Chuyện hậu thế của gia đình giáo sư Vũ Khiêu

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ông cho rằng, cuộc đời của mình cho đến thời điểm này thật viên mãn, sự nghiệp thành công, cuộc sống thanh thản. Đó là tất cả những gì ông có trong tay và cảm thấy hài lòng với những điều đó.

(Phunutoday) - Giáo sư Đặng Vũ Khiêu nổi tiếng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại, ông được nhà nước và nhân dân Việt Nam vinh danh rất nhiều lần. Người đời biết đến vị giáo sư này với những công trình khoa học, những dự án văn hóa, những đóng góp không ngừng nghỉ cho xã hội, dân tộc. Cả cuộc đời gắn trọn với văn hóa, văn học, cho đến khi bước qua ngưỡng cửu tuần, giáo sư Vũ Khiêu vẫn làm việc một cách miệt mài đầy nhiệt huyết.

[links()]

Gia đình ông là gia đình của những nhà khoa học. Các con ông, người là giáo sư, người là kỹ sư, là họa sĩ… mỗi người một ngành nghề nhưng đều có điểm chung là cùng ghi những dấu ấn của mình vào thời đại.

Đó là gia đình của những con người sống vì khoa học, vì văn hóa và đang có những bước tiến đẹp rực rỡ khiến những người xung quanh cảm thấy khâm phục…

Chuyện về một người cha vĩ đại

Gia đình giáo sư Cảnh Khanh và giáo sư Vũ Khiêu
Gia đình giáo sư Cảnh Khanh và giáo sư Vũ Khiêu

Trong câu chuyện với GS-TS Lê Thị Quý, người con dâu trưởng của giáo sư Vũ Khiêu, người phụ nữ này đặc biệt nhiệt huyết với những câu chuyện, kỉ niệm về người bố chồng. Người con dâu này gọi giáo sư Vũ Khiêu là “người cha vĩ đại”, vì suốt trong vài chục năm qua, ông luôn là một tấm gương sáng để các con soi xét, để chiêm nghiệm.

Trong sâu thẳm suy nghĩ, bà Lê Thị Quý luôn cho rằng, cuộc đời của bà có được như ngày hôm nay là nhờ vào những ảnh hưởng từ bố chồng, những học hàm giáo sư, tiến sĩ là nhờ vào những định hướng, chỉ dạy của người cha uyên bác và tình cảm trong suốt bao nhiêu năm qua.

Bà tự hào vì mình đã được làm dâu trong một gia đình truyền thống và nề nếp. Dù trải qua những quãng thời gian khó khăn, thiếu thốn về mặt vật chất nhưng cả gia đình vẫn sống yên ấm, hòa thuận bên nhau.

Mọi người đối xử với nhau bằng tình cảm, bằng sự nhận thức và bằng một sự hài hòa của văn hóa gia đình. Điều đó khiến cho cả đại gia đình lớn của giáo sư Vũ Khiêu luôn tìm được tiếng cười và ấm áp trong những lần gặp mặt nhau.

Khi nói về gia đình mình, kể về những câu chuyện về người bố chồng, GS-TS Lê Thị Quý luôn có một giọng nói đầy chan chứa và tự hào.

Bà kể về những năm tháng trước kia, đất nước còn khó khăn khi vừa mới hoàn toàn độc lập, bà và chồng - người con thứ hai và là con trai lớn của giáo sư Vũ Khiêu tên Đặng Vũ Cảnh Khanh đều đang là phóng viên thuộc Thông tấn xã Việt Nam, khi cha được nhà nước điều động vào miền Nam để gây dựng một viện nghiên cứu mới, bà và chồng đã theo chân cha vào đó.

Chấp nhận từ bỏ công việc phóng viên ở một cơ quan nhà nước tiếng tăm, hai vợ chồng bà đã quyết định đi theo cha, đi theo con đường cha lựa chọn, con đường nghiên cứu khoa học, văn hóa đầy vất vả và gian truân.

Khi vào tới miền Nam, được làm việc cùng với cha, đó là một cơ hội, một thử thách cho cả vợ chồng bà. Được học những kiến thức sâu rộng, được nhận thức những cách nghĩ, cách làm việc khoa học, lâu dần cả hai vợ chồng bà đã ngấm dần những tư tưởng sâu sắc của giáo sư Vũ Khiêu.

Ngay cả những khi cha ngồi nói chuyện với những bạn bè về văn hóa, nghệ thuật cũng là cơ hội để cho người con dâu mở rộng nhận thức.

Có lần,  giáo sư Vũ Khiêu ngồi với bạn bè mình bình luận về nghệ thuật cải lương khiến người con dâu vốn thông minh và ham tìm hiểu ngỡ ngàng khi được biết, nguồn gốc của cải lương xuất phát từ Chiêm Thành… Sự bất ngờ đó khiến giáo sư Lê Thị Quý càng cảm phục hơn người cha chồng uyên bác của mình.

Có rất nhiều câu chuyện, kỉ niệm về giáo sư Vũ Khiêu mà bà Quý muốn kể. Bà nhớ về những lần bạn bè của ông kéo đến nhà quây quần bên ấm trà rồi cùng trò chuyện, bàn luận về những vấn đề văn hóa, xã hội.

Bà Quý kể rằng, những năm tháng đó kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, bữa cơm chỉ có lạc rang, đậu phụ nhưng cả gia đình luôn vui vẻ, tươi cười bên nhau. Những người bạn đến với giáo sư Vũ Khiêu đều là những con người uyên bác, tiếng tăm như nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Đình Thi, giáo sư Trần Văn Giàu, giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Trần Đức Thảo, nghệ sỹ điện ảnh Hoàng Thị Thế…

Họ cùng ngồi với nhau bàn về văn học, về văn hóa, về thời cuộc. Đôi lúc, gia đình mời cơm những người bạn đó, bữa cơm chỉ toàn rau dưa nhưng mọi người đều vui vẻ, đầm ấm.

Người con dâu này thật sự cảm phục giáo sư không chỉ về kiến thức, văn hóa mà cả về cách ông dạy bảo các con trong gia đình. Mỗi khi có chuyện xảy ra ông thường phân tích ngọn ngành những điều sai, điều đúng, ông chỉ cho từng người những điều được, chưa được.

Nhờ vào sự chỉ dạy cặn kẽ đó mà những mâu thuẫn đều được giải quyết một cách nhẹ nhàng, êm đẹp. Quan trọng hơn, từng người con trong gia đình đều được giáo sư Vũ Khiêu chỉ dạy cho cách sống, các ứng xử hợp lý với mọi người xung quanh.

Các thành viên trong gia đình đều phải học cách tôn trọng mọi người xung quanh, học được cách tôn trọng người khác cũng là cách để người khác tôn trọng lại mình. Chính vì thế, bao năm tháng qua, gia đình giáo sư Vũ Khiêu luôn sống trong yên ấm, hòa thuận và tình yêu thương của mọi người với nhau.

Bản thân một người con dâu như bà Quý cũng rất ít khi cảm thấy khoảng cách giữa “bố chồng - nàng dâu”. Giáo sư Vũ Khiêu luôn dành sự quan tâm bình đẳng cho tất cả mọi người. Ông thẳng thắn chỉ dạy, chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống. Ông chẳng bao giờ cáu giận với các con, các cháu mà thường giữ một thái độ bình tĩnh trong tất cả mọi vấn đề.

Chính nhờ vào điều  này mà tất cả việc ông làm, lời ông dạy đều rất rất đúng đắn và chuẩn xác.

Ảnh hưởng từ người cha chồng cả về cách sống, cách làm việc, GS-TS Lê Thị Quý đã tìm được cho mình một hướng đi đúng đắn cho cuộc đời mình. Bà từ bỏ công việc phóng viên với nhiều hoài bão, đam mê mà đi vào nghiên cứu văn hóa, khoa học.

Được sự dẫn lối của người cha, bà đã tìm được rất nhiều thành công trong sự nghiệp của mình. Cho đến bây giờ, khi đã lui về sườn dốc bên kia của cuộc đời, khi mà sự nghiệp “công đã thành, danh đã toại” thì GS-TS Lê Thị Quý hiểu rằng hình bóng người cha chồng đã theo bà và dẫn lối cho bà tìm được con đường đến với khoa học và niềm say mê khoa học.

Những ảnh hưởng từ người cha uyên bác và vĩ đại đã giúp bà rất nhiều không chỉ trong cuộc sống mà cả trong công việc nghiên cứu. Không chỉ bản thân bà Quý có suy nghĩ đó mà tất cả những người con trong gia đình, trai, gái, dâu, rể đều hiểu rằng, tấm gương cho họ chính là người cha.

Chỉ cần soi xét vào đó họ sẽ tìm ra được cái đúng, cái sai, hiểu được chân lý của cuộc sống, tìm được lý lẽ đúng đắn cho cuộc đời.

Những người con của giáo sư Vũ Khiêu

Hai vợ chồng giáo sư Cảnh Khanh và Lê Thị Quý
Hai vợ chồng giáo sư Cảnh Khanh và Lê Thị Quý

Giáo sư Vũ Khiêu có tất cả 4 người con, 1 người con gái cả và 3 người con trai. Người con gái cả của ông tên Đặng Thị Quỳnh Khanh là một cử nhân ngành sử học. Hiện, bà Quỳnh Khanh đã nghỉ hưu và đang có những ngày tháng an nhàn bên con cháu sau khi đã gắn trọn cuộc đời với công tác ở thư viện.

Người con thứ hai, con trai lớn tên Đặng Vũ Cảnh Khanh là giáo sư, tiến sĩ ngành Xã hội học và người vợ của ông là Lê Thị Quý cũng là giáo sư, tiến sĩ. Người con thứ ba của giáo sư Vũ Khiêu tên Đặng Vũ Hạ, vốn là một kỹ sư vô tuyến điện và người con thứ tư tên Đặng Vũ Hoa Thạch là họa sĩ.

Tuy các con của giáo sư Vũ Khiêu mỗi người đều tìm cho mình một ngành nghề riêng nhưng đều có được những thành công nhất định trong sự nghiệp, cũng như khẳng định được vị trí của mình. Theo như lời của bà Lê Thị Quý thì, tất cả các anh em trong nhà đều có một sự thông minh và sáng tạo.

Ở mỗi nghề nghiệp của nhau họ đều là những người xuất sắc. Nhưng điều quan trọng nhất đó chính là trong cách sống của những người con của giáo sư Vũ Khiêu đều giữ được nét phông văn hóa rất sâu đậm. Mọi người đều có cách ứng xử nhẹ nhàng và hợp lý trong cuộc sống.

Sống trong gia đình đã được vài chục năm nhưng chưa một lần bà Quý chứng kiến các anh em trong gia đình to tiếng với nhau, đó chính là điều khiến bà cảm thấy sự khác biệt so với những gia đình khác.

Trong số những người con của giáo sư Vũ Khiêu, mọi người cho rằng con trai trưởng Cảnh Khanh là kế tục thành công nhất sự nghiệp của cha. Là giáo sư, tiến sĩ ngành Xã hội học, ông Cảnh Khanh được biết đến nhiều khi cùng với vợ mình đặt nền móng đầu tiên cho môn Gia đình học ở Việt Nam.

GS-TS Khanh chủ yếu nghiên cứu các vấn đề xã hội, văn hóa con người. Học hết trong nước rồi sang nước ngoài nghiên cứu, tuy nhiên, ông đã chọn ngành nghiên cứu xã hội để dấn thân. Ông say mê học tập, tìm hiểu, tìm đọc không biết bao nhiêu đầu sách nghiên cứu về nghiên cứu xã hội, văn hóa cả trong và ngoài nước.

Khi hoàn thành xong các chương trình học bên nước ngoài, giáo sư Khanh trở về nước và bắt tay vào công việc nghiên cứu. Ông bắt đầu viết sách, viết những đề tài nghiên cứu của mình. Trước cái bóng quá lớn của người cha, giáo sư Khanh luôn tự nghĩ rằng mình phải cố gắng vượt lên, tìm sự khác biệt cho bản thân.

Ngay cả khi cho ra đời cuốn sách đầu tiên mang tên mình, giáo sư Cảnh Khanh còn phải chịu rất nhiều lời bàn tán của những người xung quanh. Mọi người cho rằng, cuốn sách đó là do giáo sư Vũ Khiêu viết và đề tên con trai cho rạng danh.

Nhưng gạt bỏ đi tất cả những điều đó, giáo sư Khanh vẫn kiên định với con đường mình đã chọn. Ông tiếp tục tiến bước trên con đường nghiên cứu ngành khoa học xã hội.

Công tác tại viện nghiên cứu Thanh niên giúp giáo sư Khanh có nhiều cơ hội hơn đối với việc tìm hiểu khoa học, sáng tạo những đề tài mới. Những cuốn sách giá trị liên tục được ông cho ra đời, và cũng dần dần từ đó, người trong giới nghiên cứu xã hội học biết nhiều đến ông hơn.

Giáo sư Khanh viết nhiều, viết khỏe, viết sâu sắc và nghiên cứu một cách nghiêm túc vì vậy mà những tác phẩm ông cho ra đời thường có một sự ảnh hưởng rất rõ rệt. Cho đến thời điểm bây giờ, số đầu sách giáo sư Khanh đã rất nhiều, ông viết cả sách nghiên cứu và cả giáo trình dành cho việc học tập của sinh viên.

Mỗi cuốn sách ông đều dành một sự nhiệt huyết cao độ, mỗi đề tài nghiên cứu luôn thực hiện bằng trách nhiệm và sự đam mê. Cách suy nghĩ đó, làm việc đó, giáo sư Khanh được thừa hưởng từ người cha của mình.

Tất cả những người con trong gia đình đều coi cha mình là thần tượng. Họ coi cha là hình mẫu để phấn đấu, để học tập theo…

Sự nghiệp của giáo sư Khanh lẫy lừng như ngày hôm nay không thể không kể đến sự đồng hành của người vợ, giáo sư Lê Thị Quý. Hai vợ chồng ông bà đã tạo ra sự gắn kết chặt chẽ trong cả cuộc sống và công việc.

Cuốn sách ghi dấu sự kết hợp giữa hai vợ chồng giáo sư Khanh là “Gia đình học”. Đây là cuốn sách được giới chuyên môn đánh giá là viên gạch đầu tiên cho môn học Gia đình học của ngành khoa học xã hội sau này.

Những thành công đến với giáo sư Khanh qua ngày tháng nhưng phải được đổi bằng mồ hôi, công sức và trí tuệ. Việc tiếp bước được người cha trong sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, xã hội đã giúp giáo sư Khanh khẳng định được vị trí của mình.

Vợ chồng ông là thuộc dạng “số hiếm” khi cả hai người cùng tìm được thành công trong sự nghiệp. Họ đã khẳng định được vị trí của mình trong công việc, ảnh hưởng nhất định trong sự nghiệp mà không hề bị cái bóng to lớn của người cha bao trùm.

Những công trình của họ được giới chuyên môn và quần chúng công nhận. Vợ chồng giáo sư Cảnh Khanh và Lê Thị Quý đã tiến những bước đi vững chắc trong công việc cũng như cuộc đời.

Trong suy nghĩ của hai người, cách làm việc, cách tư duy luôn theo sự định hướng của người cha vĩ đại. Họ học cách làm việc của giáo sư Vũ Khiêu, học theo cách ông ứng xử với cuộc sống, tìm được dư vị cho cuộc đời, đó là điều cốt lõi nhất mà cả hai người đã đã làm được.

Nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp của mình, cả hai vợ chồng giáo sư Khanh cho rằng, dù bất kỳ làm công việc gì thì việc thực hiện một cách nghiêm túc, triển khai bằng lòng nhiệt huyết và đam mê là quan trọng nhất. Nghiên cứu khoa học không bao giờ có sự hời hợt, thiếu chín chắn như vậy sẽ chắc thể làm đi tới tận cùng của những đề tài.

Ngay cả những anh em trong gia đình, dù là nhân viên hành chính, kỹ sư vô tuyến điện hay một họa sĩ thì họ đều có những cách làm rất nghiêm túc và chỉn chu theo đúng nguyên tắc của giáo sư Vũ Khiêu. Có lẽ không quá khi nói rằng, giáo sư Vũ Khiêu đã thành công trong việc truyền nhiệt huyết làm việc của mình vào cho những người con của mình.

Ông đã dạy cho những đứa con của mình cách đam mê, cách đắm say với công việc, đó là điều thành công mà một người cha dạy bảo cho các con. Bản thân giáo sư Khanh nghĩ rằng, việc mình sống, làm việc ra sao trước là để cho bản thân chính mình nhưng cao hơn đó còn là sự kế thừa và phát huy những gì mà người cha đã đặt nền móng.

Bổn phận của người con là phải biết phát huy những gì gia đình đã có, làm rạng rỡ cho bản thân và cả dòng tộc. Dòng họ Đặng Vũ sẽ còn có rạng danh hơn khi có những con người như giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Cảnh Khanh và cả người con dâu giáo sư Lê Thị Quý.

Khúc vĩ thanh của một gia đình hạnh phúc

Bây giờ thì mỗi người con của giáo sư Vũ Khiêu đều có một gia đình riêng, họ đều là những người ông, người bà trong gia đình, dưới họ có những người con, đứa cháu, tất cả đều sống theo những gì người cha, người ông, người cụ đã truyền dạy.

Một đại gia đình lớn, sống trong một không khí yên ấm, bao bọc lẫn nhau, họ sống bằng nguyên tắc tôn trọng nhau, yêu thương nhau vì vậy mà ngày tháng trôi qua thật nhẹ nhàng và thanh thản. Anh em trong gia đình luôn có sự chia sẻ, giúp đỡ mỗi lúc khó khăn, quây quần mỗi khi có công việc... đó là những điều hạnh phúc nhất mà mỗi người cha, người mẹ luôn mong mỏi.

Theo quan điểm của giáo sư Khanh, là anh em trong gia đình mỗi người phải luôn xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Trách nhiệm đối với đại gia đình chung, trách nhiệm với những người xung quanh và trách nhiệm với cả bản thân mình phải sống tốt, sống khỏe, sống hài hòa.

Bản thân giáo sư Lê Thị Quý cũng xác định, là người con dâu trong nhà luôn phải xác định cho mình một tư tưởng phải xây dựng một cuộc sống chung cho cả gia đình lớn. Không đơn giản chỉ là sự quan tâm với chồng, với con mà cả những người xung quanh, với những người thân hàng ngày sống cùng với mình.

Bao năm tháng qua, đại gia đình giáo sư Vũ Khiêu vẫn sống với nhau một cách hòa thuận và chan chứa tình cảm. Giữa họ có sự đồng điệu về cách sống, cách suy nghĩ được ảnh hưởng từ người cha mẫu mực. Mỗi khi nhìn vào đại gia đình lớn của vị giáo sư này, nhiều người có cảm giác khao khát.

Họ khao khát có được một cuộc sống hài hòa như vậy, khao khát được sống trong không khí  nhẹ nhàng, mọi người cùng ứng xử với nhau bằng văn hóa, tình yêu thương.

Là con trai trưởng, giáo sư Cảnh Khanh xác định cho mình những trách nhiệm mà chẳng ai phải nhắc nhở, chẳng cần ai phải nói ông vẫn thực hiện một cách đầy đủ. Cứ như vậy, mọi thành viên trong gia đình tự hình thành cho mình một tinh thần tự vận động, tự trách nhiệm.

Mỗi khi gia đình có công việc chung, việc lớn nhỏ mọi thành viên trong gia đình lại sum vầy bên nhau cùng giải quyết. Đó là cách cách sống, cách cư xử của những thành viên trong gia đình giáo sư Vũ Khiêu vẫn thực hiện. Và cũng nhờ cách sống này mà biết bao nhiêu năm qua họ vẫn luôn duy trì được không khí hòa thuận đầy yêu thương.

Ngẫm về những gì mình đã trải qua, về gia đình của mình giáo sư Cảnh Khanh chia sẻ bằng giọng nói đầy tự hào. Ông tự hào vì mình có được một gia đình hạnh phúc, có được một người cha vĩ đại, có được một người vợ đảm đang và thành đạt và tự hào về cả bản thân mình vì đã được thừa kế một suy nghĩ, tư tưởng rất lỗi lạc.

Ông cho rằng, cuộc đời của mình cho đến thời điểm này thật viên mãn, sự nghiệp thành công, cuộc sống thanh thản. Đó là tất cả những gì ông có trong tay và cảm thấy hài lòng với  những điều đó.

  • Đan Thủy


 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn