ông mang về, ông đều trích ra một ít để chuyển sang tài khoản “đen” của hai bố con.

Với chức phó phòng dự án, chẳng mấy chốc mà quỹ đen của hai bố con cũng được kha khá. Bà Nhung cũng không có nghi ngờ gì, cũng chẳng để ý tại sao tự nhiên đợt này ông con trai lại có tiền mua nhiều quần áo và đồ dùng đến thế.

Ông Thắng vẫn nộp tiền lương, tiền thưởng, hoa hồng các thứ cho bà. Bà chưa nhận ra được có gì khác biệt cả, điều đó khiến ông Thắng cảm hấy hài lòng và mừng thầm trong bụng.

Bẵng đi một thời gian, công việc cuốn ông đi khiến ông bắt đầu xao nhãng đi chiếc thẻ chung. Như một con rô-bot, ông chỉ biết công thức: lấy tiền hoa hồng, trích một ít, gửi vào thẻ. Ông hoàn toàn đặt niềm tin vào việc “quản lý tài chính” của người bạn thân, đồng thời là cậu con quý tử của mình.

Giao trứng cho ác

Chỉ đến khi, người anh họ đang có ý định mua nhà và ngỏ ý vay vợ chồng ông Thắng 300 triệu, ông mới vỡ lẽ ra là mình đang giao trứng cho ác. Số tiền đó không phải là gia đình ông không có, thế nhưng bà Nhung vốn khó khăn trong chuyện vay mượn chuyện tiền nong, nên người anh họ đề cập chuyện với ông Thắng. Ông nghĩ ngay đến “quỹ đen” của mình.

Nhấc điện thoại gọi điện hỏi con trai, nhưng chỉ thấy cậu con quý tử ậm ừ. Cậu nói là đang đi thực tế ở Quảng Ninh, phải hai ngày nữa cậu mới về. Hai ngày sau, thấy cậu con trai về nhà, ông Thắng lôi Tuấn lên phòng riêng để lấy thẻ.

Cầm “quỹ đen” trong tay, không mảy may suy nghĩ, ông ra luôn ngân hàng để rút tiền. Thế nhưng đến khi kiểm tra tài khoản, tất cả những gì ông được cô thu ngân thông báo lại là: tài khoản của ông hiện giờ chỉ vỏn vẹn có 20 triệu đồng. Ông ngã ngửa không tin vào mắt mình.

Hơn 2 năm, số tiền mà ông không thể là con số khiêm tốn thế này được. Chí ít, chỉ cần hai hợp đồng dự án mang về hồi tháng trước, ông đã phải có số tiền gấp 5 lần như con số này rồi. Ông yêu cầu thu ngân kiểm tra lại thẻ một lần nữa xem có sự nhầm lẫn hay hỏng hóc không.

Kiểm tra đến 3 lần, kết quả vẫn là con số cũ. Ông gọi điện ngay cho con trai. Sau nhiều ấp úng, cuối cùng Tuấn cũng phải thú nhận, tài sản quý giá của bố đã bị ông con nướng sạch vào lô đề và cá cược.

Thì ra, bỗng dưng có tiền trong tay, Tuấn bắt đầu ăn chơi theo bè bạn và lao vào đề đóm cá cược. Thời gian đầu, cậu chỉ dám chơi nhỏ, và liên tục thắng. Dần dần, máu mê dây vào người, “ông con” bắt đầu cảm thấy kiếm tiền bằng cách này dễ dàng quá, lại có vốn sẵn có từ số tiền mà hàng tháng bố vẫn nạp vào như cái máy.

Tuấn bắt đầu thích cái trò mà nhiều đứa bạn gọi là “trò chơi trí tuệ”, ngày ngày ngồi tính quy luật, để xem hôm nay đề sẽ về bao nhiêu, đội bóng nào thắng, cá cược thế nào cho dễ ăn… Thế nhưng, trò cờ bạc, đôi khi ăn nhau ở vận may. Mà Tuấn thì chẳng thể lúc nào cũng may mắn mãi.

Lần thứ nhất, Tuấn thua cá cược bóng đá hơn 200 triệu. Không có tiền để trả, Tuấn mượn xe và máy tính của các bạn.Nhưng cũng không thể xoay đâu ra số tiền lớn như thế. Chủ nợ thì càng ngày càng đòi ráo riết, số tiền lãi cũng lên khá cao.

Thậm chí Tuấn còn phải trốn học vì sợ mọi người nhìn thấy lại đòi nợ. Không còn nơi bấy víu, Tuấn nhớ đến chiếc thẻ của bố. Cậu nghĩ đơn giản chỉ vay tạm thời bố, sau đó sẽ quyết tâm gỡ gạc lại để hoàn lai số tiền này cho bố. Thế nhưng, trò đời, đã vướng vào con đường cờ bạc, khó mà rút chân ra.

Hơn nữa, quyết tâm gỡ gạc lại số tiền càng khiến Tuấn mờ mắt. Và thêm hai lần nữa, cậu thua. Một lần hơn 300 triệu, và lần thứ ba là 147 triệu. Toàn bộ số tiền có được trong thẻ của bố đã bị Tuấn rút ra trả nợ sạch sẽ.

Đến lúc này, ông Thắng mới ngã ngửa vì đã quá tin tưởng cậu con trai đang ở độ tuổi mới lớn này. Nhưng con dại cái mang. Ông còn biết trách ai được ngoài mình. Ông cũng không thể nói chuyện này với vợ, bởi nói ra chẳng khác nào cho vợ ông biết ông giữ tiền ngoài.

Con trai… tự mượn quỹ đen của bố vì… nghệ thuật

Cũng có quỹ đen riêng như ông Thắng, nhưng trường hợp của ông Minh lại khác. Ông có thú vui chơi đồ Hi-tech như loa đài, máy tính, hay điện thoại. Ông Minh cũng gia nhập một nhóm gọi là Audio Club ở Hà Nội.

Đương nhiên, ông hiểu rằng muốn chơi audio đúng nghĩa, ông không thể trông chờ vào những khoản tiền mà vợ hằng ngày chu cấp cho ông được. Mỗi chiếc loa mà ông hay nhóm bạn trong hội mua về, cái rẻ cũng cỡ hai chục triệu, cái đắt thì lên đến con số hàng trăm, chẳng thể thống kê hết được.

Đương nhiên vợ ông Minh không thể hòa nhập được với thú chơi này của chồng. Đó là lý do vì sao ông phải có quỹ đen để thỏa niềm đam mê xa xỉ này. Để có tiền cho vào quỹ riêng, ông Minh vừa là tay chơi audio, lại vừa là dân buôn hàng. Mỗi lần trao qua bán lại, số tiền mà ông hưởng không phải là ít.

Đương nhiên vợ ông không thể nắm giữ được tất cả các hoạt động của ông. Và số tiền này ông giữ riêng cho mình. Tuy nhiên, thi thoảng vợ ông Minh lục ví thấy ông vẫn còn để trong ví vài thẻ ATM. Bà lại cằn nhằn, tra khảo tại sao ông lập thêm ATM riêng để làm gì, có phải lại hú hí với cô nào ở ngoài không, có mang tiền đi cho ai không…

Ức chế và không muốn bị vợ phát hiện, ông chuyển chủ thẻ sang cho cậu trai, mượn tên để duy trì tài khoản.

Con trai ông Minh mới nghỉ làm ở cơ quan để thành lập một cửa hàng xăm nghệ thuật. Do mới mở, lời lãi chưa nhiều mà phải nhập nhiều nguyên liệu đắt tiền từ nước ngoài về, Dũng luôn ở trong trạng thái “kẹt tiền”. Nhận thiếc “hòm tiền mini” từ bố gửi, Dũng như mở cờ trong bụng. Vốn ở đây chứ ở đâu ra nữa.

Thế là ông Minh gửi vào tài khoản bao nhiêu tiền, con trai ông lại “moi” bấy nhiêu ra để đi mua nguyên liệu về cho cửa hàng. Tưởng rằng, cứ nhập hàng tốt về là sẽ đảm bảo uy tín với khách. Thế nhưng, do tay nghề của các nhân viên trong cửa hàng còn thiếu kinh nghiệm, Dũng nhiều lần còn phải đền tiền cho hai khách hàng chỉ vì làm cháy da của họ trong khi xăm. Lời chẳng thấy đâu. Chỉ thấy tiêu hết tài khoản trong thẻ của bố rồi.

Việc lập quỹ đen không còn là chuyện hiếm hoi của các ông chồng, bà vợ ở thời đại hiện nay. Nhiều ông chồng làm ra tiền nhưng vợ lại giữ quỹ chung nên con cái cần chi tiêu cái gì chỉ gặp mẹ. Và để giành lại chút quyền lực, các ông tất yếu phải có khoản riêng, để "con cái biết trong nhà còn có bố".

Kể cả khi đã có gia đình riêng, không có nghĩa là đàn ông hết trách nhiệm với bố mẹ, anh em mình. Thi thoảng, họ cũng cần biếu ông bà nội ngoại chút ít dưỡng già, anh em khó khăn chẳng lẽ không giúp đỡ, đứa cháu ở quê lên học đại học thỉnh thoảng kẹt tiền đến xin chú, rồi ông bác nằm viện cần đến thăm...

Những lúc ấy mà đi xin tiền vợ thì mặt mũi nào? Quỹ đen vừa giúp họ hoàn thành nghĩa vụ với đại gia đình, với bà con dòng tộc mà lại vừa tránh đi sự bực bội khó chịu của vợ. Thế nhưng, việc quản lý quỹ đen như thế nào thì lại phải tính. Khi khó lòng qua mắt được các bà vợ “tinh mắt”, các ông nghĩ đến chuyện gửi con. Nhưng, không phải ai cũng may mắn trong chuyện quản lý quỹ đen một cách an toàn.

  • Lê Cam
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT